(HNM) - Năm năm qua, dưới sự lãnh đạo của Thành ủy, các lĩnh vực văn hóa,
giáo dục, khoa học, y tế, thể thao của thành phố đã đạt được nhiều
thành tựu quan trọng, vì mục tiêu cao nhất là xây dựng người Hà Nội văn
minh - thanh lịch - hiện đại, những con người có đủ đức - trí - thể - mỹ
xứng với mảnh đất ngàn năm văn hiến và đáp ứng được sự đòi hỏi của sự
nghiệp xây dựng Thủ đô thành một thành phố phát triển toàn diện và bền
vững. "Văn hóa - xã hội tiếp tục phát triển.
Sự nghiệp văn hóa - xã hội của thành phố có nhiều tiến bộ", Ban Chấp
hành Đảng bộ thành phố khóa XIV đã đánh giá như vậy tại dự thảo Báo cáo
Chính trị trình ĐH đại biểu lần thứ XV Đảng bộ thành phố Hà Nội.
Dưới sự lãnh đạo sâu sát của Thành ủy Hà Nội, trong những năm qua, chất
lượng giáo dục đã được nâng cao một cách rõ rệt. Trong ảnh: Một giờ thực
hành tin học tại Trường THCS Đống Đa. Ảnh: Bích Ngọc
Thấm sâu văn hóa
Trong những năm vừa qua, chương trình của Thành ủy về phát triển văn
hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, thiết thực kỷ niệm 1000
năm Thăng Long - Hà Nội được đẩy mạnh. Nhiều phong trào văn hóa đã được
triển khai kịp thời, thống nhất từ thành phố đến cơ sở, làm dấy lên
không khí thi đua rộng lớn, từ mỗi gia đình, trên các địa bàn dân cư,
trong các cơ quan, doanh nghiệp, trường học. "Toàn dân rèn luyện sức
khỏe theo gương Bác Hồ vĩ đại", "Xây dựng nếp sống văn hóa công nghiệp
trong công nhân, viên chức, lao động Thủ đô", "Nhà trường văn hóa - Nhà
giáo mẫu mực - Học sinh thanh lịch", "Trường học thân thiện, học sinh
tích cực", "Làng văn hóa - sức khỏe", "Phụ nữ Thủ đô tích cực học tập,
lao động, sáng tạo, xây dựng gia đình văn minh, hạnh phúc", "Phòng,
chống ma túy từ gia đình"... là những phong trào tiêu biểu đã góp phần
giáo dục, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm về xây dựng, gìn giữ,
phát triển những nét đẹp văn hóa của người Hà Nội, từng bước tạo chuyển
biến trong suy nghĩ, hành động của các tầng lớp nhân dân Thủ đô. Phong
trào "Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa" tiếp tục được triển khai có
hiệu quả. Việc xây dựng, thực hiện các quy định, quy chế, quy ước được
tích cực thực hiện, các mô hình Gia đình văn hóa, Làng văn hóa, Tổ dân
phố văn hóa, Khu dân cư tiên tiến xuất sắc, Đơn vị văn hóa được nhân
rộng... đã tạo dựng được môi trường văn hóa lành mạnh, kế thừa, phát
triển các giá trị, nét đẹp truyền thống trong gia đình, họ tộc, làng,
xã, cộng đồng và làm cho văn hóa thấm sâu vào từng gia đình, từng khu
dân cư, từng con người.
Đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân
Thủ đô được chăm lo đầy đủ. Hệ thống các thiết chế văn hóa được đầu tư,
hoàn thiện, quy mô, chất lượng, hiệu quả được nâng lên; hoạt động văn
hóa, nghệ thuật tiến bộ, nhiều tác phẩm có giá trị được công chúng ghi
nhận đã đáp ứng tốt hơn nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân. Bên cạnh
đó, nhiều hoạt động giao lưu văn hóa lớn được tổ chức thành công tại Hà
Nội trong những năm qua góp phần nâng cao uy tín, vị thế của Thủ đô,
từng bước nâng tầm văn hóa Hà Nội lên một vị thế mới, xứng đáng là Thủ
đô ngàn năm văn hiến.
Nâng cao trí tuệ
Sau khi mở rộng địa
giới hành chính, Hà Nội trở thành địa phương có mạng lưới và quy mô
giáo dục lớn nhất cả nước nhưng vẫn giữ vững vị trí dẫn đầu cả nước.
Nhiệm vụ nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài và đào tạo nhân lực được
tiến hành đồng thời và hiệu quả nhằm nâng tầm trí tuệ của người Thủ đô.
