(HNM) - Dù không nằm trong vùng ảnh hưởng của bão lũ vừa qua,
nhưng có ai ngờ doi đất nhỏ vươn ra biển thuộc hai xã Hải Phương và Hải
Xuân tỉnh Nam Định cũng mang nặng một nỗi đau đớn, mất mát khôn nguôi
cùng miền Trung ruột thịt. Câu chuyện đượm buồn xảy ra trong vòng bán
kính chưa đầy 10km ở một vùng quê nghèo khiến ai ai cũng thấy xót xa. Số
phận trớ trêu khi trong 20 nạn nhân trên chuyến xe định mệnh bị lũ nhấn
chìm tại huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh vào đêm 18-10 vừa qua, Hải Phương và
Hải Xuân có tới ba cặp mẹ con là những nạn nhân xấu số…
Còn đó những nỗi đau khôn nguôi
Trên đường công tác từ vùng lũ miền Trung trở về, đoàn PV Báo Hànộimới
có mặt tại Nam Định và Thanh Hóa, mang theo trách nhiệm, thay mặt độc
giả Thủ đô chuyển những số tiền ủng hộ đến tận tay thân nhân các nạn
nhân bị thiệt mạng trên chiếc xe khách BKS 48K - 5868 với mong muốn chia
sẻ phần nào những mất mát, đau thương. Việc trục vớt chiếc xe dưới dòng
nước đã xong, vậy mà đến hôm nay vẫn còn đó day dứt khôn nguôi khi chưa
tìm thấy thi thể cháu Vũ Thị Ánh, mới 7 tháng tuổi…
Đón nhận phần quà chia sẻ từ tay những người làm báo Thủ đô, bà Đỗ Thị
Thanh, cô ruột của chị Đỗ Thị Lan (24 tuổi) ở xã Hải Xuân, huyện Hải
Hậu, tỉnh Nam Định - một trong những nạn nhân trên chiếc xe khách bị lũ
nhấn chìm, ngân ngấn lệ cho biết: "Từ lúc nhận được tin dữ, cả họ tộc đã
vào Hà Tĩnh ăn chực nằm chờ bên dòng sông Lam, từng ngày từng giờ mong
tìm thấy xác chị Lan và con gái là cháu Vũ Thị Ánh. Mất hơn bốn ngày,
khi chiếc xe khách được tìm thấy, xác định được thi thể chị Lan, cả nhà
lại bấn lên lo chuyện tang ma đưa chị về quê chồng". Bà Thanh cho biết
thêm, hôm đưa chị Lan về tận Đăk Nông không có người chồng yêu thương.
Anh Vũ thắp nén nhang cho vợ xong ngất lịm đi, khi tỉnh dậy thì nhất
quyết xin họ tộc, xin phép người vợ quá cố ở lại bên dòng sông Lam chờ
bằng được đến ngày tìm được xác con… Cứ như vậy trong câu chuyện đượm
buồn gợi lại những đau thương đó, thi thoảng lại xé lòng đứt quãng bởi
những cú điện thoại hỏi han tình hình của gia chủ. Từ đầu dây bên kia,
anh Vũ cho biết, đến tận hôm nay khi nghe tin tại Cửa Lò cách nơi xảy ra
sự cố tới 15km tìm được một xác người, anh đã lặn lội ra tận nơi xem…
nhưng vẫn không phải là đứa con yêu thương của mình…
Khi biết đoàn công tác chúng tôi về, dù đang là ngày nghỉ, lại bận rộn
với công việc mùa gặt nhưng từ xóm trưởng xóm Đức Thuật là ông Đỗ Đức Đễ
đến Chủ tịch xã Hải Xuân là ông Nguyễn Hồng Chuân cũng đều có mặt tại
nhà các nạn nhân trong xã. Cũng như chúng tôi, lãnh đạo xã và cả bà con
trong thôn có mặt thắp một nén tâm nhang đều muốn góp một phần nhỏ bé
của mình để gia đình chị Đỗ Thị Lan, gia đình chị Phạm Thị Cúc (27 tuổi)
mau chóng vượt qua mất mát, đau thương. Ông trưởng thôn Đỗ Đức Đễ còn
vận nguyên bộ quần áo đi làm đồng, tất tả về chỉ để nói một câu: "Bà con
trong thôn xóm còn nghèo không góp được tiền của cũng góp được cái
tình. Cả mấy hôm nay, chúng tôi đều cắt cử bà con trông nom giúp ruộng
vườn nhà cửa bố cháu Lan để cả gia đình cháu yên tâm vào miền Trung lo
việc".
