Đã có 40 người chết (Hà Tĩnh: 8, Quảng Bình: 28, Quảng Trị: 3, Thừa Thiên-Huế: 1), 17 người mất tích, 20 người bị thương
* Báo Thanh Niên cứu trợ đồng bào vùng lũ
Hà Tĩnh: Thiệt hại do mưa lũ hơn 350 tỉ đồng
Sáng 6.10, các huyện bị ngập nặng như Hương Khê, Vũ Quang, mực nước lũ đã xuống 0,5m. Tuy vậy, vẫn còn 35 xã bị cô lập.
Ông Bùi Lê Bắc, Chánh văn phòng Ban Chỉ huy PCLB Hà Tĩnh đã đề xuất
Ban Chỉ đạo PCLB và TKCN, các cấp bộ, ngành tiếp tục hỗ trợ khẩn cấp
trước mắt cho tỉnh Hà Tĩnh 60 tấn mì tôm, 8.000 thùng nước khoáng, 1.000
kg hóa chất xử lý nước sinh hoạt, sản xuất, cho người dân vùng lũ. Tính
đến thời điểm này, tỉnh Hà Tĩnh đã có thêm một người chết, đưa tổng số
người chết ở toàn tỉnh lên con số 8 người.
Ngoài việc tỉnh hỗ trợ cho mỗi gia đình nạn nhân 6 triệu đồng/người
chết, bị thương 1,5 triệu đồng/người thì Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt
Nam tỉnh cũng hỗ trợ thêm 2 triệu đồng/người chết và 1,5 triệu
đồng/người bị thương.
Theo thống kê ban đầu của tỉnh Hà Tĩnh, tổng thiệt hại trong đợt mưa
lũ này khoảng 353 tỉ đồng, 17.557 hộ dân bị ngập chìm trong nước, trong
đó 1.881 ngôi nhà bị sập hoàn toàn, 638 cầu, cống bị sạt lở và cuốn
trôi, 31 trạm y tế, 71 trường học bị hư hỏng nghiêm trọng... Lực lượng
cứu hộ của tỉnh, Bộ đội biên phòng tỉnh và Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh đã
điều động gần 20 chiếc ca-nô và gần 1 triệu thùng mì gói tiếp tế cho dân
vùng cô lập.
|
Ngày 6.10, Thủ tướng đã gửi Công điện khẩn yêu cầu
UBND các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Thừa Thiên-Huế ứng ngân sách địa
phương để mua mì tôm, nước uống đóng chai nhằm cứu trợ cho dân vùng ngập
lũ với mức cứu trợ: 50 tấn mì tôm và 50.000 lít nước cho Hà Tĩnh; 50
tấn mì tôm và 50.000 lít nước cho Quảng Bình; 10 tấn mì tôm cho Thừa
Thiên-Huế. Thủ tướng yêu cầu UBND các tỉnh trên tổ chức cứu trợ kịp
thời, đảm bảo không để người dân nào bị thiệt mạng do đói, khát.
Bảo Cầm
|
|
Quảng Bình: Trực thăng đến rốn lũ
Ban Chỉ huy PCLB và TKCN Quảng Bình cho biết, tính đến 15 giờ chiều
6.10 toàn tỉnh có 28 người chết, 17 người mất tích, 17 người bị thương;
103.000 ngôi nhà bị ngập, 56 nhà sập; trừ TP Đồng Hới, còn lại 6 huyện
hệ thống điện vẫn bị cúp.
Sáng qua 6.10, trong khi xuồng mang mì tôm cứu trợ của Lữ đoàn công
binh 414 - Quân khu 4 đến xã Quảng Tiên (H.Quảng Trạch) thì phát hiện
một thi thể nổi trên sông Gianh; đoàn đã vớt lên bàn giao cho địa phương
và xác nhận đó là anh Đoàn Xuân Toản, chết cách đó 3 ngày.
Chiều tối ngày 5 và 6.10, máy bay trực thăng do quân đội tăng cường
đã thực hiện 7 chuyến bay đưa hơn 7 tấn mì tôm, nước uống đến những vùng
rốn lũ, bị cô lập như Cao Quảng, Văn Hóa, Châu Hóa (Tuyên Hóa); các xã
cồn bãi và vùng nam huyện Quảng Trạch...
