BS. Nguyễn Khắc Viện
Nhà sáng lập Trung tâm N-T
Gọi là năm đầu nhưng cái mốc chuyển đoạn, kết thúc thời kỳ này là lúc biết đi biết nói: đi vững, nói được một số từ và bắt đầu ghép được ít nhất hai từ thành một "câu" ngắn. Thông thường trẻ em bắt đầu biết đi vào tháng 11 - 12, bập bẹ nói từ 9 - 10 tháng, nhưng phải đến 15 - 18 tháng mới đi vững và nói rõ.
Từ một trăm năm nay, người ta đã quan sát lâm sàng một cách có hệ thống sự phát triển sinh lý và tâm lý của lứa tuổi này; trong 20 năm qua, những phương tiện kỹ thuật mới như quay phim, ghi âm đã giúp theo dõi và phân tích các ứng xử của động vật - môn học này có thể dịch là Tập tính học, đã làm sáng tỏ một số điểm. Nổi lên là những công trình của những tác giả dùng tiếng Pháp như Piaget, Wallon, Zazzo, Lézine, và những tác giải Mỹ như Spitz, Bowlby, Ainsworth...Ngaòi ra ra Mélanie Klein thuộc trường phái Freud (Phân tâm học) cũng đề ra một trường phái riêng.
Sinh trưởng, tức phát triển sinh lý, đặc biệt phát triển của hệ thần kinh là tiền đề cho sự phát triển giác quan và vận động để tiếp nhận mọi kích thích từ trong cơ thể cũng như từ môi trường bên ngoài, và ứng phó với mọi kích thích ấy, tạo ra những ứng xử ngày càng phức tạp. Môi trường xung quanh gồm những đồ vật và những con người.
Bộ não lúc sinh ra cân khoảng 400gr đến 3 tuổi cân khoảng 1200gr, gần bằng người lớn từ 1300 - 1400gr; số lượng tế bào thần kinh lúc lọt lòng đã đầy đủ; nhưng các sợi dây thần kinh còn phải nhiễm chất myelin mới hoạt động được, sự myêlin hoá ấy tiến đến đâu thì giác quan và vận động phát triển đến đó. Sự thành thục thần kinh là tiền đề của mọi biến chuyển, không có không được.
Trẻ ba tháng tuổi chưa thể đưa tay ra nắm một đồ vật được, sáu tháng chưa thể nào biết đi, phải hết năm đầu mới thực sự biết nói, trong suốt quá trình khôn lớn, tức trưởng thành, từng thời kỳ xuất hiện những khả năng mới; do tác động của môi trường, trong đó có tác động của những người xung quanh làm xuất hiện những khả năng mới ở các em, giúp các em phát triển hay còi cọc, rối nhiễu.
Ngay từ đầu văn hoá đã đóng vai trò hết sức quan trọng, mọi thương tổn của thần kinh do bệnh tật hay tai nạn cũng như mọi sự bất thường trong môi trường đều làm rỗi nhiễu sự phát triển tâm lý ở trẻ cũng như người lớn, chúng ta thường thấy trong tiền sử bản thân những chấn thương như vậy.
Như vậy, chúng ta thấy rõ mấy phương pháp nghiên cứu tâm lý trẻ em:
- Quan sát lâm sàng có thể sử dụng những phương tiện kỹ thuật hiện đại.
- Đối chiếu với những kết quả nghiên cứu ứng xử các động vật (đặc biệt là khỉ)
- So sánh tâm sinh lý trẻ em và người lớn
- So sánh tâm bệnh lý trẻ em ở những xã hội với những đặc điểm văn hoá khác nhau.
Con gà mới từ trong trứng nhảy ra đã biết chạy tìm ăn, giá thử không có mẹ vẫn sống được; con mèo chỉ cần một hai tháng là sống tự lập. So với các động vật khác, em bé mới sinh là một sinh vật đẻ non, cái vốn bẩm sinh không được đầy đủ, như ở các động vật khác. Vốn bẩm sinh ấy gồm một số phản xạ, và theo đà phát triển dần dần triển khai ra một loạt ứng xử phức tạp hơn, thường gọi là bản năng (thế nào là bản năng, là một vấn đề đang được bàn cãi). Trên cơ sở vốn bẩm sinh ấy tiếp xúc và hoạt động trong môi trường chung quanh trong cuộc sống tạo ra một vốn sống ngày càng phong phú, cũng có thể gọi là vốn trải nghiệm.
