Đã có 165 người chết và mất tích, 117 người bị thương
Trong đó, đợt lũ đầu tháng 10 khiến 66 người chết, 17 người mất tích,
75 người bị thương ở các tỉnh Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An.
Đợt lũ hiện nay lại tiếp tục cướp đi mạng sống của 77 người, 5 người bị
mất tích và 42 người bị thương. Làm hư hại hàng trăm ngàn ngôi nhà,
81.670 con gia súc, gia cầm bị cuốn trôi; 56.833 ha lúa và hoa màu,
18.642 ha nuôi trồng thủy sản bị ngập; 33.375 tấn lương thực và thóc
giống bị cuốn trôi.
Phùng Thị Mến (lớp 5A) và Phùng Đăng Hoàng
(lớp 4A) trường Tiểu học Ưng Phú, huyện Vũ Quang (Hà Tĩnh) nhai ngấu
nghiến củ sắn - Ảnh: D.Đ.M
Nhà ngập, đồ đạc hư hết...
Cho
đến hôm qua, mặc dù nước lũ đã rút nhiều nhưng vẫn còn hàng chục ngàn hộ
dân các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình ngập chìm trong biển nước.
Người dân Hà Tĩnh nhận hàng cứu trợ của Tập đoàn Vin Group phối hợp với
Báo Thanh Niên trao tận tay hôm 23.10 - Ảnh: Khánh Hoan
Tại Đội
2, ấp Lộc Thượng, xã An Thủy, huyện Lệ Thủy (Quảng Bình), khi tiếp xúc
với Thanh Niên, bà Võ Thị Thắm Hưng (55 tuổi) kể, gia đình bà bị hư hại
nhiều tài sản, 1 tấn lúa định bán để gửi tiền cho con đang học ở xa cũng
đã bị ngâm trong nước lũ.
Không chỉ thiếu ăn trong hiện tại, mà
nhiều bà con còn lo lắng sẽ thiếu giống trong vụ đông xuân sắp đến.
“Chúng tôi hy vọng Nhà nước sẽ trợ giống cho bà con, vì sau lũ người dân
bị thiệt hại nặng nề, số tiền vài triệu đồng mua giống cho vụ lúa này
vượt quá khả năng”, chị Nguyễn Thị Hoài, một người dân ở tại thôn Lộc
An, xã An Thủy nói.
Ông Dương Công Toản, Chủ tịch UBND xã Lộc
Thủy, cho biết: “Toàn xã có 1.200 hộ dân với 5.000 nhân khẩu, đợt lũ làm
100% hộ dân bị ngập sâu, trong đó 40% bị ngập từ 2,5 mét trở lên. Sau
lũ chúng tôi đã tập trung vệ sinh nhà cửa, cơ quan công vụ, nhưng khó
khăn của người dân vẫn chưa thể được khắc phục”.
Còn tại các
huyện Can Lộc, Lộc Hà (Hà Tĩnh), một số đường liên xã vẫn ngập nước
khiến công tác cứu trợ gặp khó khăn. “Nhà tui bị ngập, hư hết lúa rồi,
đồ đạc cũng bị trôi”, bà Phạm Thị Thao, một người dân ở huyện Can Lộc
nói với Thanh Niên.
Cái đói trước mắt
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT
Cao Đức Phát cho biết: “Ngành chăn nuôi và vụ đông xuân tại nhiều vùng
ngập lũ đã bị xóa sổ hoàn toàn. Người dân không chỉ đối diện với cái đói
trước mắt mà cả thời gian dài sau lũ. Nếu không có sự hỗ trợ kịp thời
để khôi phục sản xuất, bà con sẽ không thể thu hoạch được gì từ đồng
ruộng, nguy cơ thiếu đói là rất cao”.
Ông Võ Kim Cự, Chủ tịch
UBND tỉnh Hà Tĩnh bày tỏ: “Thiên tai gây thiệt hại quá nặng nề, vượt quá
khả năng chịu đựng của địa phương, chúng tôi cần nhận được sự hỗ trợ
khẩn cấp để sớm triển khai các hoạt động khắc phục hậu quả, từng bước ổn
định cuộc sống”.
Theo Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão T.Ư, các
địa phương đã chính thức đề nghị T.Ư hỗ trợ 2.830 tỉ đồng, trong đó Hà
Tĩnh 2.000 tỉ đồng, Nghệ An 500 tỉ đồng, Quảng Bình 300 tỉ đồng và Thanh
Hóa 30 tỉ đồng. Hà Tĩnh, Nghệ An và Quảng Bình mỗi tỉnh đề nghị hỗ trợ
5.000 tấn gạo cứu đói. Các tỉnh cũng mong muốn nhận được 1.000 tấn muối
i-ốt, 1.120 cơ số thuốc và 1.806 tấn giống các loại như lúa, rau, khoai
tây, ngô, và đậu tương.
Tại cuộc họp trực tuyến với các địa
phương mới đây, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải biểu dương những cơ quan,
đoàn thể, nhà hảo tâm đã đến với người dân vùng lũ, đồng thời cũng đề
nghị nên đa dạng hóa hình thức hỗ trợ đồng bào để bà con có điều kiện
vượt qua khó khăn. Phó thủ tướng chỉ đạo các bộ ngành và địa phương tập
trung mọi nguồn lực, khẩn trương ứng cứu và hỗ trợ trên tinh thần không
để người dân nào thiếu đói, thiếu nước uống, chăn màn.
Dân chạy lũ... thủy điện
Từ
ngày 17.9, Ban quản lý dự án thủy điện 6 - đơn vị chủ đầu tư, chính
thức đóng cống dẫn dòng tích nước hồ chứa thủy điện Đồng Nai 3. Theo đó,
có 7 xã bị ảnh hưởng gồm: Lộc Lâm, Lộc Phú (H.Bảo Lâm), Tân Thanh
(H.Lâm Hà), Đinh Trang Thượng (H.Di Linh) tỉnh Lâm Đồng và các xã Quảng
Khuê, Đắk Som, Đắk Plao (H.Đắk Glong) tỉnh Đắk Nông. Cùng thời điểm trận
lũ lịch sử diễn ra ở miền Trung, trời Lâm Đồng đổ mưa xối xả nên nước
dâng nhanh khiến hàng chục hộ dân ở thôn 5, xã Đinh Trang Thượng (H.Di
Linh) không kịp trở tay. Nhiều hộ phải chạy lên núi cao trú ẩn, có hộ
đến trước UBND xã Định Trang Thượng dựng lều ở tạm.
Không chỉ
người dân bị thiệt hại, các doanh nghiệp khai thác cát đá trong khu vực
nước dâng cũng khốn đốn vì không kịp vận chuyển cát, đá thành phẩm đến
nơi an toàn. Quốc lộ 28 nối liền 2 tỉnh Lâm Đồng và Đắk Nông bị nhấn
chìm khoảng 15 km, trong khi đường mới chưa làm xong khiến người dân
cũng hết đường đi lại.
Lâm Viên
Trích baomoi.com