Đỉnh Mồ Côi đứng một mình ở lưng chừng núi Cấm (xã An Hảo, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang). Ít ai biết được chốn hoang vu này lại là nơi cư ngụ của một bà mẹ già, một người đàn ông và những đứa trẻ không cha không mẹ.
Đại gia đình trên núi
Núi Cấm hoang vu. Những cây rừng cao chót vót đan vào nhau làm cho cái nắng giữa trưa ở vùng biên giới không thể lọt qua. Tiếng tích tích của tắc kè, tiếng vỗ cánh phành phạch của chim rừng làm cho người đi đường thỉnh thoảng giật mình. Bỗng dưới con dốc đất đá lởm chởm vang lên tiếng trẻ con cười trong trẻo. Chúng tôi bắc tay làm loa gọi: "Có ai ở đó không?". "Có!". Chúng tôi nhìn về phía vừa phát ra tiếng trả lời, thấy một người đàn ông và hai đứa trẻ. Anh ta mặc một bộ đồ màu trắng, tay cầm rìu cặm cụi đốn cây. Còn hai đứa bé thì nhảy lên, giơ tay vẫy vẫy.
Thấy chúng tôi, anh ngừng tay hỏi "kiếm ai". Chúng tôi bảo kiếm anh Bông. Người đàn ông nở nụ cười rộng đến mang tai... Anh chính là Nguyễn Tấn Bông. Hai đứa bé, đứa lớn tên Hai Ngọc (7 tuổi), đứa nhỏ là Năm Giàu (5 tuổi) đang bặm miệng kéo cưa, mồ hôi lấm tấm rịn trên trán. Anh Bông kể đang mở con đường này để tháng 8 tới đưa "cậu Hai" tới trường. Nghe nhắc tới tên mình, Hai Ngọc lém lỉnh: "Cha nói là tặng con đường này cho con".
Anh Bông lại tiếp tục công việc. Hai đứa bé lăng xăng kéo những cành cây nhỏ xíu cha vừa chặt vứt xuống dưới triền núi. Một lúc chúng lại giành nhau rót nước cho cha uống, lấy khăn cho cha lau mồ hôi, rồi đứng quạt cho cha. Con đường tới trường của Hai Ngọc ngày một bằng phẳng. Mỗi ngày anh Bông cứ làm một ít, cần mẫn như kiến tha mồi.
Trời đã ngả về chiều. Hai đứa trẻ về nhà trước, còn anh Bông vác cuốc xuống suối để mở vòi dẫn nước vào nhà. Ngôi nhà rộng thênh thang tràn ngập tiếng cười. Những đứa trẻ đang chen chúc quanh bể nước chờ anh Hai Nhân tắm cho mình. Thấy khách vào nhà, chúng nhảy lên reo hò làm bé Mười Hai Nhã (16 tháng tuổi, đang ngủ trên võng) giật mình khóc thét.
Hai Nhân năm nay 18 tuổi, là con của em trai anh Bông. Nhưng từ hai năm nay, Nhân gọi anh Bông là tía và làm anh lớn của 10 đứa em. Nhiệm vụ của Nhân là lo cơm nước, tắm giặt cho các em để anh Bông yên tâm lên nương rẫy.
Anh Bông chỉ từng đứa, nói: "Đó là Nguyễn Sơn Ngọc, Nguyễn Sơn Thanh, Nguyễn Sơn Hương, Nguyễn Sơn Giàu, Nguyễn Sơn Tự, Nguyễn Sơn Tịnh, Nguyễn Sơn Tuyền, Nguyễn Sơn Nhã, Nguyễn Sơn Minh và cô con gái duy nhất, Nguyễn Cẩm Như". Nói đến đây mắt anh cụp xuống: "Tôi còn có một thằng con trai nữa, Nguyễn Sơn Thành, nó đang nằm trên núi". Tiếng bé Cẩm Như trọ trẹ: "Cha, chị Cẩm Tiên nữa". Anh Bông kéo bé Như ngồi lên đùi mình rồi nói: "Cẩm Tiên bị cô em họ tui giựt về nuôi rồi".