Xuất phát là một tình trạng bất phân với nhiều cảm giác hỗn hợp, chưa phân biệt cảm giác từ bên trong nội tạng, tức là nội cảm, từ bên ngoài tức là ngoại cảm và những tư thế của thân mình, cảm giác từ những cơ và khớp, và đặc biệt từ tiền đình (tai), tức là tự cảm. Tất cả những cảm giác ấy lúc đầu hợp thành một tâm cảnh hỗn hợp, sau mới phân hoá dần ra thành những cảm giác riêng biệt, tai nghe, mắt thấy, da cảm rõ, mũi ngửi, lưỡi nếm. Lúc đầu cũng không phân biệt giữa đồ vật và bản thân, bú thì không phân biệt vú mẹ và môi miệng của mình, nắm chặt trong bàn tay một vật gì không phân biệt bàn tay và vật ấy; cũng không phân biệt giữa người khác, như mẹ và bản thân. Đây là thời kỳ hoà mình với đồ vật và người tiếp xúc với mình, kế theo thời cộng sinh ở trong bụng mẹ.
Có thể nói tới khoảng 15 - 18 tháng, thì mới tách biệt ra được, mới phân hoá để hình thành sự cảm nhận về bản thân với đối tượng, một bên là đối tượng đồ vật, một bên là đối tượng người khác, đặc biệt là người mẹ. Thời kỳ hoà mình này là lúc chưa biết nói, cho nên quan hệ với người khác, đặc biệt với mẹ là phi ngôn ngữ, em bé giao tiếp với mẹ thông qua sự tác động qua lại giữa thân thể của mình và của người mẹ. Trong lúc bú, lúc tắm rửa, bế bồng, là mẹ con da kề da, thịt kề thịt, bé đói bụng hay bị ướt, chỉ cần vặn mình là mẹ cũng đáp ứng bằng cách thay đổi tư thế nằm hay bế bồng, hoặc cho bú hoặc tắm rửa. Em bé thấy nét mặt của mẹ, ngửi hơi hám của mẹ, nếm vị sữa và đầu vú, tay níu lấy da của mẹ, nghe tiếng nói của mẹ; đứa con hoặc la khóc hoặc líu lo trò chuyện, hoặc căng cả thân mình lên hoặc nằm thoải mái trong lòng mẹ, nhìn lên mặt mẹ mỉm cười hay nhăn nhó, hai mẹ con thường xuyên đáp ứng với nhau thông qua cơ thể, thông qua cái "xác thịt". Nói theo Tiếng Việt, đó là quan hệ ruột thịt, đặc trưng chủ yếu của quan hệ mẹ con, đặc biệt trong năm đầu. Các nhà nghiên cứu phương Tây đưa ra khái niệm attachment, có thể dịch là gắn bó, và nhiều công trình dẫn đến kết luận là những rối nhiễu trong mối gắn bó này trong năm đầu gây ra hậu quả nghiêm trọng.
Như vậy, sau thời cộng sinh trong bụng mẹ, sau khi lọt lòng em bé sống năm đầu trong mối quan hệ ruột thịt với mẹ, hoà mình với các sự vật chung quanh mình, trong một tâm cảnh bất phân; đến 15 - 18 tháng tuổi khi vững bước đi, và nói được một số từ, thì kết thúc thời kỳ này, bắt đầu thời ky phân hoá, tách biệt bản thân với đồ vật và đặc biệt với mẹ; đứng trước bản thân là đối tượng, một bên là các đồ vật, một bên là người khác. Với sự biết đi biết nói, em bé cũng thoát khỏi tình trạng hoàn toàn bất lực, hoặc toàn phụ thuộc vào người lớn. Lúc này tuy chưa nhận thức được rõ, cũng đã cảm nhận được là có ba thực thể riêng biệt; bản thân, đồ vật và người khác. Cảm nhận về bản thân trước hết là cảm nhận những cảm giác xuất phát từ cơ thể, từ nội tạng, từ cơ khớp, từ các giác quan, từ tiền đình về tư thế của toàn thân hay của từng bộ phận, và tổng hoà của mọi cảm giác ấy là một cảm nhận chung làm nền cho mọi cảm giác và ý nghĩ. Tâm lý học gọi là sơ đồ thân thể, hoặc là ảnh tượng thân thể. Một bước quan trọng trong sự hình thành sơ đồ thân thể là đến 7 - 8 tháng, em bé bắt đầu nhìn thấy và chú ý hình ảnh của mình trong gương.
