Giáo viên thường chỉ quan tâm đến kết quả học tập và hành vi tôn trọng kỷ luật của học sinh. Phương hướng cải cách giáo dục tập trung vào nội dung chương trình và phương pháp giảng dạy.
Không mấy ai nghĩ rằng cách đối xử của giáo viên tác động sâu sắc đến kết quả học tập: một giáo viên giỏi về sư phạm có thể thất bại vì chỉ biết thưởng phạt, có những hành vi xúc phạm đến nhân cách học sinh, nhiều khi một cách vô thức. Đại đa số giáo viên hiện nay không biết quan sát trẻ em, không hiểu tâm tư của lớp học và từng học sinh cho nên dù có được đào tạo tốt về sư phạm vẫn không thành công. Chủ yếu vì trong việc đào tạo ở các trường sư phạm, bộ môn tâm lý không được giảng dạy một cách thiết thực. Khi gia nhập nhóm N-T, giáo sư Phạm Hoàng Gia (đã mất) thường nói: Những gì tôi giảng dạy về tâm lý cho các trường sư phạm trong hơn 20 năm qua, nghĩ lại là vô bổ, giả thử không có bộ môn tâm lý cũng không "chết ai". Vấn đề không phải là xóa bỏ bộ môn tâm lý mà cải tiến cách giảng dạy tâm lý ở các trường sư phạm. Đây là một trọng tâm trong cải cách giáo dục. Chưa nói đến thay đổi nội dung chương trình giảng dạy theo những phương pháp mới, cung cấp sách giáo khoa và những giáo cụ mới, nếu giúp cho giáo viên nâng cao được ý thức và trình độ hiểu biết về tâm lý thì chất lượng giáo dục sẽ tốt lên. Trong 2 năm 1991-1992, Trung tâm N-T đã tiến hành một số công việc:
- Khám nghiệm về tâm lý cho một khóa 120 học sinh vào lớp 1 ở trường PTCS phường Bạch Mai, Hà Nội.
- Mở lớp tập huấn cho hiệu trưởng và một số giáo viên trường ấy trong mùa hè trước khai giảng, cung cấp một số kiến thức cơ bản về tâm lý trẻ, giới thiệu một vài trường hợp học sinh cá biệt và những đặc điểm của các em đã được khám và sẽ vào học lớp 1. Cuối năm lớp 1 đối chiếu kết quả học tập với những đặc điểm tâm lý.
- Nhân lớp tập huấn ấy, biên soạn một quyển sách nhỏ tóm lược những kiến thức cơ bản về tâm lý để cho giáo viên học tập.
- Hè năm 1992, trên cơ sở lớp tập huấn năm 1991, rút kinh nghiệm cải tiến về nội dung và phương pháp, tổ chức một lớp tập huấn cho cán bộ quản lý và giáo viên.
Xin nói thêm là trong 2 năm 1990-1991, N-T có tổ chức thử nghiệm giảng dạy tâm lý cho lớp 10 và lớp 11 của trường PTTH chuyên Tin trong Đại học Bách khoa. Dự định tiếp tục làm lớp 12 để cuối cấp rút kinh nghiệm biên soạn một giáo trình tâm lý học cho cấp III. Tiếc rằng không hiểu vì sao, nhà trường cho ngừng không giảng dạy tâm lý ở lớp 12 nữa. Thử nghiệm này đành bỏ lỡ.
Từ tháng 10-1992 đến năm 1994, N-T đã tổ chức một lớp đào tạo bác sỹ chuyên khoa về tâm lý trẻ em, với chương trình gồm có thực tập, học lý luận và ngoại ngữ. Và tiếp tục theo 2 dự án:
- Không có sự tài trợ của Nhà nước (Bộ Giáo dục, Sở Giáo dục Hà Nội, Ban Khoa giáo Trung ương), với những phương tiện eo hẹp, N-T chỉ tiến hành được một số công việc hạn chế: biên soạn lại và xuất bản quyển "Tìm hiểu tâm lý trẻ em"; theo dõi ứng xử của học sinh và giáo viên trong năm học ở một trường cấp I.
Đã thực hiện một phim video về học sinh 6 tuổi vào lớp 1 để dùng vào những lớp tập huấn cho giáo viên hoặc dùng giảng dạy ở các trường sư phạm.
- Tiến hành một số trắc nghiệm ở trẻ em cấp I. Về điểm này trong năm 1991, N-T đã bắt đầu vận dụng và đề xuất một thang đo tâm lý "Đến tuổi học"; đã thực nghiệm ở một số lớp 1 cấp I ở Hà Nội. Sau đó, 1 cán bộ giảng dạy bên Đại học Sư phạm, cô Nguyễn Thị Kim Quý đã mở rộng thực nghiệm làm đề tài thi Phó Tiến sĩ, được chấp nhận và được đưa ra vận dụng đại trà.
- Rất mong một trường Sư phạm nào đó quan tâm cải tiến việc giảng dạy tâm lý nhằm giúp cho giáo sinh:
+ Nắm được những kiến thức cơ bản về tâm lý trẻ em.
+ Biết quan sát những ứng xử của học sinh trong giờ học và ngoài giờ học, biết cách tìm hiểu hoàn cảnh gia đình.
+ Biết hòa nhập vui chơi với học sinh trong giờ chơi và những hoạt động ngoại khóa.
- Không phải biến giáo viên thành những nhà tâm lý chuyên khoa nhưng làm sao cho họ nhạy bén về những nhu cầu tâm lý của trẻ, đáp ứng phần nào những nhu cầu ấy. Nếu gặp những trường hợp quá khó khăn biết gửi đến những cơ sở chuyên môn để xử lý.
Việc làm giúp cho giáo viên quan tâm tìm hiểu tâm tư từng học sinh lớp 1, chứ không phải chỉ để ý đến kết quả học tập và tôn trọng kỷ luật sẽ thay thế những lời kêu gọi về nhiệt tình và tình thương đối với trẻ em.
(Tác giả: Nguyễn Khắc Viện)