NT Foundation - PHẢN ỨNG SINH LÝ VÀ TÂM LÝ CỦA TRẺ BẾ BỒNG
 
 
Lượt truy cập: 12510277
 
 
PHẢN ỨNG SINH LÝ VÀ TÂM LÝ CỦA TRẺ BẾ BỒNG
                                                    BS. Nguyễn Khắc Viện

 

Trong ngôn từ Âu châu, chữ infans có nghĩa là trẻ chưa biết nói, tức là vào lứa tuổi từ lọt lòng đến khoảng 15 tháng. Lứa tuổi ấy, ta nên gọi như thế nào? Tuổi chưa biết nói, cũng là tuổi chưa biết đi, tuổi bú, điều nào là quan trọng nhất, nói đúng hơn, tiêu biểu nhất có thể lấy để đặt tên cho lứa tuổi? Tuổi bú chăng? Nhưng có khi bú mẹ, khi ăn sữa nhân tạo, có khi vài ba tháng đã hết bú: tuổi chưa nói? Nhưng có em mãi đến 3-4 tuổi mới nói, hoặc câm luôn. Đánh giá sự phát triển sinh lý và tâm lý của trẻ trong những năm đầu, lấy tiến triển của vận động làm thước đo là chính xác hơn cả: một trong những mốc quan trọng nhất là biết đi, biết đi để tự mình vận chuyển khi thấy một vật gì, có thể lại gần để bắt nắm lấy - lúc này tay đã nắm được đồ vật, thoát được tình trạng hoàn toàn lệ thuộc vào người lớn. Trước đó, đứng ngồi chưa vững, người lớn phải thường xuyên bế ẵm: vì vậy chúng tôi đề nghị dùng hai từ "bế bồng", đây là tuổi bế bồng. Tuổi này tiếp theo thời cộng sinh trong bụng mẹ, nay tuy đã lọt lòng , nhưng còn phải dính với mẹ, và từ đó, về tâm lý cũng chưa tách khỏi mẹ, mẹ với con tuy hai mà một: việc mẹ bế bồng, con nằm trong vòng tay mẹ, đi đôi với tâm lý "hoà mình" giữa hai mẹ con, cái mà các nhà tâm lý ngày nay gọi là cặp mẹ-con (dyado) thể hiện rõ hơn lúc nào hết.

Những mốc phát triển vận động đã được nhiều sách vở trình bày rõ ràng: chúng tôi chỉ đưa ra biểu đồ sau đây để ghi nhớ:

Tháng tuổi

1

2

3

4

5

6

7

8

9

10

11

12

13

14

Đi một mình không đỡ

Đứng không cần tựa

Cầm ngón tay trỏ& ngón cái

Biết đi không phải vịn

Đứng phải tựa

Ngồi không phải đỡ

Biết lật

Dùng bàn tay để nắm

Ngẩng được đầu

Biết líu lo

Mỉm cười đầu tiên

Tháng tuổi

1

2

3

4

5

6

7

8

9

10

11

12

13

14

Về phát triển trí năng, Piaget xem lứa tuổi này là tuổi của trí khôn giác-động, tuổi kết hợp cảm giác và vận động, hai bên phối hợp với nhau để dần dần nhận ra các đồ vật. Theo Piaget, tiến triển ấy qua những bước sau:

1. Bước đầu tiên là những phản xạ bẩm sinh.

2. Những phản xạ lặp đi lặp lại thành quen

3. Phản ứng quay vòng: một vận động tạo ra một hậu quả, như lắc một cái gì nghe tiếng kêu, em bé muốn nghe lại tiếng ấy, lắc lại đồ vật kia.

4. Đang nhìn một vật gì, vật ấy biến mất, có ý tìm nhưng không có hướng.

5. Biết tìm một vật vừa biến mất ở ngay chỗ vừa mới thấy.

6. Tìm một đồ vật biến mất với định hướng như lật cái chăn lên mà tìm; và dù ngay trước đó không thấy, như không thấy một đồ chơi quen thuộc, biết tìm.

Tất cả là 6 giai đoạn; đến giai đoạn 6 thì em bé vượt qua con khỉ, như khi con khỉ biết dùng một cái gậy để khều quả chuối, nhưng nếu không thấy cái gậy trước mắt, không biết tìm. Lúc này em bé đã nhận ra có một đối tượng tập hợp nhiều cảm giác, một vật thể  có thể thấy được, sờ mó, ngửi, và kể cả lúc mình không thấy, nó vẫn tồn tại. Đã xuất hiện một biểu tượng ghi ký lại dấu tích  của một vật thể ấy. Thế giới biểu tượng bắt đầu xuất hiện; cùng một lúc cũng xuất hiện khả năng gọi những đồ vật với tên của chúng, một bên là giác động, một bên là ngôn ngữ ngày càng phong phú, càng tinh vi giúp cho nhận ra các đối tượng ngày càng rõ nét. Và nhận ra đối tượng đồng thời cũng nhận ra bản thân, Piaget và nhiều tác giả khác nhau cho rằng sự nhìn nhận này bắt đầu hình thành vào tháng thứ 9-10.

