"Chuyện dạy thêm, học thêm nói mãi nhưng không thấy chuyển biến, thậm chí còn tinh vi hơn. Bây giờ, các cô không ép buộc mà phụ huynh vẫn phải làm đơn năn nỉ, xin cho con học thêm", đại biểu Nguyễn Thị Vân Lan nói tại buổi thảo luận Luật Giáo dục (sửa đổi), chiều 23/2.
Theo dự luật, nhà giáo không được ép buộc học sinh học thêm để thu tiền, bà Lan cho rằng quy định này là chưa đủ. "Bây giờ chẳng thày cô nào bắt ép học thêm thô thiển. Họ nghĩ đủ mọi hình thức để hợp thức hóa các lớp học ngoài giờ. Phụ huynh phải viết đơn, năn nỉ cô giáo giúp các em nâng cao kiến thức. Cô đáp ứng nguyện vọng chính đáng của phụ huynh, luật làm sao xử lý?".
Theo bà Lan, phải quy định rõ nhà giáo không được ràng buộc học sinh học thêm thu tiền và có chế tài xử lý cụ thể. Giáo viên vi phạm phải bị kỷ luật, tái phạm thì đuổi khỏi ngành. Các trường quy định giáo viên không được cắt xén bài giảng, dạy trước chương trình, thường xuyên hoán đổi giáo viên các lớp. Nếu cô muốn dạy thêm thì dạy học sinh lớp khác.
"Chúng ta cấm học sinh uống rượu, bia nhưng các thày thì sao? Tôi từng chứng kiến cảnh một số giảng viên đại học lên lớp mặt đỏ phừng phừng. Thậm chí có thày lên lớp chỉ kịp ra bài kiểm tra cho sinh viên rồi xuống hàng ghế cuối giảng đường ngủ. Thảm hại quá", bà Lan nói.
Tình trạng lạm thu tại các trường cũng khiến đại biểu này bức xúc. Bà Lan lấy dẫn chứng, một trường phổ thông ở Đà Nẵng, một năm học có tới 19 khoản thu. Để tránh phiền hà, nhũng nhiễu, Luật Giáo dục (sửa đổi) nên đưa tất cả đóng góp của người học vào một khoản gọi là học phí. Học phí được công khai đầu năm và học sinh không phải đóng khoản tiền khác.
Vấn đề dạy và học Ngoại ngữ cũng là chủ đề thu hút nhiều ý kiến đóng góp. Theo đại biểu, ngoại ngữ đang là điểm yếu nhất của sinh viên Việt Nam. Học tiếng Anh từ phổ thông, học thêm 4 năm nữa ở đại học nhưng nhiều cử nhân chỉ dừng ở vài câu chào hỏi. Do vậy, phải đưa vấn đề học ngoại ngữ là một nhiệm vụ của ngành giáo dục để hội nhập quốc tế.
Đại biểu Nguyễn Lân Dũng cho rằng, không nên đưa Ngoại ngữ vào học từ cấp 1 bởi lứa tuổi này, Tiếng Việt các em nắm chưa vững nói gì Tiếng Anh. "Nhiều phụ huynh thấy nghe con nói mấy từ Hello, Good morning rất thích nhưng thực chất các em chỉ cưỡi ngựa xem hoa. Tại sao cấp 1 không tập trung cho các em học Tiếng Việt, dành các tiết Ngoại ngữ cho cấp 2, 3", ông Dũng nói.
Theo dự Luật Giáo dục (sửa đổi), Hiệu trưởng các đại học, Viện trưởng Viện nghiên cứu có quyền cấp bằng tiến sĩ, đại biểu Nguyễn Minh Thuyết ủng hộ. Theo ông, không phải bằng do Bộ trưởng GD&ĐT cấp thì chất lượng cao hơn Hiệu trưởng cấp. Vấn đề hiện nay là phải tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các luận án tiến sĩ. Các trường đạt chuẩn sẽ được giao đào tạo tiến sĩ, tránh tình trạng Bộ ôm đồm quá nhiều việc. Hiện nay, nhiều luận án "ngâm" 2 năm ở Vụ ĐH và Sau ĐH (Bộ GD&ĐT), nhưng chưa được bảo vệ. Sau 2 năm, nhiều kiến thức đã lỗi thời, luận án bảo vệ xong chỉ cất vào tủ kính.
Luật Giáo dục (sửa đổi) dự kiến sẽ trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp giữa năm nay.
Việt Anh
Nguồn Báo Thanh Niên
Số 50 Thứ năm Ngày 19.02.2009
Thêm yêu thích (481) |
Trích dẫn nội dung trên site của bạn | Xem: 5058