Nhân lên những ngọn lửa nhân ái
Cũng như tình người nơi xóm nhỏ Đức Thuật, xã Hải Xuân, trong ngôi nhà
nhỏ xã Hải Phong, huyện Hải Hậu của chị Trần Thị Huệ (36 tuổi) mấy hôm
nay còn phải kê thêm ghế ra ngoài vườn để có chỗ cho bà con trong vùng
đến sẻ chia mất mát. Di ảnh chị Huệ và cháu Phạm Thị Vy (2 tuổi) như
được sưởi ấm thêm bởi lòng nhân ái của cộng đồng. Nước mắt đã cạn khô
trên gò má người thân gia đình mẹ con chị, hay nói đúng hơn, nước mắt đã
lặn sâu vào cùng nỗi đau. Ông nội cháu Vy là Phạm Xuân An nắm tay từng
người trong đoàn chúng tôi bày tỏ: "Trong mất mát đau thương của gia
đình, chúng tôi càng thấy tấm lòng của bà con đáng quý và đáng trân
trọng biết nhường nào. Cả tuần nay, chúng tôi đã đón nhận được bao tấm
lòng sẻ chia yêu thương từ bà con đất Hà Tĩnh nơi con và cháu tôi ra đi,
đến sự quan tâm động viên của bà con chòm xóm và hôm nay là của những
người làm báo Thủ đô không quản xa xôi về tận gia đình thắp cho các cháu
nén nhang".
Thông qua Báo Hànộimới, anh Trường (bố cháu Vy) và ông An mong muốn được
bày tỏ tấm lòng biết ơn tới đồng bào Hà Tĩnh, bà con nơi quê nhà và độc
giả cả nước trong những ngày qua đã kịp thời động viên, sẻ chia mất
mát.
Hoàn cảnh của bố con anh Lê Văn Ngọc và cháu Lê Thị Bích Hạnh ở xã Hải
Xuân trong cùng một thời điểm chồng mất vợ, cha mất con, con mất mẹ, chị
mất em mới thật đau xót. Anh Lê Văn Ngọc không thể khóc thêm được nữa
vì sức đã kiệt và nỗi nhớ nhung mãi dày vò. Anh kể, biết chị Phạm Thị
Cúc sắp về, dành dụm được ngày làm công anh đã mua sẵn thịt, dự định nấu
một bữa cơm ngon và chuẩn bị sẵn chiếc chiếu mới để đón vợ và con gái
vừa đi thăm bà nội ở Đăk Nông. Khi biết tin dữ, anh cũng chẳng có tiền
mà vào miền Trung, đành nhờ cô cháu gái và bà nội ngược từ Đăk Nông ra
hiện trường tìm kiếm xác vợ con. Bà Trương Thị Lùn, mẹ anh Ngọc năm nay
đã 73 tuổi, đi đứng đã lập cập, kể lại câu chuyện tìm con dâu và cháu
nội dưới dòng sông Lam trong nước mắt: "Khi thông báo tin dữ ai có người
nhà đi trên xe ô tô BKS 48K - 5868, nhà xe có tổ chức đưa thân nhân đi
Hà Tĩnh, tôi vội lên xe ngay nhưng bị ngăn lại vì tuổi già sức yếu, đành
để cháu gái đi thay. Ngồi nhà mà nóng ruột chẳng yên khi hay tin con
dâu và cháu nội nằm trong danh sách những nạn nhân tử nạn nên chẳng quản
ngại đường sá xa xôi, từ Đăk Nông tôi xuống Hà Tĩnh đón con cháu và đưa
về quê Nam Định".
