Sinh một đứa con đã khó, nuôi dưỡng bé để trở nên một con người toàn vẹn lại còn khó hơn. Người ta đã định nghĩa, sức khỏe là tình trạng không bệnh tật và có sự ổn định về sức khỏe thể chất và tâm thần. Điều đó cho thấy, một đứa con khỏe mạnh không chỉ cần tăng trưởng tốt về chiều cao và cân nặng, mà còn phải có một trí tuệ tương ứng với lứa tuổi. Khi một đứa trẻ có những thái độ đáp ứng hoặc hành vi không bình thường, không phù hợp với cách ứng xử như những trẻ khác cùng độ tuổi, trẻ có những hạn chế về giác quan, về vận động ...chúng ta gọi đó là những trẻ có nhu cầu đặc biệt.
Khi một đứa trẻ có những biểu lộ :
- Khả năng vận động, ngôn ngữ phát triển chậm hay không phát triển
- Có hành vi ứng xử không bình thường
- Không có Khả năng đáp ứng hay thiết lập các mối quan hệ với người khác
Điều đó có nghĩa là cháu bé đó có nhu cầu cần được đáp ứng thông qua những biện pháp và kỹ năng giáo dục đặc biệt, rất khó hoặc không thể sử dụng các phương pháp chăm sóc và giáo dục bình thường cho các trẻ này.
Trong cuộc sống những sang chấn tâm lý thường tác động vào mỗi chúng ta và tạo nên những tổn thương tâm lý theo ba cấp độ :
- Khổ tâm: Đó là những lo âu mệt mỏi, có thể do những áp lực, những nỗi buồn phiền tạo ra sự căng thẳng (stress) ở mức độ nhẹ. Ở mức độ này chỉ cần nghỉ ngơi, tìm và giải quyết những nguyên nhân. Sau đó giúp cho đối tượng vui chơi, thư giãn là có thể giải tỏa được những ức chế
- Nhiễu tâm: Đây là mức độ rối nhiễu tâm lý do những yếu tố nội sinh và sự căng thẳng (stress) đem lại, cần được điều chỉnh và trị liệu bằng những liệu pháp tâm lý đôi khi kéo dài khá lâu
- Loạn tâm: Đây là tình trạng tan rã nhân cách, đó là những chấn thương tâm lý gây ra bệnh tâm thần. Việc điều trị sẽ kéo dài và rất khó khăn, cần có sự phối hợp giữa các loại thuốc đặc trị và các liệu pháp tâm lý trong một thời gian dài
Như vậy, một trẻ có nhu cầu đặc biệt thường có những rối nhiễu tâm lý là những vấn đề tổn thương của tâm lý ở mức độ trung bình, đó là phản ứng hay sự đáp trả cho những mối tương tác mà trong đó :
- Bố mẹ không tôn trọng hay không để ý đến những phản ứng của trẻ (khóc, quay mặt đi, nhắm mắt , dãy dụa ...) trong một thời gian dài
- Người mẹ mệt mỏi, căng thẳng hay trầm nhược buồn rầu, không tạo ra những kích thích tích cực cho trẻ
- Những thái độ lo âu, thất vọng của bố mẹ trong các trường hợp sinh non hay dị tật bẩm sinh.( trẻ khuyết tật)
- Sự phát triển chậm của trẻ làm người mẹ buồn bực, khó chịu vì không đáp ứng được sự mong mỏi của bà.( Trẻ chậm khôn, chậm nói...)
- Những khó khăn về kinh tế trong gia đình hay những khó khăn về văn hóa, sự bất hòa giữa bố mẹ khiến bà không đủ sự thoải mái, yêu thương dành cho con
Đều là những yếu tố dẫn đến những vấn đề của trẻ, và được thể hiện ngay từ khi còn bé qua những tư thế, nét mặt, tiếng khóc... tình trạng biếng ăn, chậm nói ... mà người mẹ cần phải biết để phát hiện sớm và có những biện pháp trong việc thay đổi cách ứng xử của mình.
Trẻ em là một sinh vật rất nhạy cảm, dễ bị sự tác động của môi trường xung quanh, hơn nữa khả năng tự phòng thủ của trẻ còn yếu ớt, chưa đủ khả năng làm ngơ hoặc chịu đựng được những xúc cảm âm tính (sự bỏ rơi của người lớn, sự im lặng hay ồn ào quá mức của môi trường) hay những hành vi sai lầm trong việc chăm sóc (việc bồng bế, cho ăn không đúng cách, không kèm theo "gia vị" yêu thương, sự vui vẻ khi tiếp xúc với trẻ). Từ đó đã đã làm cho những rối nhiễu về tâm lý có điều kiện "liên tục phát triển" . Chúng ta cũng không nên bỏ qua yếu tố cơ địa của từng cá nhân. Có những trẻ có tố chất tâm lý cứng cỏi, mạnh mẽ mặc dù gặp phải bỏ rơi hay chăm sóc không phù hợp vẫn có thể lớn lên một cách bình thường. Nhưng cũng có những trẻ có cá tính nhu nhược, nhiều cảm xúc nên dễ bị tác động bởi hoàn cảnh, môi trường. Vì vậy khi chẩn đoán không thể bỏ qua việc tìm hiểu cá tính của trẻ, để từ đó mới có thể xây dựng được một kế hoạch chăm sóc giáo dục đặc biệt cho trẻ.
( Trích trong tập sách : GIÚP CON VỮNG BƯỚC - Cẩm nang chăm sóc trẻ có nhu cầu đặc biệt - Biên soạn : Lê Khanh )
Đăng tin babyhvq