"Ở một số nơi trên cả nước, trẻ em vẫn bị đánh đập, bạo hành cả tinh thần lẫn thể xác" Đó là kết luận tại lễ tổng kết hai năm hoạt động dự án Phòng chống trừng phạt thân thể và tinh thần trẻ em (PFP) hôm 12/12 do T.Ư Đoàn, Đài Tiếng nói Việt Nam, tổ chức Plan tổ chức tại Hà Nội.
Còn nhiều vụ bạo hành trẻ em
Hơn 2 năm, dự án được tiến hành trên 8 tỉnh (Phú Thọ, Thái Nguyên, Quảng Bình, Quảng Trị, Ninh Bình, Bắc Giang, Huế, Hà Nội). Điều nhức nhối là vẫn có nhiều vụ bạo hành trẻ em xảy ra. Em Nguyễn Thị Bình bị vợ chồng chủ quán phở (Hà Nội) đánh đập, hành hạ suốt 13 năm. Chỉ đến khi có người hàng xóm tốt bụng báo công an thì lúc đó sự việc mới được đưa ra ánh sáng.
Sau đó liên tiếp hàng loạt vụ hành hạ trẻ em được báo chí phanh phui như: Em Huỳnh Thị Ngọc Trâm học sinh lớp 5 (xã An Hiệp, huyện Châu Thành, Đồng Tháp bị nghi lấy cắp 47.000, thầy hiệu trưởng Lưu Văn Ca đã chỉ đạo tôngr phụ trách đội Lê Văn Xem giao nộp em cho công an lập biên bản. Hậu quả là em Trâm bị hỏi cung và hoảng loạn tinh thần. Gần đây nhất là vụ bé Nguyễn Thị Hảo (3tuổi) phải nhập viện trong tình trạng hoảng loạn, sợ hãi khi bị mẹ là bà Nguyễn Thị Mỳ dùng kéo, dùng dao cắt gót chân, tai và trên người chi chít vết bầm tím...
Đan Chi, Câu lạc bộ phóng viên nhỏ Quảng Bình chia sẻ: Nhiều bạn bị bố mẹ phạt bằng bạo lực như dùng roi, gậy đáng hay chửi mắng, nhưng vẫn âm thầm chịu đựng. Các CLB Phóng viên nhỏ đi tuyên truyền thường vấp phải vấn đề là lời nói của các em chưa có sức nặng nên hiệu quả không cao. Các em lại "cầu cứu" các anh chị ở tổ chức Đoàn hay Hội phụ nữ.
Theo anh Phan Đình Hiệp, điều phối viên chương trình quyền trẻ em tại miềm trung của tổ chức Plan thì khoảng 10 năm trước, việc một đứa trẻ bị bố mẹ đánh đập,...thì hàng xóm, anh chị em trong nhà cũng thờ ơ. Nhưng hiện nay, với hàng loạt vụ việc được đưa ra ánh sáng thì việc tố cáo hành vi ngược đãi con cái đã nhận được sự ủng hộ của nhiều người.
Anh Hiệp cho rằng, sau các vụ việc được phanh phui thì đối tượng ngày càng có nhiều cách ngược đãi trẻ tinh vi hơn. Trong khi đó các em lại không biết quyền của mình được bảo vệ để tố cáo. Biện pháp chủ yếu mà các đơn vị đưa ra hiện nay chủ yếu vẫn chỉ là thông qua các đường dây nóng, tư vẫn phát thanh, truyền hình, vận động tuyên truyền nâng cao nhận thức cho trẻ, phụ huynh, thầy cô.
Yêu thương mạnh hơn lời quát mắng
Ông Peter Van Dommelen, Giám đốc chương trình - Tổ chức Plan cho rằng: Hi vọng vài năm tới sẽ không còn những vụ việc bạo hành trẻ em. Vì trẻ em là đối tượng cần được yêu thương và dạy dỗ đúng cách mới phát triển được.
Nhiều ý kiến cho rằng khó có thể lấy chỉ số đánh giá việc bạo hành trẻ em tăng hay giảm. Tuy nhiên, nhiều vụ việc đưa ra trên báo chí chứng tỏ vấn đề đã mang tính cộng đồng, được cộng đồng quan tâm.
Phân tích nguyên nhân cho thấy tình trạng bạo hành chủ yêud do nhận thức kém, tâm lý "thương cho roi cho vọt" ăn sâu trong suy nghĩ của nhiều bậc phụ huynh, thầy cô. Một đặc điểm tâm lý lứa tuổi lại là nghịch ngợm, ương bướng, hay làm trái lời bố mẹ nên bị phạt. Xâm hại tâm lý trẻ em còn thể hiện ở cách chê bai, phân biệt trai, gái, đối xử không công bằng tạo ra áp lực với trẻ. Trong khi, thông điệp ácc em gửi đến lễ tổng kết các bậc phụ hunh, thầy cô lại là "Roi vọt không làm trẻ nên người, yêu thương mạnh hơn lời quát mắng".
Theo các chuyên gia tâm lý thì việc lạm dụng, xâm hại trẻ em sẽ gây nên những tác động hình thành nhân cách, tâm lý, tình cảm không tốt của trẻ. Có em phản ứng bằng hành vi tự hại bản thân, bỏ nhà đi lang thang dễ rơi vào các tệ nạn xã hội. Hơn nữa,cha mẹ thường xuyên đánh đập, chửi bới con cái sẽ giảm sút hình ảnh, tình cảm vốn trong sáng, đẹp đẽ vốn có của các em.
Nguyễn Hà
Theo báo Tiền Phong số 347 - Thứ bẩy ngày 13/12/2008
Đăng tin babyhvq@yahoo.com.vn