Đối với phân tâm học, thì đối tượng chủ yếu đối với trẻ không phải là đồ vật, mà người khác, trước hết là mẹ. Những mốc quan trọng về phát triển tâm lý xuất hiện trong quan hệ với mẹ (theo Spitz):

1. Mốc thứ nhất vào khoảng tháng thứ 2-3 là biết mỉm cười khi mẹ nhìn vào mặt và khi nhìn thấy mặt mẹ.

2. Mốc thứ hai vào 7-8 tháng lúc gặp người lạ tỏ ra lo sợ; trước đó, ai ẵm cũng được, nay thì từ chối không cho người lạ đụng đến.

3. Mốc thứ ba vào 18 tháng, khi biết lắc đầu, và biết nói lên: không, không chịu vâng lệnh mẹ.

Từ hoà mình với mẹ đi đến mâu thuẫn với mẹ, mâu thuẫn này xuất hiện từ khi mọc răng cắn vào bú mẹ, bị mẹ đẩy ra, cho đến khi mẹ buộc phải cho ăn tuỳ giờ, ỉa đái vào bô, cầm sờ vào những đồ vật nguy hiểm, dần dần em bé "vỡ" ra mình với mẹ không phải là một, mà là hai con người, đối lập với bản thân là "đối tượng", một con người khác.

Quan sát tỉ mỉ, theo dõi từng bước tuần này qua tuần khác trong suốt 15-18 tháng đầu, từ đó suy diễn ra những cơ cấu cơ chế tâm lý "bên trong" là phương pháp cổ điển biểu hiện qua những nhật ký được bố mẹ (thường là những nhà tâm lý chuyên nghiệp) ghi chép trong khi nuôi con.

Từ mấy năm nay, những phương tiện hiện đại, như ghi ký bằng các điện đồ các hiện tượng sinh lý và tâm lý, quay video, để có thể nhiều người cùng xem đi xem lại, phân tích từng chi tiết, dùng vi tính để tính toán nhanh và chính xác đã làm cho việc nghiên cứu tâm lý tuổi bế bồng sôi động hẳn lên. Không những người ta bổ sung, nhiều khi phủ định những điều đã phát hiện trước đó, còn phê phán về phương pháp nghiên cứu chưa thật chính xác. Em bé tuổi này chưa biết nói lên những cảm nhận của mình, chưa thực hiện được những chỉ thị của người làm thực nghiệm, khi vui, khi khóc, khi thức khi ngủ bất thường, không thể quan sát và làm thực nghiệm như với người lớn hay trẻ lớn hơn. Như muốn biết được em bé có phân biệt được em bé có phân biệt được mầu sắc hay hình thù một vật, phải tạo ra một phản xạ có điều kiện đã, hoặc ghi ký một phản ứng sinh lý như nhịp tim. Ví như từ trước đến nay, người ta cho rằng đến 5-6 tháng trẻ mới biết phối hợp mắt thấy với tay nắm; Bower quay video khẳng định khả năng này xuất hiện từ cuối tháng đầu gây ra một cuộc tranh luận sôi nổi, đòi phải làm sao phân biệt giữa một vận động tự phát đưa tay ra với một vận động hữu ý; sau đó phát hiện ra Bower nói đúng, nhưng lại thấy khả năng trên lại biến mất vào tháng thứ 3, rồi đến tháng thứ 5 mới xuất hiện lại, đúng như trước kia đã nhận định. Một chi tiết như vậy đã đòi hỏi biết bao nhiêu quan sát thí nghiệm, rà đi rà lại qua những thời kỳ khác nhau, với những phương tiện và phương pháp ngày càng tinh xảo thêm. Rõ ràng "nghề chơi cũng lắm công phu".

Một khái niệm mới được đưa ra trong mấy năm nay là "gắn bó" (attachment), về mối quan hệ "ruột thịt", nhu cầu của trẻ em được mẹ bế bồng, da kề da, thịt áp thịt, mẹ con hú hí với nhau. Trước đây người ta cho đây là xuất phát từ nhu cầu bú, nhu cầu sinh lý ăn là bản năng gốc, nhu cầu được bế bồng  là thứ phát. Một thí nghiệm của Harlow gợi ý, được bế bồng ôm ấp cũng là bản năng gốc, không phải thứ phát. Harlow tách một số khi mới sinh ra khỏi mẹ, thay vào là hai mẹ giả, một bên làm bằng dây thép cứng, một bên bằng vải nhung hay lông xù; bình sữa nuôi khi con được buộc vào mẹ giả bằng dây thép. Mấy khi con ôm bình sữa bú xong, liền chạy qua mẹ giả bằng vải nhung để ôm ấp suốt buổi. Nhu cầu ôm ấp lấy mẹ không gắn liền với miếng ăn, một bên là nhu cầu sinh lý, một bên là tâm lý, hai bên đều là một bản năng gốc.

