Người mộng du có thể làm tổn thương đến chính mình hoặc gây ra những tai họa nghiêm trọng cho người khác, nhưng không thể buộc họ phải chịu trách nhiệm về những hành động như vậy.
Đi bộ trong giấc ngủ hay mộng du là một hiện tượng được biết đến từ lâu. Hàng triệu người - khoảng 2,5% dân số thế giới - vẫn thường bật dậy và lang thang không chủ ý thường xuyên như vậy. Khoảng 25% những người mộng du có thể làm hại đến chính mình. Một vài người có thể bước ra ngoài cửa sổ khi cứ ngỡ đó là cửa chính. Có câu chuyện kể rằng người mộng du có thể leo lên xe hơi, khởi động máy và lái đi nhiều kilomét. Song theo các bác sĩ những giai thoại kiểu đó là không đúng sự thật vì người mộng du phản xạ thiếu tự nhiên. Một người đang ngủ quả thực có thể khởi động xe, nhưng chuyến đi đêm tự phát đó sẽ kết thúc nhanh chóng bằng một tai nạn.
Mộng du thường thấy ở trẻ nhỏ, mặc dù bệnh cũng giảm dần theo tuổi tác. Như một quy luật, những đứa trẻ khoẻ mạnh về tâm lý có thể rơi vào trạng thái này trong những giai đoạn bất ổn nào đó. Còn ở người lớn, mộng du thường đi kèm với trạng thái căng thẳng, lo lắng và đôi khi là động kinh.
Các nhà khoa học đi đến kết luận rằng sự phát triển của bệnh mộng du có liên quan đến những thay đổi ở một vài gene nhất định. Hoạt động của gene đột biết có thể làm tê liệt hệ thống thần kinh, khiến cho người ta không thức giấc. Mặc dầu vậy, cơ chế khiến cho người ta bước đi trong giấc ngủ vẫn còn là bí ẩn. Một chuỗi thí nghiệm được thực hiện trên người mộng du đã cho thấy bệnh có thể được xếp vào một dạng rối loạn gene.
Y học hiện đại không xem mặt trăng là một lý do đằng sau căn bệnh bí ẩn này. Tuy nhiên, điều thú vị là phần lớn những trường hợp mộng du lại rơi vào đêm trăng tròn.
Một người đàn ông Canada, Ken Parks, ra khỏi nhà vào năm 1987 trong khi đang ngủ. Anh lên xe của mình, lái 23 km tới nhà cha mẹ vợ. Lẳng lặng lẻn vào, người đàn ông bóp cổ nhạc phụ, đâm chết nhạc mẫu và bắt đầu bước vòng quanh ngôi nhà trong khi vẫn đang ngủ. Anh ta chỉ bị đánh thức bởi cảnh sát. Ken Parks không bị coi là phạm tội ác hoặc sát nhân, vì anh đã thực hiện vụ án mạng trong trạng thái giấc mơ mộng du. Các chuyên gia cho biết những người mộng du không thể bị buộc phải chịu trách nhiệm về hành động của mình, vì họ không nhận ra họ đang làm gì.
Không có thuốc hay kỹ thuật y học nào có thể chữa được bệnh mộng du. Các nhà khoa học tin rằng stress là tác nhân chính khiến cho bệnh xuất hiện. Người ta có thể trở thành người mộng du nếu giấc ngủ của họ thường xuyên bị ngắt quãng 3-4 lần mỗi đêm, hoặc nếu họ nói trong khi ngủ.
T. An (theo Pravda)
Chứng mộng du
Biện chứng đông y: Tâm can dinh hư, tâm hỏa rối loạn làm thần chí không yên.
Cách trị: Dưỡng huyết an thần.
Đơn thuốc: Gia vị Cam mạch đại táo thang.
Công thức: Cam thảo 12g, Tiểu mạch 24g, Đại táo 10 quả, Toan táo nhân 15g, Thảo hà xa 9g, Bá tử nhân 9g, Sinh địa 15g. Sắc uống mỗi ngày 1 thang.
Hiệu quả lâm sàng: Trần XX, nam, 38 tuổi, kế toán, sơ chẩn ngày 29-12-1956. Từ nửa cuối nǎm 1953, bị váng đầu mất ngủ, hay nằm mơ, tim hồi hộp, hay quên, ngủ hay nói mê không ngớt, gần đây nửa đêm không tự chủ dậy đi lung tung, lúc đó thần chí mơ hồ, ngǎn lại cũng không tỉnh, nếu dắt ép về giường ngủ thì hôm sau tinh thần mệt mỏi, chân tay bải hoải, hỏi đêm qua tình hình thế nào thì chẳng biết gì. Ǎn uống ít, miệng khô mà đắng, tâm phiền, lưỡi sạch, mạch huyền nhuyễn. Sau khi chẩn đoán cho dùng "Gia vị cam mạch đại táo thang". Uống được 24 thang thì các chứng đều hết. Theo dõi 7 nǎm, chưa thấy tái phát.
Bàn luận: Về chứng mộng du thì đông y cho rằng, nguyên nhân phần lớn do hai tạng tâm can hư mà ra. Tâm thì chủ về huyết mà chứa thần, can chức huyết mà che chở hồn, dương nhập vào âm thì ngủ, dương xuất khỏi âm thì thức tỉnh, khí huyết đầy đủ thì tâm thần được nuôi dưỡng, can tàng được hồn, ngủ được yên, còn khi âm huyết khuy tổn, tất can hỏa vượng lên mà tâm hỏa tự bốc, làm cho hồn mộng mung lung mà ngủ chẳng yên, đầu váng mắt hoa cùng lúc sinh ra. Dùng "Gia vị cam mạch đại táo thang" có tác dụng dưỡng huyết an thần nên khỏi bệnh.