Biểu hiện thứ nhất: Những trí thức có khả năng, có năng lực, được đào tạo bài bản, đang công tác tại các cơ quan đầu não nhà nước chuyển ra làm việc cho các công ty ngoài quốc doanh, công ty 100% vốn nước ngoài. Tình hình này xảy ra phổ biến trong những năm 1990.
Biểu hiện thứ hai: Hiện tượng một số cán bộ đang công tác tại các vụ, viện, trung tâm nghiên cứu, các cơ quan nhà nước nhưng lại làm bán thời gian cho các tổ chức, các công ty nước ngoài cũng có thể được coi là chảy máu chất xám. Tuy nhiên, hiện tượng này cũng đã được khắc phục phần nào sau khi Pháp lệnh về Cán bộ công chức được ban hành.
Biểu hiện thứ ba: Chảy máu chất xám diễn ra ở các đối tượng sinh viên cao đẳng đại học và học sinh trung học chuyên nghiệp. Nhiều sinh viên tốt nghiệp loại ưu không chấp nhận ở lại trường, hoặc về công tác tại các vụ, viện, trung tâm nghiên cứu. Nhiều học sinh trung học chuyên nghiệp có tay nghề cao sau khi ra trường cũng có hiện tượng tương tự.
Biểu hiện thứ tư: Một số trí thức công tác tại các cơ quan khoa học đầu não được cử đi học tập hoặc công tác ở nước ngoài, nhưng sau đó lại ở lại nước đó làm việc theo đúng chuyên môn đã được đào tạo.
Biểu hiện thứ năm: Vấn đề suy giảm chất xám hay mất dần chất xám cũng được coi là chảy máu chất xám. Nhiều nhà khoa học có tên tuổi ở Việt Nam quan tâm đến vấn đề này như: Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu, GS.TS Nguyễn Duy Quý, GS.TS Hồ Uy Liêm... Hiện trạng suy giảm chất xám được thể hiện ở chỗ: một số người được đào tạo bài bản ở nước ngoài nhưng lại bỏ nghề và làm việc không theo đúng chuyên môn.
Mặt khác suy giảm chất xám trong nước cũng xảy ra khá phổ biến. Nhiều sinh viên sau khi tốt nghiệp chỉ muốn công tác tại các đô thị lớn, vì vậy buộc họ phải làm các công việc khác không đúng chuyên môn.
Theo Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu còn một tình trạng suy giảm chất xám cũng đáng báo động mà ít được nhắc tới đó là khá nhiều trí thức hiện đang có biên chế trong các cơ quan khoa học công nghệ Nhà nước, thậm chí cả những người có chức vụ, học hàm, học vị cao đã từ lâu không có điều kiện hoặc không tự rèn luyện về chuyên môn nghiệp vụ, không tự nâng cao trình độ do đó kiến thức ngày một lạc hậu. Theo ông, tuy chất xám không chảy đi đâu cả, bề ngoài thì vẫn giữ nguyên, nhưng thực chất đã bị suy thoái. Sự suy giảm này cần phải được chữa trị ngay.
|