Người trí thức trước hết phải
dũng cảm, khiêm tốn và trung thực
Giáo sư: NGND Nguyễn
Văn Chiển
Hiểu biết sâu sắc
những quy luật của tự nhiên và xã hội, hiểu rõ những bài học của quá khứ và
thấy rõ những sai lầm của giới cầm quyền đương thời có thể sớm muộn dẫn tới
những nguy cơ cho tương lai của đất nước, người trí thức chân chính tự thấy
trách nhiệm phải phát biểu chứng kiến.
Dù biết trước những ý
kiến của mình có thể bị coi là phạm thượng hoặc chống đối đường lối hiện hành
do đó có thể đem lại cho họ những tai họa khôn lường, nhưng vì trách nhiệm với
tương lai của Tổ Quốc, họ không thể từ bỏ trách nhiệm của mình.
Tấm gương dũng cảm xưa
kia của Chu Văn An phải treo ấn từ quan hay gần đây của luật sư Nguyễn Mạnh
Tường do dám đánh động về nguy cơ của một nhà nước thiếu luật pháp nghiêm minh,
ông bị tước luôn cả 2 nghề dạy học lẫn luật sư, điều đáng phục là trong hoàn
cảnh thiếu thốn và khó khăn ông vẫn cống hiến một cuốn lịch sử của nền giáo dục
từ xưa đến nay. Ngoài những tên tuổi như triết gia Trần Đức Thảo mới được minh
oan, còn biết bao trí thức khiêm tốn hơn hoặc cũng đã có những công lao lớn đối
với đất nước cũng bị vùi dập chỉ vì những phát biểu dũng cảm của họ! Dù sao thì
sự dũng cảm của họ vì tương lai của đất nước khiến chúng ta phải nể phục.
Mặt khác, cũng không
thể đòi hỏi người trí thức phải hoàn thiện, do đó họ phải khiêm tốn tự nhận lấy
những thiếu sót của mình để tự sửa chữa hay tự cải chính. Một nhà khoa học tự
nhiên mà có những điều sai về khoa học xã hội hay ngược lại một nhà sử học mà
có những điều sai về khoa học tự nhiên là bình thường. Điều không bình thường
là có người họ đã phát hiện ra cái sai mà họ không sửa, hay phải chăng họ sợ
ảnh hưởng tới vị trí cấy đa cây đề của họ! Đáng khen thay và đáng khâm phục là
những trí thức trung thực tự biết cái sai của mình để tự sửa hoặc đính chính. Về
phương diện này, ta rất khâm phục nhà sử học Trần Huy Liệu trước khi mất đã nói
với học trò của mình rằng. Lê Văn Tám không phải là một con người có thật mà
chỉ là một hình ảnh ông dựng lên để động viên phong trào kháng chiến.
Vừa qua, trên một hội
nghị bàn về dạy sử và trên tạo chí Xưa
& Nay , tôi thấy giới sử học lớn tiếng phàn nàn về kiến thức lịch sử
trong sinh viên, học sinh và nhiều tầng lớp cán bộ hiện nay: đó thật sự là một
nguy cơ cho tương lai của đất nước. Nguyên nhân thì có nhiều, do chương trình
học quá nặng, do chương trình thi tốt nghiệp và thi vào đại học quá lệch, bỏ
qua hẳn môn sử chỉ chú trọng mỗi Toán – Lý – Hóa. Cũng có khi do đề thi quá
lệch. Vừa qua, tôi có trực tiếp hỏi chuyện một cháu thi vào khối D, khi hỏi về
lịch sử hiện đại thì cháu nói vanh vách về ngày thành lập Đảng, về cách mạng
tháng Tám, nhưng mà hỏi cháu có biết về quân Mông Cổ hay khởi nghĩa Lam Sơn thì
cháu ngơ ngác! Về nguyên nhân của sự việc, rõ ràng trách nhiệm không thuộc vào ngành
sử mà do giáo dục quy định về các môn thi và hạn chế chương trình.
Nhưng có một câu
chuyện hoang đường hay một chuyện bịa
lịch sử dạy cho cấp 1 phổ thong: Mai
Thúc Loan vì bị gánh vải tươi cống Dương Quý Phi mà cùng nông phu nổi dậy chống
sự thống trị của nhà Đường. Câu chuyện phi lý đó đã được ông Lê Mạnh Chiến vạch
ra từ mấy năm rồi thế mà vẫn được in trong nửa triệu SGK cấp 1. Câu chuyện
tưởng nhỏ này có tác dụng tai hại là hạ thấp vai trò của người anh hung dân tộc
Mai Thúc Loan, coi việc khởi nghĩa chỉ là bột phát. Sự thực thì ông đã xây
thành đáp lũy ở Hoan Châu (Nghệ An) từ trước và đã lien kết với Lâm Ấp và Chân
Lạp rồi sưng hoàng đế (Mai Hắc Đế). Điều ngạc nhiên là câu chuyện phi lý này còn
lặp lại trong những bộ SGK lớn hơn, ví dụ trong tập I của bộ Đại cương lịch sử
Việt Nam
(trang 94).
( Theo báo Tia Sáng, số 9 ra ngày 5- 5-2008)