Giới trí thức Việt Nam đang hân hoan đón mừng Nghị quyết về "xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá" của Hội nghị lần thứ 7 Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá X. Nghị quyết này không chỉ phản ánh đúng tình hình trí thức hiện nay, trao nhiệm vụ cụ thể cho đội ngũ trí thức mà còn rất phù hợp với tư tưởng Hồ Chí Minh về trí thức.
Vai trò to lớn của trí thức tham gia cách mạng
Bác Hồ từng đánh giá: Những người trí thức tham gia cách mạng, tham gia kháng chiến rất quý báu cho Đảng. Không có những người đó thì công việc cách mạng khó khăn thêm nhiều. (HCM toàn tập, 1995, T.5, tr.235). 62 năm trước, tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khoáI (ngày 3.11.1946) Bác Hồ đã đề nghị lựa chọn khá nhiều trí thức không phải là đảng viên tham gia Chính phủ. Đó là Bộ trưởng (BT) Bộ Nội vụ Huỳnh Thúc Kháng, BT Bộ Giáo dục Nguyễn Văn Huyên, BT Bộ Giao thông công chính Trần Đăng Khoa, BT Bộ Y tế Hoàng Tích Trí, BT Bộ Tư pháp VŨ Đình Hoè, BT Bộ Canh nông Ngô Tấn Nhơn, BT Bộ Cứu tế Chu Bá Phượng, BT không bộ Nguyễn Văn Tố và Bồ Xuân Luật. Năm 1947 Chính phủ được cải tổ với sự tham gia thêm của một số trí thức ngoài Đảng khác như BT Kinh tế Phan Anh, BT Ngoại giao Hoàng Minh Giám. Sau khi cụ Huỳnh Thúc Kháng tạ thế, Bác Hồ mời cụ Phan Kế Toại làm Quyền BT Bộ Nội vụ. Khi đó trong Chính phủ có tới 10 vị là người ngoài Đảng nhưng đều là những trí thức nhiệt tình và đem hết tâm trí ra để hoàn thành trọng trách của mình.
Ông Tạ Quang Bửu là một nhà toán học nổi tiếng (lưu học tại Đại học Paris, Bordeaux - Pháp và ĐH Oxford - Anh) về nước năm 1934 và dạy học ở Huế. Năm 1945 cùng Luật sư Phan Anh ra Hà Nội để tham gia cách mạng. Tháng 8.1947, tuy chỉ mới được kết nạp vào Đảng tròn 1 tháng ông đã được giao trong trách làm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Bên cạnh các vị trí thức tham gia Chính Phủ, Bác Hồ còn ân cần chăm sóc đội ngũ trí thức ngoài Đảng tham gia trực tiếp trong các nghành giáo dục, y tế, khoa học...
Bác phân tích: "Nếu không có nhân dân giúp sức thì Đảng không làm được việc gì hết... Ta cần hợp tác với người ngoài Đảng. Ta không được khinh rẻ họ, chê bai họ... Cũng vì bệnh hẹp hòi mà không biết dùng nhân tài, việc gì cũng ôm lấy hết. Ôm lấy hết thì cố nhiên không làm nổi". (Sđd, 1995, T.5, tr.238).
GS.TS Nguyễn Lân Dũng (Báo Thanh niên số 246 thứ ba 2/9/2008)