Công tác đổi mới giáo dục phổ thông có nhiều tiến bộ, chất lượng dạy và
học ở các ngành học, cấp học từng bước được nâng lên vững chắc. Tỷ lệ
trẻ ở tuổi mầm non được đến trường cao nhất toàn quốc, 70,83% học sinh
tiểu học đã được học cả ngày ở trường, được thí điểm học tiếng Anh, được
học tin học tự chọn. Tỷ lệ học sinh đạt học lực khá, giỏi, hạnh kiểm
khá, tốt luôn ở mức cao. Đáng nói hơn, Hà Nội luôn là một trong những
địa phương dẫn đầu trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế và
có tỷ lệ học sinh trúng tuyển vào đại học cao. Trong 5 năm qua, toàn
thành phố có 9.408 học sinh trung học cơ sở, 6.405 học sinh trung học
đạt giải cấp thành phố, 413 học sinh đạt giải quốc gia, 22 học sinh đạt
giải quốc tế. Hà Nội cũng là nơi duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập
trung học cơ sở và đi đầu trong công tác phổ cập bậc trung học.
Để có được chất lượng giáo dục cao thực chất, cùng với sự nỗ lực của
ngành giáo dục trong việc nâng cao trình độ đội ngũ giáo viên với 100%
giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn, trong đổi mới công tác quản lý, chỉ
đạo, đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá còn có sự quan tâm
đầu tư của thành phố. 45,5 tỷ đồng đã được dành cho công tác đào tạo,
bồi dưỡng đội ngũ với sự tham gia của 10 nghìn lượt cán bộ, giáo viên;
1.546 tỷ đồng được đầu tư để xóa phòng học tạm, phòng học cấp 4 xuống
cấp. Quan điểm đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển của thành
phố còn được thể hiện ở đề án xã hội hóa giáo dục từ năm 2009 đến 2015
với kinh phí trên 5.000 tỷ đồng, ở các công trình trọng điểm như hai
trường chuyên Hà Nội - Amsterdam và Nguyễn Huệ, Trường Trung cấp Kinh tế
- Kỹ thuật đa ngành Sóc Sơn, Trường Bồi dưỡng cán bộ giáo dục; nhiều
công trình trường học được sửa chữa, xây mới để nâng số trường đạt chuẩn
quốc gia lên 511 đơn vị, chiếm 25% tổng số trường của thành phố.
Sử dụng hệ thống máy móc hiện đại trong xét nghiệm tại Bệnh viện Đa khoa Bắc Thăng Long. Ảnh: Hữu Oai
Vững vàng thể chất
Vì sự phát triển toàn diện của nhân dân Thủ đô, công tác y tế, chăm sóc
sức khỏe và tổ chức các phong trào thể thao, rèn luyện thân thể, nâng
cao thể lực cũng được các cấp ủy Đảng, chính quyền và các ngành đặc biệt
quan tâm. Xác định đầu tư cho công tác y tế là đầu tư mang lại hiệu quả
cao cho phát triển con người, những năm qua, thành phố đã đầu tư cho y
tế từ ngân sách nhà nước ngày càng tăng, mức tăng hằng năm cao hơn mức
tăng chung; đồng thời dành 237 tỷ đồng để nâng cấp bệnh viện tuyến
huyện, tổng số tiền dành cho trung tâm y tế xã, phường trong 5 năm qua
tăng gấp 4 lần so với 5 năm trước đó. Nhờ vậy, cơ sở vật chất, trang
thiết bị y tế của các cơ sở khám, chữa bệnh, từ cấp cơ sở cho đến thành
phố đã được xây mới và nâng cấp để 86,3% trạm y tế xã, phường, thị trấn
đạt chuẩn quốc gia về y tế, nhiều bệnh viện đã triển khai được các dịch
vụ trình độ, chất lượng cao. Người dân Thủ đô đã được chăm sóc sức khỏe
tốt ngay ở tuyến trạm y tế nơi mình sinh sống và được thụ hưởng các dịch
vụ y tế cao tại các bệnh viện tuyến huyện và thành phố. Một vài con số
cho thấy sức khỏe của nhân dân đã được chăm lo và nâng cao ngay từ khi
còn nhỏ: tỷ lệ trẻ sinh thấp cân giảm chỉ còn 4,5%, tỷ lệ trẻ em dưới 5
tuổi suy dinh dưỡng giảm mỗi năm từ 1,2% đến 1,5%, đến nay còn 14,2%; tỷ
lệ trẻ dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ xấp xỉ 100%; tỷ lệ trẻ tử
vong dưới 1 tuổi thấp nhất toàn quốc với 13 phần nghìn; số lần khám bệnh
bình quân của người dân đạt gần 2 lần/người/năm.
Cùng với chăm
sóc y tế, các hoạt động thể thao quần chúng phát triển mạnh, tỷ lệ người
thường xuyên luyện tập thể dục thể thao ngày càng tăng với khoảng gần
30% dân số đã góp phần nâng tầm vóc và thể chất cho người dân.
Với những nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô, mục tiêu
xây dựng người Hà Nội có phẩm chất, đạo đức tốt, trách nhiệm, tâm huyết,
thanh lịch, văn minh, ứng xử có văn hóa, có tri thức, năng động và sáng
tạo, tiêu biểu cho phong cách con người mới, đáp ứng yêu cầu của sự
nghiệp xây dựng, phát triển Thủ đô trong tình hình mới đang trở thành
hiện thực.
Trích báo Hà Nội mới