Câu hỏi "Tại sao?" chính là cầu nối đưa trẻ đến kho tàng kiến thức bao la, là dấu hiệu của một đứa trẻ sớm có óc quan sát tìm tòi. Vậy, làm sao để trẻ luôn chủ động trong việc học hỏi và đặt ra những câu hỏi như "Tại sao con cua lại bò ngang mà không bò dọc?"; "Tại sao mắt không mở sang hai bên như cửa sổ?"
Trẻ học qua câu hỏi "Tại sao?"
Câu hỏi "Tại sao?" phản ánh sự quan sát, khả năng tư duy và mong muốn tìm hiểu của bé với thế giới bên ngoài. Từ 1-2 tuổi, bé chỉ biết hỏi những câu đơn giản như "Cái gì đây?", "Con gì?", "Nó đâu rồi?", "Màu gì?"... Từ 3 tuổi trở lên, bé luôn miệng đặt câu hỏi "Tại sao?". Điều này cho thấy bé muốn tìm hiểu bản chất, nguyên nhân sâu xa của vấn đề, không dễ dàng chấp nhận những điều người lớn xem là hiển nhiên. Ví dụ khi bé hỏi: "Tại sao mắt không mở sang hai bên như cửa sổ?", tức là bé đang so sánh sự khác biệt giữa hai sự vật, và thắc mắc muốn tìm hiểu lý do. Những câu hỏi của trẻ thể hiện tính chủ động trong việc tìm hiểu những sự vật xung quanh. Việc "dám hỏi", "dám so sánh" của trẻ còn thể hiện chính kiến của trẻ trước khi chấp nhận một vấn đề...
Theo một nghiên cứu tâm lý học ở Mỹ, trí lực con người đạt cao nhất lúc 17 tuổi. Nếu coi mức đó là 100% thì trẻ lúc 4 tuổi có thể phát triển được 50%, 5-8 tuổi thêm 30%. Như vậy, sự phát triển trí lực của 4 năm đầu bằng cả 13 năm sau. Điều đó chứng tỏ giai đoạn từ 1-6 tuổi bé học hỏi rất nhiều, hình thành thói quen tư duy, suy nghĩ và tìm tòi một cách chủ động. Chính vì vậy, cha mẹ cần chú ý đến những dấu hiệu này để khuyến khích con học hỏi và phát triển hơn nữa. Về giáo dục, cần khuyến khích trẻ đặt câu hỏi, cùng trẻ tìm ra cách trả lời và học hỏi thông qua những đáp án đó.Về dinh dưỡng, cần chú ý rằng đây là giai đoạn phải bồi dưỡng tối đa cho bộ não trẻ, đừng để não trẻ bị thiếu năng lượng, dẫn đến hạn chế khả năng học hỏi của trẻ.
(Theo PGS - TS. Nguyễn Công Khanh - Đại học Sư phạm Hà Nội - Chuyên gia tâm lý trẻ em trường Mầm non Hoàng Gia)
"Năng lượng cho não" - chìa khóa giúp trẻ chủ động với những câu hỏi "Tại sao?"
Vai trò của dinh dưỡng đối với sự phát triển trí não đã được các nhà khoa học chứng minh. Con bạn thông minh và nhanh nhẹn bẩm sinh, điều đó không có nghĩa là bé sẽ luôn "học nhanh nhớ lâu" để đi trước hay bắt kịp bè bạn bất kỳ lúc nào. Hãy hình dung một chiếc điện thoại chất lượng tốt, nhiều chức năng nhất nhưng sạc pin không đủ, nguồn năng lượng chập chờn, ngắt quãng, khiến bộ nạp năng lượng bị chai, ắt hẳn bạn cũng khó lòng sử dụng hay vận hành những chức năng khác. Tương tự, hãy tưởng tượng sẽ ra sao nếu bộ não của con bạn hoạt động bằng một nguồn năng lượng lúc thấp, lúc cao không ổn định? Và dĩ nhiên bạn không muốn trẻ gặp khó khăn trong quá trình tiếp thu và học hỏi chỉ vì não của trẻ không được cung cấp đầy đủ năng lượng. Theo các nghiên cứu khoa học được công bố gần đây nhất, những loại thực phẩm có chứa Palatinose là loại thực phẩm có khả năng duy trì và cung cấp nguồn năng lượng lâu dài và ổn định cho bé, Palatinose có thể được tìm thấy trong số ít loại sữa công thức đặc biệt dành cho trẻ em.
Bên cạnh việc lựa chọn nguồn năng lượng có tính ổn định và lâu dài cho não của bé, cha mẹ nên chú ý đến phương pháp giáo dục, khuyến khích con đặt những câu hỏi "Tại sao?" và cùng bé khám phá thế giới xung quanh, giúp bé phát huy tối đa khả năng quan sát, khám phá và tư duy để trẻ không ngừng học hỏi và sáng tạo.
PGS-TS Đỗ Thị Kim Liên
- Hội Dinh dưỡng Việt Nam
Nguồn Báo Thanh Niên