Phía đối tượng là đồ vật, thì đi từ cảm giác hỗn hợp đến cảm giác phân định rõ nét, từ cảm giác nhất thời đến tri giác tập hợp những thu hoạch qua sự trải nghiệm, rồi về sau đến tri thức, cảm nhận trở nên nhận thức, ảnh tượng trở thành ý niệm vè khái niệm. Trong năm đầu là bước đi từ cảm giác bất phân đến tri giác.
Với phía đối tượng là người khác, thì cảm xúc là chủ yếu; tiếp xúc, nhất là với mẹ tạo nên cảm giác dễ chịu thoải mái hay khó chịu căng thẳng, lúc đầu là một cảm xúc miên man, tràn lan, dần dần rõ nét hơn thành những mối cảm động phân định, vui, giận, bực bội, gây ra những phản ứng khác biệt; dần dần những mối cảm xúc cảm động ấy kết thành những mối tình cảm lâu dài, rồi về sau nữa kết hợp với những giá trị đạo đức do xã hội truyền lại thành mối tình nghĩa.
Ứng phó hay ứng xử là một thái độ, một hành động, một lời nói; ứng phó này tác động trở lại theo một mạch phản hồi, làm cho mối tiếp cảm cũng thay đổi; lặp đi; lặp lại nhiều lần để lại dấu ấn trong thần kinh, tạo nên vốn sống, làm cho sự thích ứng với môi trường ngày càng ở mức độ cao. Từ sự thích ứng bằng cách tự điều chỉnh sinh lý trong cơ thể, đến thích ứng sinh vật trong môi trường tự nhiên, đến thích ứng trong môi trường xã hội, là thích ứng tâm lý.
Yếu tố đầu tiên thúc đẩy tiến trình ấy là vận động. Lúc đầu là những xung động tràn lan, lôi cuốn hầu như toàn thân, dần dần thành những vận động phân định vào một bộ phận, rồi đến những hành động có ý đồ mục tiêu, và nhiều hành động phối hợp trong một thời gian dài thành những hoạt động (xung động - vận động - hành động - hoạt động). Nếu vận động là một tín hiệu cho người khác gọi là cử động.
Yếu tố thứ hai về sau thành yếu tố quan trọng nhất là ngôn ngữ đi song song với khả năng biểu tượng tư duy; song song với thế giới cảm giác vận động, xuất hiện thế giới biểu tượng, thế giới "bên trong". Một mặt những thành tựu trong hành động "nhập tâm" trở thành những biểu tượng, những ý niệm riêng biệt, đồng thời thông qua ngôn ngữ em bé tiếp nhận cả một kho tàng to lớn của xã hội truyền lại, làm cho tư duy và tình cảm trở nên vô cùng phong phú, khắc hẳn với tiến trình của những động vật khác. Trong năm đầu, em bé mới đi một bước, bước giác động, nhưng là một bước hết sức quan trọng trên con đường khôn lớn ấy.
Về phía người mẹ, việc sinh ra và chăm sóc nuôi dạy một đứa con trong năm đầu cũng đòi hỏi một sự thích ứng phức tạp. Đặc biệt trong năm đầu, đối với "con mọn", phải tạo cho được mối quan hệ ruột thịt thoải mái, đáp ứng nhu cầu con người. Do quá trình trưởng thành của bản thân và do những phong tục tập quán, giá trị tinh thần của xã hội, mỗi người mẹ có một kiểu hình phản ứng riêng lúc sinh ra một đứa con. Điều khiển phản ứng của xác thịt không phải chuyện dễ; ngôn ngữ thì dễ uốn nắn, nhưng ôm bế lấy con, mà cơ bắp căng lên hay mềm dịu, tim mạch đều nhịp hay rối lên, khó mà "dối" được. Lúc người mẹ (hay người nào chăm sóc các em), vì vướng mắc gì đó, không toàn tâm toàn ý được với em bé cảm thấy ngay. Có thể nói trẻ em hiểu tâm lý trước khi hiểu vật lý, chính vì toàn bộ cuộc sống của em bé tuỳ thuộc vào phản ứng của người lớn chăm sóc cho.
Một người mẹ hiền ít nhất phải có hai đức tính:
- Sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của con bất kỳ lúc nào, bất kỳ việc gì.
- Nhạy cảm, đáp ứng đúng và kịp thời những tín hiệu con phát ra.
Cũng có những người mẹ thờ ơ, thậm chí còn hất hủi, hay đối xử tàn nhẫn với con; nhiều khi một cách vô thức, cho nên mặc dù mẹ nghĩ rằng mình đã làm hết mình, con vẫn cảm nhận là mẹ bỏ rơi hay hất hủi, mình gặp phải một "mẹ ác". Biểu tượng mẹ hiền, "mẹ ác" được chuyện cổ tích thể hiện thông qua nhân vật bà tiên hay mụ phù thuỷ.