Sáng qua 6.10, những chuyến hàng chở mì tôm của lực lượng Quân khu 4
và Ban Chỉ huy huyện đội Quảng Trạch tiếp tục nhiệm vụ cứu đói người
dân. Xuồng ngược sông Gianh, hai bên là khung cảnh tan hoang. Rất khó để
tấp xuồng vào từng nhà, đoàn đã bật loa gọi mọi người tập trung lại
từng điểm.
Hôm qua, 2 triệu gói mì tôm cứu đói của Chính phủ cũng đã về đến
Quảng Bình. Nhiều đoàn công tác của lãnh đạo Quảng Bình đã tỏa đi các
huyện, thị để động viên, thăm hỏi bà con vùng lũ. Bí thư Tỉnh ủy Quảng
Bình Lương Ngọc Bính có mặt tại huyện Quảng Trạch đã chỉ đạo: "Hãy giúp
dân bằng mọi cách, kiên quyết không để dân đói". Thế nhưng thực tế rất
khó để làm được điều đó, bởi số nhà và người bị thiệt hại quá lớn và
thời điểm hiện tại vẫn còn hàng nghìn ngôi nhà chìm trong nước tại các
xã An Thủy, Lộc Thủy, Sơn Thủy... (H.Lệ Thủy); Quảng Minh, Quảng Hải...
(H.Quảng Trạch); Tân Hóa (H.Minh Hóa). Những vùng này đang ngập sâu và
vẫn bị chia cắt.
Quảng Trị: Thông đường Hồ Chí Minh
Từ đêm 5.10 đến rạng sáng 6.10 trên địa bàn tỉnh Quảng Trị lại xảy
ra mưa, tuy nhiên lượng mưa không đáng kể nên tất cả các sông trên địa
bàn tỉnh đều đã xuống dưới mức báo động 1. Người dân tại hai huyện vùng
trũng Hải Lăng, Triệu Phong đã bắt đầu trở về dọn dẹp nhà cửa. Trong khi
đó, với sự nỗ lực hết mình, ngành giao thông đã thông được đường Hồ Chí
Minh nhánh từ huyện Đakrông đi A Lưới (Thừa Thiên - Huế), một phần
đường Hồ Chí Minh từ huyện Hướng Hóa đi Quảng Bình... Công tác san ủi,
giải phóng toàn bộ mặt đường vẫn đang được khẩn trương thực hiện.
Hai thanh niên cứu hơn 100 người
Lũ về trong đêm, nước cuồn cuộn xoáy khiến người dân thôn
Hà Lời và Xuân Tiến ở xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch không kịp trở tay;
nghe tiếng kêu cứu, có hai thanh niên đã lao vào màn đêm, dũng cảm cứu
hơn 100 người thoát nạn.
Vị cứu tinh được nhiều người nhắc đến chính là anh Lê Văn
Điệp - Ủy viên Thường vụ Xã Đoàn Sơn Trạch, Bí thư Chi Đoàn thôn Hà
Lời. Bà con trong thôn kể lại, anh Điệp đã cứu được hơn 30 người dân
bằng con thuyền hằng ngày chở khách du lịch đi tham quan động Phong Nha.
Chúng tôi gặp anh khi anh đang cư ngụ trên chiếc thuyền
cùng vợ, hỏi ra mới hay vì mải cứu bà con mà ngôi nhà của anh không được
chèo chống nên lũ cuốn trôi mất. Vợ chồng anh đành gửi con cho bên nội
trông giúp. Hỏi chuyện anh chỉ cười: “Thấy nạn thì cứu thôi anh à, lúc
ấy nghĩ làm sao phải cứu được nhiều người”.
Anh Bí thư Chi bộ thôn Xuân Tiến là Hoàng Xuân Ninh cũng
“không chịu thua” Bí thư Chi đoàn thôn bạn khi cứu được hơn 70 người
trong thôn. Và ngôi nhà cùng 2 bè cá trên sông của anh cũng bị lũ cuốn
phăng.
Trao đổi với chúng tôi, Phó chủ tịch Hội LHTN tỉnh Quảng
Bình cho biết: “Đây là hành động rất đáng khen ngợi, Hội LHTN sẽ khen
thưởng xứng đáng để chia sẻ khó khăn và khích lệ tinh thần không quản
ngại nguy hiểm”.
T.Q.N - V.M
|
T.Hoa - Thế Thịnh - Q.Nam - N.Phúc
Trích Thanhnien online