Bóng tối đã bao trùm căn nhà. Những đứa trẻ ngoan ngoãn đi lấy tô để anh Nhân bới cơm, dùng bữa ăn đạm bạc với bắp cải xào đậu hũ, mấy con cá mòi hâm lại nhiều lần đã mục hết xương. Lo xong cho các con anh Bông mới ăn cơm. Nhưng bữa ăn cứ bị đứt quãng bởi tiếng khóc của Út Minh, anh cứ phải chạy vào chạy ra liên tục.
Dưới ngọn đèn lờ mờ chạy bằng máy phát điện, anh bắt đầu kể chuyện đời: "12 đứa con của tui, mỗi đứa một tính cách nhưng có một điểm chung là ra đời trong sự nghiệt ngã!".
Chuyện như cổ tích
Cách đây gần 18 năm, núi Cấm còn rất hoang sơ, anh Bông đưa mẹ lên núi để bà an hưởng tuổi già. Mẹ anh là bà Võ Thị Ba, năm nay 73 tuổi, trước đây có một cơ ngơi khang trang ở phường Bình Thủy, TP Cần Thơ. Nhưng rồi một lần lên núi Cấm hành hương, bà trở nên quyến luyến nơi này. Năm 1990, khi anh Bông hoàn thành nghĩa vụ quân sự, bà nói với con: "Má bán nhà lên núi Cấm ở". Anh Bông nói: "Má đi, con đi theo". Hai mẹ con bán nhà, được 3 lượng vàng rồi lên núi Cấm. Ban đầu hai mẹ con mua một ngôi nhà nhỏ dưới chân núi bán cà phê nhưng ở đây quá ồn ào. Anh Bông bèn lên núi mua 3 mẫu đất ở đỉnh Mồ Côi với giá 2 chỉ vàng. Anh khai hoang dựng cột, mua tôn về lợp mái làm chỗ trú nắng trú mưa cho hai mẹ con. Hằng ngày anh gánh thuê các loại trái cây từ trên đỉnh xuống chân núi; rồi lại gánh gạo, cát, xi măng, đá, gạch ngói... lên. Cứ thế, một ngày anh gánh hai chuyến, một chuyến là 70 kg, mỗi kg chỉ được 200 đồng.
Thấy công việc cực nhọc mà thu nhập lại ít, anh học làm rẫy. Ba mẫu đất rừng của anh nhanh chóng phủ đầy cây ăn trái. Anh bắt đầu có thu nhập và tích lũy mỗi năm cũng được 30 - 40 triệu đồng. Mười năm sau, anh đã có một số tài sản kha khá, và bắt đầu nghĩ đến chuyện vợ con vì đã sắp 40 tuổi.
Nhưng rồi mọi chuyện đã thay đổi.
Năm 2002, bà Võ Thị Ba về quê chơi và ghé thăm đứa cháu gái đang nằm chờ sinh ở Bệnh viện đa khoa Cần Thơ. Tình cờ bà thấy một thiếu phụ đi sinh con một mình, không có người thân, không một đồng dắt túi. Thương cảm, bà dắt chị này vào khám thai. Nhưng cái thai quá lớn, phải sinh mổ mà không có người nhà ký cam kết, bà Ba đành đứng ra ký tên rồi đóng tiền viện phí, lo cho đến khi mẹ tròn con vuông. Nhưng khi ẵm đứa con trai trên tay, người phụ nữ mới quỳ sụp xuống đất khóc nức nở. Chị kể rằng đã có chồng và 2 đứa con, nhưng vì gia đình lục đục nên trốn nhà ẵm hai con tới Cần Thơ làm phụ hồ. Ở đây chị có quen một người đàn ông làm thợ hồ, chị có thai với anh ta rồi bị ruồng bỏ. Giờ sinh con ra thì lấy gì mà nuôi. Rồi sau này về quê ăn nói làm sao với hai bên họ hàng. Chị ta có ý định gửi đứa bé lại cho bà Ba. Cảm thông trước hoàn cảnh của người thiếu phụ, bà Ba cho chị 1 triệu đồng và ba chỉ vàng. Bà cho biết địa chỉ nơi mình ở, số điện thoại liên lạc để sau này có ý định tìm lại con thì cứ lên. Rồi bà bế đứa bé về núi và đặt tên là Nguyễn Sơn Ngọc. Giờ Ngọc đã 7 tuổi, mũi cao, trán cao, mắt sáng.