Trong năm đầu, thường thường, người bố chưa đóng vai trò quan trọng. Một kết luận hết sức quan trọng của tâm lý học ngày nay, là nhiều rối loạn tâm lý về sau, kể cả sau khi đã trưởng thành là do những nhiễu loạn trong mối quan hệ ruột thịt năm đầu. Và hậu quả của sự nhiễu loạn ấy trong quan hệ mẹ con, nếu ai biết nhận ra, thì đã thấy biểu hiện ngay trong thời kỳ ấy. Đứa con tuy còn bé bỏng, phản ứng bằng nhiều cách: biếng ăn, bỏ ăn (không chịu ăn với mẹ, chịu ăn với người khác), thiếu năng động, ít vận động, buồn bã, hoặc kêu khóc, vật vã, và có khi sinh ra những triệu chứng thực thể như môn oẹ, đau bụng, nổi chàm ngoài ra. Bố mẹ và thầy thuốc nếu chỉ biết quan tâm đến cách ăn uống hay vệ sinh cơ thể là đi lạc hướng. Những lúc ấy, cần tìm xem trong quan hệ giữa những người trong gia đình với em bé, và với nhau có gì gây ra những phản ứng của đứa con bé bỏng. Đây là cơ sở của y học tâm thể.
Trong thời kỳ này, từ ăn uống đến muốn sờ mó vật gì, em bé đều phải người lớn bế bồng, và mối quan hệ da kề da, thịt kề thịt ấy là một yếu tố thúc đẩy phát triển về mọi mặt. Vì vậy, tôi đề nghị gọi thời kỳ này là tuổi bế bồng (có người muốn gọi là tuổi bú, nhưng có nhiều em kết thúc bú rất sớm hoặc bú mãi đến 2 - 3 năm tuổi); còn chưa đi vững, thì nhất thiết phải bế bôpngf. Mà bất kỳ người lớn nào, bố, anh, chị, bà, ông, dì, chú, cô nhà trẻ chăm sóc em đều phải bế bồng, và qua bế bồng tạo mối quan hệ thân tình với em bé.
Vào những tháng cuối năm đầu, xuất hiện những hiện tượng mới. Em bé chủ động hơn không hoàn toàn lệ thuộc vào mẹ, và mẹ cũng không hoàn toàn như trước đáp ứng mọi yêu cầu của con. Trong sự hoà mình mẹ - con bắt đầu có sự xung đột. Đầu tiên thường là lúc con mọc răng, cắn vào vú mẹ, mẹ đau đẩy con ra, có khi đánh. Lần đầu tiên em bé đối lập với mẹ; rồi dần dần mẹ ép con đi đại tiện đúng chỗ, phải biết gọi mẹ, không thể tuỳ tiện như trước. Đây là kỷ luật đầu tiên. Và từ đây, động cơ thúc đẩy phát triển chính là sự mâu thuẫn mẹ - con, mẹ không đáp ứng ngay và tất cả yêu cầu của con buộc con dần cảm nhận ra những sự vật bên ngoài mình. Biết nói, biết đi lại càng tăng cường mối mâu thuẫn. Nhưng đây là vấn đề của những năm sau: dù sao trong năm đầu, sự hoà mình là yếu tố chủ yếu.
Tóm lại quá trình phát triển trong 15 - 18 tháng đầu tiên diễn biến như sau:
- Từ một tình trạng bất phân đến sự phân định và phân hoá theo hai chiều, một bên là con đường cảm giác tiến lên trí khôn giác động.
- Một bên là từ cảm xúc miên man đến những cảm dộng, tình cảm rõ nét.
- Từ một tâm cảnh hoà mình với mọi vật đến sự cảm nhận (chưa phải là nhận thức) phân biệt, một bên là bản thân, một bên là hai loại đối tượng, đồ vật và người khác.
- Tác động qua lại giữa em bé và người khác, đặc biệt người mẹ, giữa em bé và đồ vật thúc đẩy quá trình phát triển; nếu sự sinh trưởng tạo tiền đề cho sự phát triển ấy, thì tác động qua lại giữa mẹ - con là yếu tố quyết định. Có chỗ dựa vững chắc là mối quan hệ thoải mái với mẹ, đứa con dễ năng động trong việc thăm dò môi trường đồ vật, và thông qua sự phối hợp cảm giác - vận động, dần dần khôn lên.