Đưa tiễn mẹ và em lần cuối, bé Lê Thị Bích Hạnh mới 5 tuổi ngày nào chứa
chan nước mắt khi nhìn di ảnh mẹ trên bàn thờ mỗi bữa cơm. Nhà bé Hạnh
dù mới xây lại nhưng cũng chỉ là một gian cấp 4 mái lợp ngói xi măng,
trong nhà vừa đủ kê chiếc giường đôi, thêm chiếc bàn thờ mẹ và em lúc
nào cũng nghi ngút khói nhang nhà càng thêm chật nên càng không thể xua
được nỗi đau trong lòng con trẻ. Nhất là khi đến bữa, cả nhà cố quay mặt
đi giấu nước mắt khi thấy bé lại ngước mắt hỏi bố bao giờ mẹ về để phần
cơm cho em gái Lê Thị Phương Thảo mới 8 tháng tuổi…
* Trước đó, sáng 24-10, đoàn công tác của Quỹ Trái tim nhân ái Báo
Hànộimới đã về thôn Đồng Minh, xã Thanh Thủy (huyện Tĩnh Gia, Thanh
Hóa). Từ QL1A, hỏi thăm đường vào nhà anh Đỗ Thế Bình và chị Phùng Thị
Thắm - bố mẹ hai cháu gái đã tử nạn trong chuyến xe khách định mệnh tại
địa bàn tỉnh Hà Tĩnh - bà con rất tận tình chỉ dẫn. Đến hôm nay là tròn
một tuần kể từ ngày hai cháu Đỗ Thị Phượng 17 tuổi và Đỗ Thị Lan 15 tuổi
vĩnh viễn ra đi. Ngày chủ nhật, căn nhà nhỏ của anh Bình, chị Thắm đông
chật bà con trong làng ngoài xã đến thăm hỏi, chia buồn. Hoàn cảnh gia
đình nhà anh Bình rất khó khăn, 6 nhân khẩu chỉ vỏn vẹn có 3 sào đất
canh tác, trung bình mỗi năm thu hoạch được khoảng 1 tấn lúa và hoa màu.
Cháu Phượng phải nghỉ học từ năm lớp 6 để vào Gia Lai làm thuê, phụ
giúp việc trồng hồ tiêu. Năm ngoái, em ruột của Phượng là Đỗ Thị Lan học
hết lớp 8 cũng phải nghỉ học. Đầu năm 2010, cháu Lan vào Gia Lai rồi
cùng chị lên Bình Phước phụ giúp việc trồng điều vì thu nhập nhiều hơn.
Cho đến buổi sáng kinh hoàng ấy khi dòng nước lũ cướp đi sinh mạng của
20 con người thì Lan xa nhà mới tròn 25 ngày.
Tới giờ phút này, gia đình anh Bình đã đưa được cháu Phượng về nghĩa
trang quê nhà nhưng thi thể cháu Lan thì vẫn chưa tìm thấy. Nhận phần
quà 6 triệu đồng từ Quỹ Trái tim nhân ái để chia sẻ cùng gia đình trong
lúc khó khăn này, anh Bình nghẹn ngào không nói lên lời, trong khi chị
Thắm vẫn gào khóc khản giọng bên bàn thờ hai cháu.
Thay lời kết
Ngay khi biết Báo Hànộimới có chuyến công tác đặc biệt này, một doanh
nghiệp đã ngỏ ý thông qua những thông tin của Báo Hànộimới, đơn vị này
sẽ nhận nuôi ít nhất một cháu bé có hoàn cảnh khó khăn của gia đình các
nạn nhân cho đến khi cháu trưởng thành. Trước đó, thông qua Quỹ Trái tim
nhân ái Báo Hànộimới, doanh nghiệp này đã nhanh chóng ủng hộ 100 triệu
đồng cho miền Trung. Những thông tin này khiến chuyến công tác cuối cùng
vào tâm lũ của chúng tôi càng thêm nhiều ý nghĩa. Công sức nhỏ bé của
những người làm báo chúng tôi có mặt tại miền Trung hơn nửa tháng qua
như đã được đền đáp xứng đáng, dù mới chỉ góp một phần sẻ chia cùng đồng
bào.
Hoàng Anh - Dương Hiệp
Trích Hanoimoi