Phải lưu ý một điều, môi trường học tập rất khác với môi trường công sở. Nếu như ở môi trường học tập phụ thuộc phần nhiều vào cá nhân (xây dựng được mối quan hệ với bạn bè thì tốt nếu không cũng không sao vì mục đích chính của mỗi người là học tập) thì ở môi trường công sở, công việc của mỗi người đều có sự liên quan đến nhau và mối quan hệ với đồng nghiệp có tác động rất lớn đến cá nhân mỗi người. Bạn đã mắc sai lầm khi không đánh giá hết tầm quan trong của các mối quan hệ ở cơ quan - mối quan hệ mới và phức tạp hơn nhiều môi trường thời sinh viên của bạn.
Nếu không thay đổi và giải quyết tâm lý ức chế đó thì dù cho chuyển đến một cơ quan khác, môi trường khác bạn cũng sẽ lại gặp vấn đề như vậy. Tuy nhiên trong trường hợp này, làm lại bao giờ cũng khó khăn hơn bắt đầu. Nếu thái độ thay đổi nhanh quá thì sẽ làm mọi người cảm thấy ngạc nhiên và dè chừng. Vì vậy bạn nên điều chỉnh dần dần cách cư xử đối với mọi người. Thay vì chịu đựng một mình hoặc kêu ca với bạn bè thân thiết, bạn có thể tâm sự những khó khăn về việc khó hòa nhập của mình với chính đồng nghiệp, từng người một. Dần dần, khi có nhiều người ủng hộ thì coi như bạn đã giải quyết được tâm lý tự ti rụt rè của mình.
Bạn đừng e ngại vì cả tính nhút nhát và ít nói. Bởi lẽ, nếu biết cách sử dụng thì nó lại là thế mạnh chứ không phải điểm yếu, giúp bạn dễ được cảm thông. Sự xa lánh mọi người, cặm cụi làm việc dễ khiến đồng nghiệp nghĩ rằng bạn kiêu kỳ và muốn thể hiện. Một tật xấu của con người là thích chành chọe với người giỏi giang, và tỏ ra hào hiệp với những người khó khăn hơn mình.
Có thể thấy, tâm lý khó hòa nhập dẫn đến tự ti, xa lánh đồng nghiệp là tâm lý khá phổ biến ở các bạn trẻ mới ra trường đi làm. Không ai có thể giúp đỡ ngoài chính bản thân bạn. Nên chia sẻ với người khác và nhìn mọi việc một cách tích cực hơn. Đừng nghĩ rằng người ta đang xoi mói, tẩy chay mình (dù thực tế có đúng như vậy đi nữa), hãy luôn nghĩ rằng mình chưa biết cách thể hiện để làm mọi người hiểu đúng về mình. Bạn sẽ vượt qua được cản ngại đầu tiên và có những mối quan hệ tốt đẹp".
(Chia sẻ của Thạc sỹ Tâm lý, Chuyên gia tư vấn Đinh Đoàn.
Q.P - Báo Sinh viên Việt Nam, Số 9 năm 2008)