Kể từ đó, bà Ba không ngừng suy nghĩ về những đứa trẻ vô tội đang bị bỏ rơi. Bà mới bàn với con trai là để lại số điện thoại ở khoa Sản, Bệnh viện đa khoa Cần Thơ để khi có một hoàn cảnh tương tự thì gọi bà đến để giúp đỡ. Năm 2003, mẹ con anh Bông nhận thêm 3 đứa, năm 2005 nhận 5 đứa và năm 2006 nhận thêm 3 đứa nữa. Mỗi lần có điện thoại là hai mẹ con lại tức tốc xuống núi.
12 đứa trẻ (giờ còn nuôi 10), mỗi đứa một tính cách nhưng đều ra đời trong bất hạnh. Nghĩ tới điều đó, anh Bông thương yêu con hết lòng. Mẹ cứ mắng anh nuông chiều bọn trẻ quá, coi chừng chúng hư. Anh nói rằng, đôi khi chúng lì lợm, anh cầm roi lên "tính quất cho một phát" nhưng nhìn những đôi mắt trong veo, khuôn mặt bầu bĩnh anh lại không nỡ. Mười đứa con, đứa nào cũng sạch sẽ, khôi ngô, lễ phép.
Anh Bông kể, 2005 là năm khó khăn nhất. Mẹ anh thì lâm bệnh, thập tử nhất sinh, mấy đứa con thì còn đỏ hỏn, một mình anh không thể nào xoay xở được. Cô em họ ở Cần Thơ thấy thế mới đem bé Cẩm Tiên về nhà nuôi phụ vài tháng, chờ cho qua cơn bĩ cực, anh sẽ đón về. Như có một phép mầu, mẹ anh bình phục. Anh về Cần Thơ đón con gái lên. Vợ chồng cô em khóc cả tuần liền vì nhớ con. Họ lên núi xin cho bé được ở lại với mình. Anh thấy bé về đó được yêu thương, lại thuận tiện cho việc học hành nên đồng ý. Nhưng tháng nào bé cũng được đưa lên núi thăm cha.
"Còn thằng Thành thì bị bệnh thủy não nên khóc suốt ngày, suốt đêm, xót lắm. Tôi đã chạy chữa hết cách nhưng số nó ngắn quá, ra đi lúc mới 3 tuổi" - anh Bông ngậm ngùi.
Bây giờ đã vào tuổi 42 nhưng anh Bông vẫn chưa có ý định lập gia đình. Với anh, 10 đứa trẻ là một tài sản vô giá. Anh lo xa, lỡ khi lấy vợ về gặp phải cảnh mẹ ghẻ con chồng thì làm sao anh chịu nổi. Điều trước mắt anh phải làm là lo cho con được ăn no, mặc ấm, dạy cho chúng biết sống tốt và sau nữa là phải tới trường.
Ba ngày chúng tôi ở đỉnh Mồ Côi, giờ ra đi khách và chủ đều bịn rịn. Những đôi chân bé tí bám vào con dốc lởm chởm tiễn chúng tôi ra tới giữa núi. Bóng những đứa trẻ khuất dần sau vách núi...
(Bài viết của Bảo Thiên - Báo Thanh niên, Số 88, ra ngày Thứ Sáu 28-03-2008)