Về lâm sàng, Spitz và sau đó, nhiều bác sĩ nhi khoa nhận thấy nhiều em bé được chăm nuôi đầy đủ về mặt vệ sinh - đủ sữa, vitamin, sạch sẽ, trong những viện mồ côi hay nhà trẻ nội trú giữ con cho những người mẹ vắng mặt nhiều tháng, phát triển rất chậm cả về mặt sinh lý và tâm lý, và tỷ lệ tử vong ở số em này rất cao. Ở các viện và nhà trẻ, các cô chỉ bảo đảm vệ sinh tốt, nhưng suốt ngày trẻ không được như trong gia đình, mẹ và người này khác bế bồng, hú hí, ôm ấp. Đây là bệnh "vắng mẹ", tình mẹ con cũng thiết yếu như chất đạm hay vitamin vậy.

Các nhà tâm lý không bằng lòng với một khái niệm "gắn bó" chung chung mà tìm cách xác định cụ thể những mẫu hình ứng xử nhất định để có thể theo dõi, so sánh, có khi đo lường và làm chuẩn cho ai muốn nghiên cứu kiểm tra hay bổ sung. Những ứng xử của các em được phân loại, ghi ký, so sánh về thời gian và tần số gồm:

- Hoạt động thăm dò chung quanh, đưa mắt nhìn, dùng tay, bò hay đi tìm.

- Định hướng mắt nhìn.

- La khóc.

- Phản ứng khi mẹ rời, đi ra khỏi phòng.

- Phản ứng khi được mẹ hay người khác bế.

- Ứng xử khi cho nằm xuống chiếu.

Qua nhiều nghiên cứu cụ thể  có thể phân loại phong cách của từng em, và đã phê phán khái niệm lo hãi tháng 7-8 của Spitz, thấy không phải là một mốc đúng vào thời gian ấy và cũng có khi không xuất hiện. Nói chung về quan hệ mẹ-con, một số tác giả đề xuất một bậc thang đánh giá gồm nhiều tiết (iterm); như thang HOME của Bradley và Caldwell chia làm 6 mục, mỗi mục gồm một số tiết. Các mục như sau:

a. Cách phản ứng về cảm xúc và ngôn ngữ của mẹ, với 11 iterm.

b. Mức độ người mẹ có thể dung thứ - 8 iterm, như trong lúc tiếp xúc có người quan sát khiển trách con mấy lần.

c. Tổ chức môi trường xung quanh - 6 iterm như bao nhiêu người thân, nhà cửa, chỗ chơi...

d. Về các đồ chơi - iterm.

e. Mẹ can thiệp đến mức độ vào hoạt động của con - 6 iterm.

f. Biến động của môi trường xung quanh 5 iterm.

Rõ ràng nghiên cứu tâm lý là một việc không đơn giản, như đã bước vào thời kỳ sôi động. Mọi người đều công nhận tính quan trọng của tuổi này với cả cuộc đời về sau, nhưng từ đó mà xác định rõ ảnh hưởng như thế, qua cơ chế nào, qua những bước trung gian nào của từng hiện tượng là không dễ. Vấn đề đang được đặt ra bức bách là phương pháp, phương tiện nghiên cứu và có sự phê phán chặt chẽ về từng bước đi, từng kết luận: không lạ gì, đọc qua những công trình gần đây khó mà thấy một sự nhất trí và đang nổ ra những cuộc tranh luận nhiều khi gay gắt; không có con đường nào khác để khoa học tiến lên.

1) Những lứa tuổi, đề nghị phân kỳ và gọi lại tên như sau:

I - Bế bồng 0-15 tháng.

II - Tuổi bé em 15-36 tháng. I và II đều là tuổi bé, còn bé bỏng, tuổi nhà trẻ.

III - Từ 3 đến 6 tuổi, vẫn còn là bé em, gọi là bé thơ. Mẫu giáo. Tuổi nhà trẻ và mẫu giáo hợp lại là tuổi mầm non.

IV - Từ 6-7 đến 14 tuổi học sinh, có thể chia thành hai: IV từ 6 đến 9-10 là tuổi thiếu nhi, tương đương cấp I.

