Lũ quét về trong đêm đã cuốn phăng một số ngôi nhà và hàng ngàn khối đất
tại xã Hóa Sơn (H.Minh Hóa, Quảng Bình). Chưa kịp di dời thì đã xảy ra
cơn lũ mới, người dân đang sống trong nơm nớp lo sợ.
Con đường nhỏ ngoằn ngoèo nối từ đường Hồ Chí Minh dẫn vào địa phận
xã Hóa Sơn lầy lội, chúng tôi đành tấp xe máy vào bên đường rồi tiếp
tục hành trình bằng cách lội bộ. Đi được chừng 15 phút thì gặp một thanh
niên đẩy xe máy chở hàng cứu trợ. Khi chúng tôi hỏi khu vực dân cư bị
lũ quét sập nhà ở chỗ nào, anh nhanh nhảu trả lời: “Phía dưới thung lũng
này anh à, thôn Đặng Hóa, nhà em cũng bị sập”.
Người thanh niên đó tên Cao Văn Khiêm (29 tuổi). Ngôi nhà của anh chỉ
còn mấy cột gỗ; nền móng thì đã sập một nửa. Tôi bước vào trong, cảm
giác choáng ngợp ập đến khi nhìn xuống phía dưới sâu hun hút. Từng mảng
đất lở trơ móng nhà, dưới đó vẫn sót lại bộ kèo nhà bếp. Vợ anh Khiêm,
chị Đinh Thị Luyện như vẫn còn hoảng sợ kể: “Trưa ngày 5.10, nước lên
nhanh kinh khủng, trước đó em đã kịp gửi 2 đứa con nhỏ vào nhà ông bà
nội. Khi nước lên, em chỉ kịp vơ vội mấy thứ đồ lặt vặt chạy lên chỗ
cao. Toàn bộ vật dụng còn lại bị cuốn trôi theo nhà cửa hết”.
Dọc theo con đường ven sông đoạn nữa, nhà chị Đinh Thị Kim Thơ chỉ
còn một mảng nền xi măng, phía dưới cả vực sâu hoắm. Một người dân sống
gần đó kể lại: “Nước lũ lên hỗn, nghe tiếng kêu cứu của chị Thơ, mấy nhà
ở nơi cao tập trung đến tháo dỡ ngôi nhà ra rồi chuyển đi kịp thời. Nếu
để lại thì bị lũ nuốt chửng hết cả rồi”.
Chưa hết, Bí thư Đảng ủy xã Bàn Văn Sơn trên đường chở tôi vào làng
Tăng Hóa, cho biết: “Làng Đặng Hóa có 2 nhà bị cuốn sập; làng Tăng Hóa
có 1 nhà bị cuốn, nhưng có 13 hộ khác cần phải di dời khẩn cấp. Những
nhà này đang mấp mé trên miệng vực thẳm. Ở đây lũ đã cuốn phăng hàng
ngàn m2 vuông đất, làm gãy 7 cột điện và trạm biến áp”.
Quả thực, khoảnh đất làm bãi vui chơi và đường đi ở trung tâm làng
giờ là một cái hố khổng lồ, bên dưới chứa đầy cột điện và gốc cây cổ thụ
còn sót lại. Lòng sông bị đẩy ra xa đến 50m, bậc đất lở cao chừng 4m,
có chỗ lên đến 7m. Người dân phải đào bậc tam cấp để đi xuống sông lấy
nước và mở một lối xuyên qua vườn nhà những hộ sống dọc bờ sông để đi
lại.
Bà con sống trong khu vực này đang trong tâm trạng lo âu vì lệnh di
dời đã được ban ra, chỉ trong nay mai họ phải rời cái nơi đã gắn bó mấy
mươi năm qua. Bao nhiêu khó khăn đang chờ đợi trước mắt. Tâm sự với tôi,
anh Đinh Minh Đức buồn xo: “Chúng tôi gắn bó, bám trụ với mảnh đất này
đã lâu, giờ đi không đành nhưng biết làm sao được. Ở đây có thể chết lúc
nào không hay, lũ quét kinh khủng lắm, nhà tôi đã dời hàng rào đến lần
thứ 4, giờ thì hết chỗ dời rồi. Mấy hôm nay ai cũng bồn chồn ăn ngủ
không yên, muốn tháo nhà đi lắm nhưng chưa có tiền thuê người”.
Dân làng dẫn chúng tôi tiến vào trong theo hướng ngược nguồn dòng
sông, ở đó có một vùng sụt lở rộng lớn khác không kém. Tại đây, ông Cao
Xuân Kiểu người dân tộc Sách đã phải tháo hạ ngôi nhà của mình xuống vì
mép đất lở đã ăn tới chân cột nhà. Giờ ông và mấy đứa con đang sống nhờ
nhà người quen. Bên cạnh đó, chị Cao Thị Miên sống cùng đứa con nhỏ cũng
đang hết sức lo lắng. Chị chắt bóp dựng được cái nhà mới nửa năm, giờ
nước lũ đã làm mất vạt đất sau vách, chỉ chừng 20 cm nữa là đụng đến cột
nhà.
Hiện một số hộ có điều kiện như nhà chị Thơ đã dựng nhà mới tại khu
tái định cư Đặng Hóa. Hầu hết những hộ còn lại đang ở nhờ. Vì hoàn cảnh
hộ nào cũng khó khăn nên để có một khoản tiền thuê người dựng nhà lại là
điều không đơn giản. Theo lãnh đạo xã Hóa Sơn, một hộ di dời sẽ được hỗ
trợ 1 triệu đồng và bố trí đất. Tuy nhiên, địa hình núi đá bao quanh đã
khiến cho việc tìm chốn an cư mới không dễ chút nào.
Trương Quang Nam
Trích Thanhnien online