Giải Nhất giải Báo chí quốc gia năm nay, giải dành cho tác phẩm thể loại báo hình về bạo hành trẻ em. Vui thì vui mà buồn thì cũng thật buồn.
Lâu nay trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng đã có quá nhiều những thông tin về tình trạng trẻ em bị bạo hành ngay trong gia đình, bạo hành khi gửi ở nhà trẻ gia đình, bị tai nạn ở các trường tư thục....(mà phóng sự trên như một giọt nước làm tràn ly). Có nhiều nguyên nhân được nêu ra: các trường công lập quá tải, không nhân bé đướ 2 tuổi; ngay cả trường tư thục cũng ít khi nhận trẻ dưới 1 tuổi. Những đứa trẻ 2 tuổi trở lên được đi học đã là một hạnh phúc với các gia đình rồi, còn những đứa trẻ từ 4 tháng tuổi đến 2 tuổi gửi ở đâu? Không phải gia đình nào cũng có người giúp việc hay ông bà để có thể trông hộ. Đương nhiên là gửi ở các nhà trẻ gia đình và các trường tư thục. Chất lượng ư? Có người nhận trông con cho đã là may mắn. Xem xong phóng sự, sự căm phẫn dành cho những kẻ bạo hành trẻ em chắc chắn là nhiều, nhưng tôi dám chắc cũng sẽ có nhiều người băn khoăn, bất bình: những người bố, người mẹ gửi con vào đó có biết chuyện ấy không? Làm sao mà họ có thể chịu đựng được việc con mình bị hành hạ đến như thế nhỉ? Nhưng có lẽ những ai đã từng làm mẹ, đã từng đôn đáo tìm chỗ gửi con khi ngầy đi làm cận kề thì mới thấu hiểu cảnh này và cảm thông với những người bố, người mẹ ấy.
Tất cả các bà mẹ chỉ được nghỉ thai sản 4 tháng, thậm chí có nơi 3 tháng các bà mẹ đã được gọi đi làm trở lại, nếu không sẽ bị mất việc. Nếu những gia đình không có ông bà trông nom, không có người giúp việc, cháu bé ở với ai nếu không là các nhà trông trẻ tư nhân (mà phần đông là các bà đã nghỉ hưu trên 60 tuổi, chúng tôi vẫn quen gọi là "cô giáo cụ")? Các bà mẹ làm việc xa nhà có thể là mười mấy cây số làm sao có thể về nhà cho con bú? Ngày xưa có các nhà trẻ cơ quan, quy định nghỉ giữa giờ để có thể cho con bú là hợp lý. Còn bây giờ, nhà trẻ công đưới 2 tuổi còn không nhận, huống hồ là 4 tháng tuổi.
Nhà trẻ cơ quan từ lâu không còn tồn tại nữa, và mặc nhiên, việc chăm sóc trẻ em lâu nay xem như khoán trắng cho các gia đình mà không có sự điều tiết nào của Nhà nước. Chúng ta kêu gọi cho trẻ bú mẹ, nên như thế, nhưng bằng cách nào trong hoàn cảnh hiện nay thì không thấy đề cập đến.
Từ ngày sinh con, tôi nhận được quá nhiều những lời mời tham dự hội thảo về cách chăm sóc trẻ từ Hội Nhi khoa Việt Nam đến các hãng sữa trong và ngoài nước....Nhưng dường như chưa bao giờ có một cuộc Hội thảo hay chương trình tư vấn nào dành cho những người đang trông trẻ ở những nhà trẻ tư nhân.
Chúng ta đang có nhiều chương trình, dự án bảo vệ nhiều lợi ích cho bà mẹ, trẻ em, cho phong trào bình đẳng giới, cho sự phát triển của phụ nữ...Nhưng những vấn đề thiết thân nhất của bà mẹ và trẻ em lại bắt đầu từ những vấn đề như thế này đây. Mong sao những phóng sự không chỉ làm người ta căm phẫn và xót xa, mà vấn đề đặt ra là, để không còn những "nhà trẻ bạo hành" như vậy, chúng ta sẽ làm gì và phải làm gì đây?
Phương Lan
(nguyenlan7@gmail.com)
Thêm yêu thích (350) |
Trích dẫn nội dung trên site của bạn | Xem: 4965