V - Từ 10 - 14, tuổi thiếu niên, tương đương cấp II.

VI - Sau 15 tuổi là tuổi thành hôn, bắt đầu với dậy thì, còn kết thúc vào tuổi nào rất khó xác định - từ 20 đến 30.

Trên đây là một số đề nghị, mong được đưa ra thảo luận dần dần thống nhất ngôn từ cho dễ trao đổi và nghiên cứu./.

 
E-mail  Gửi email cho bạn bè
In trang này In trang này
  Lên đầu trang
Các bài khác...
  • 10 ĐIỀU NÊN NÓI VỚI CON
  • Bố mẹ hay bạn
  • Cần có chiến lược phòng ngừa rối nhiễu tâm lý trẻ em
  • Xem con như là một chủ thể
  • Xem con như là thượng khách
  • Trẻ em hư
  • Trẻ em ngày nay
  • Tính
  • Cảm thông và chia sẻ với tuổi mới lớn
  • Giải mặc cảm tội lỗi cho trẻ - một hướng phòng ngừa tự sát
  • Năm thông điệp gửi người cha trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa
  • Làm thế nào để giúp con có được hình ảnh đẹp về người cha?
  • Chăm - Chữa - Dạy tại phòng khám Tâm lý - Y học - Giáo dục trong một bệnh viện đa năng
  • Sẻ chia với trẻ tự kỷ
  • Trẻ có những dấu hiệu: Chậm nói, ngơ ngác... Đừng vội cho là trẻ tự kỷ
  • Rối nhiễu tâm lý sau hai năm vắng mẹ
  • Hội chứng tự tỏa qua 10 câu hỏi
  • Chữa máy - chữa người
  • Nỗi khổ của con em
  • Tâm lý lâm sàng trẻ em Việt Nam
  • CHỨNG ÁM ẢNH...SỢ
  • Khi nào nên lo lắng về việc trẻ chậm nói
  • 12 trò chơi rèn kỹ năng cho bé dưới 1 tuổi
  • Mạnh hơn cả lời nói
  • Đo nhu cầu thành đạt bằng phương pháp TAT
  • Test nhanh chuẩn phát triển trẻ 5 tuổi
  • RỐI LOẠN TĂNG ĐỘNG GIẢM CHÚ Ý
  • Tâm lý “con một”
  • NỖI KHỔ CỦA CON EM TRONG GIA ĐÌNH
  • NGUY HẠI HƠN VI TRÙNG
  • SỰ PHÁT TRIỂN TÂM LÝ TỪ 0 ĐẾN 3 TUỔI (kỳ 1)
  • TÂM LÝ HỌC MỘT XA XỈ PHẨM CẦN THIẾT
  • NHỮNG NHU CẦU CƠ BẢN VÀ NHU CẦU TÂM LÝ CỦA CON NGƯỜI.
  • NGHIÊN CỨU TÂM LÝ GIA ĐÌNH
  • CÁC BIỂU HIỆN NHIỄU TÂM Ở TRẺ EM
  • LOẠN TÂM Ở TRẺ EM
  • TÂM LÝ THANH NIÊN
  • FREUD VÀ THUYẾT PHÂN TÂM
  • TIẾP NHẬN PHÂN TÂM HỌC
  • TÌM HIỂU TRẺ EM QUA HÌNH VẼ
  • TÌM HIỂU TRẺ EM QUA HÌNH VẼ
  • LÂM SÀNG TÂM LÝ
  • NHỮNG THỜI KÌ PHÁT TRIỂN CỦA TRÍ KHÔN
  • PHÁT TRIỂN TÂM LÝ TRONG NĂM ĐẦU
  • TIẾP NHẬN PHÂN TÂM HỌC VÀ PHÊ PHÁN
  • KHÁI NIỆM “GẮN BÓ”
  • PHÁT TRIỂN CẢM GIÁC VẬN ĐỘNG
  • CAN THIỆP SỚM - MỘT KHỞI ĐẦU SỚM CHO THÀNH CÔNG CỦA HOÀ NHẬP
  • Phân tâm học và phật giáo
  • Tiếp nhận phân tâm học và phê phán
  • Tiếp cận "Lâm sàng của chủ thể" trong trị liệu tâm lý
  •  
    Giới thiệu về trung tâm
    B/S Nguyễn Khắc Viện, Nhà sáng lập Trung tâm N-T
    Bà Nguyễn Thị Nhất, Nhà đồng sáng lập Trung tâm NT
     
    Bạn đọc viết
    Trò chuyện không định h...
    em muon hoi chi tiet hon ve cach the hien cac loai cau hoi t...
    29/11/08 10:24 More...
    By duong hanh

    Des troubles psychologiques, des méthodes de consultation et de traitement ...