Ngay từ đầu, sự phát triển của em bé đã diễn ra theo 3 chiều: sinh lý (S), quan hệ xã hội (X), và hình thành những cơ cấu về cơ chế tâm lý (T). Ba mặt tác động lẫn nhau: em bé mới lọt lòng đã là một con người, tức một thực thể phức hợp, đồng thời là một tổng thể; và từ lúc thụ thai, mang theo vốn di truyền, qua thời thai nghén, đến những sự cố lúc lọt lòng, mỗi em bé đã mang theo một tiền sử (lý lịch) riêng biệt. Tìm hiểu về một em bé cần thấy rõ mọi mặt, không thể đơn giản chỉ quan tâm đến một khía cạnh nào đó.
TỪ VỰNG DÙNG TRONG BÀI NÀY
1. Không dùng từ tâm thần, chỉ dùng tâm lý. Như không nói sức khoẻ tâm thần mà nói sức khoẻ tâm lý hay tâm trí. Vì tâm thần trong ngôn ngữ bình thường nay mang ý nghĩa bệnh hoạn. Không dùng tâm thần học mà dùng tâm bệnh lý.
2. Sinh trưởng là sự phát triển sinh lý cơ thể. Trưởng thành là phát triển toàn bộ con người. Thành thục thường áp dụng cho sinh trưởng.
3. Bẩm sinh là cái gì lúc sinh ra đã có. Vốn bẩm sinh đối với vốn sống là những gì do cuộc sống đem lại, trải nghiệm là đã trải qua có kinh nghiệm.
4. Cộng sinh là về sinh lý, hoàn cảnh còn trong bụng mẹ. Hoà mình bao hàm cả tâm lý, mẹ với con tuy 2 nhưng một.
5. Ruột thịt: quan hệ mẹ - con, hoặc giữa trẻ em và những người chăm sóc nó, có quan hệ da kề da, thịt áp thịt.
6. Bất phân, chưa phân hoá.
7. Nội cảm: cảm giác từ nội tạng. Ngoại cảm: cảm giác từ bên ngoài. Tự cảm: cảm giác từ các cơ khớp và tiền đình cho biết về.
8. Objet có mấy nghĩa: là đối tượng liên quan đến hoạt động của chủ thể, là vật thể đối với bản thân, là khách thể đối với chủ thể. Nói đối tượng thì biến chuyển theo hoạt động tình cảm, nói vật thể thì thuộc tính, vị trí đã xác định rõ, có tồn tại thường xuyên; nói khách thể là đã phân biệt giữa ý nghĩ chủ quan và thực thể bên ngoài có thuộc tính độc lập và biến chuyển theo quy luật riêng, không phụ thuộc vào hoạt động và tư duy của chủ thể.
Trong phân tâm học, đối tượng của em bé chính là người mẹ, mà quan hệ chủ yếu, là tình cảm chứ không phải cảm giác và vận động, đối tượng không mang những thuộc tính khách quan mà gắn liền với tình cảm của em bé. Tính từ thông thường của Objet là Objectif, dịch là khách quan; trong phân tâm học tính từ của objet là objectal, lúc nói relations objectals là nói quan hệ tình cảm luôn biến động. Chính mối quan hệ tình cảm, kể cả những khi được thoả mãn và những lúc hẫng hụt ấm ức là tiền đề cho em bé cảm nhận được bản thân và đối tượng là hai thực thể khác biệt, thoát khỏi tình trạng hoà mình ban đầu.
9. Từ tâm trạng thường mang sắc thái tình cảm, tâm trạng vui buồn...nay muốn nói về một bức tranh tâm lý gồm các yếu tố khác nhau ở một thời điểm nhất định, chúng tôi dùng từ tâm cảnh. Như tình huống bú mẹ tạo ra một tâm cảnh đặc biệt. Còn khi những cơ cấu và cơ thể tâm lý đã thành một tổng hoà khác biệt có những nét đặc trưng, thì dùng từ tâm địa. Như tâm địa nhà buôn, tâm địa người quen làm công an, hay lãnh đạo, hay nghiên cứu khoa học. Nói về trẻ em, thì nói tâm địa lứa tuổi lên 3 hay lên 6...tâm địa những em học giỏi, bụi đời.
10. Từ thân thể thường xuyên xuất phát những kích thích đến giác quan, từ bên trong và từ bên ngoài; những cảm giác ấy tổng hoà thành một cảm giác hỗn hợp, có thể là cảm giác bản thân.
11. Cho đến 3 tuổi, tiếng Hán gọi là hài nhi, Pháp gọi là thời kỳ đầu tuổi bé và gọi em bé là bêbê.
(Còn nữa)