Theo TS Huỳnh Văn Sơn, trẻ có khả năng đặc biệt hoặc phát triển sớm về năng khiếu thường thích khám phá, thể hiện khả năng tò mò. Những biểu hiện đó cần được quan tâm và phát triển, nhưng cũng cần có sự kiểm định khoa học qua các bài test để chắc chắn trẻ có năng khiếu thật sự.
Về phần gia đình, khi biết trẻ có khả năng đặc biệt cần hiểu đúng thực lực của trẻ, không dồn ép cũng như quá kì vọng mà hãy để cho trẻ phát triển một cách tự nhiên. Nhà trường cũng nên chấp nhận khả năng của trẻ và có những bài tập riêng biệt nhằm giúp trẻ phát huy khả năng. Tuy nhiên, cũng đừng biến những đứa trẻ thành sản phẩm chủ quan của người lớn, bóp méo sự phát triển của bé.
Khôi ngô nhanh nhẹn và bạo dạn đó là cảm nhận ban đầu của chúng tôi về bé Lê Hoàng Việt. Sinh ngày 17/2/2004, mới hơn 3 tuổi nhưng bé đã sớm bộc lộ những tư chất "thần đồng". Với khả năng đọc sách báo rõ ràng rành mạch, đếm các con số đến hàng trăm và tự nhiên trong giao tiếp khiến những ai gặp bé đều phải ngỡ ngàng.
Khi chúng tôi đến nhà Việt ở 16/178/5 phố Tây Sơn (Đống Đa - Hà Nội), bé đang đọc truyện tranh cho mẹ nghe. Thấy có khách, bé nhanh nhảu chạy ra chào và mời chúng tôi vào nhà, vừa kịp ngồi xuống ghế Việt đã lại gần hỏi tên tuổi và địa chỉ.
Đưa cho bé tấm giấy giới thiệu, bé liền hỏi: "Thế cô chú là nhà báo à?" và đọc rành mạch rõ ràng từng câu. Thấy cháu rất tự nhiên và hoà đồng, cô đồng nghiệp đi cùng tôi hỏi cháu: "Thế Việt có nhớ bạn Tiến Dũng và bạn Nhật Anh không?". Việt liền khoe: "Cháu, bạn Dũng và bạn Anh được tặng mỗi người mười triệu đồng". Đó chính là số tiền mà CLB thần đồng Milmax trao tặng cho các "thần đồng" khi gia nhập.
Chị Nga, mẹ của bé Việt cho chúng tôi biết, trong 3 bé thì Việt ít tuổi nhất. Ngày 25/6, sau khi các bé được Tiến sĩ Huỳnh Văn Sơn và Ban Chủ nhiệm CLB phỏng vấn đã công nhận các cháu là "thần đồng" về lĩnh vực ngôn ngữ.
Về phần Việt, từ nhỏ cháu đã có những biểu hiện khác thường. Chị Nga kể: "Lúc sinh ra cháu vẫn bình thường, không có dấu hiệu gì đặc biệt, nhưng mãi mà cháu chẳng chịu học lật, học ngồi gì cả. Đến hơn một tuổi, gọi tên cháu nhưng cháu không có phản ứng gì cứ lặng thinh.
Tôi thử cháu bằng cách cầm các đồ chơi có màu sắc sặc sỡ, phát ra tiếng kêu leng keng đưa đi đưa lại nhưng cháu vẫn cứ như không nhìn, không nghe thấy. Tình trạng này kéo dài khá lâu, khiến ai trong nhà đều lo, cứ nghĩ hay là cháu nó bị câm, bị điếc cũng nên. Tôi bàn với chồng đưa cháu đi khám, nhưng anh bảo cứ theo dõi thêm một thời gian nữa".
Chẳng bao lâu sau, bé Việt từ tư thế nằm nhanh chóng chuyển sang ngồi và đi, chỉ mấy ngày sau là cháu đã đi rất cứng. Đến 20 tháng tuổi thì cháu vừa biết đọc, đếm và ghép các chữ số đến 100. Người phát hiện ra khả năng đặc biệt của Việt là bà nội cháu, khi xem các chương trình quảng cáo trên tivi cháu đọc các dòng chữ có trên màn hình một cách rõ ràng.
Khi chúng tôi chụp ảnh Việt, vừa lôi máy ảnh trong túi ra Việt đã reo lên: "A... a máy hãng Sony, một hãng điện tử nổi tiếng". Còn khi hai mẹ con Việt tiễn chúng tôi ra cổng, tôi vừa cầm lấy xe máy Việt lại nói: "Một chiếc Dream Honda chính hiệu mang biển số 32-422K8" và dặn: "Hôm sau cô chú quay lại chơi với cháu nhé".
Với vóc người lớn hơn các bạn cùng tuổi nhưng Dũng tỏ ra khá nhút nhát. Khi tiếp xúc với chúng tôi, Dũng chỉ ôm lấy bà rồi khóc. Sinh ngày 2/3/2003, không giống như các "thần đồng" khác, Dũng lọt lòng mẹ khi vừa tròn 7 tháng. Sinh thiếu tháng, lại gầy yếu nên Dũng được cả nhà hết mực quan tâm.
Với sự chăm sóc khoa học, Dũng không những chóng lớn mà có phần nhỉnh hơn các bạn cùng tuổi, thấy vậy ai cũng mừng. Nhưng vui chưa được bao lâu, Dũng lại làm cả nhà sốt vó vì lo lắng. Sắp đến sinh nhật lần thứ hai mà Dũng chưa nói một tiếng. Chị Hoa, mẹ cháu đưa con đến Bệnh viện Nhi TƯ khám toàn bộ và các bác sĩ kết luận: "Cháu phát triển hoàn toàn bình thường, chỉ chậm nói mà thôi".
Cả gia đình mong chờ, hy vọng, một ngày nọ bà ngoại Dũng đang loay hoay trong bếp thì nghe thấy tiếng trẻ con ở trên nhà. Ban đầu, bà cứ ngỡ là tiếng trẻ con hàng xóm nên không mấy để tâm. Nhưng lâu lâu lại nghe thấy giọng tương tự bà vội chạy ra. Khi được nhìn tận mắt, nghe tận tai tiếng "b...à" từ miệng Dũng, bà mừng rơi nước mắt. Bà ôm chầm lấy Dũng và tức tốc gọi điện cho bố mẹ Dũng.
Nhưng sự bất ngờ mà Dũng tạo ra chưa dừng lại đó. Một ngày như mọi ngày, bà ngoại cõng Dũng đi chơi trong khu tập thể. Vừa lúc đó, Dũng chỉ tay lên số nhà đối diện và đọc rõ ràng từng chữ. Bà kể: "Tôi nghe mà chột dạ chú ạ! Không tin vào tai mình nữa. Nếu như lần trước phát hiện nó biết nói tôi mừng như vớ được của nhưng lần này tâm trạng tôi lạ lắm. Tôi đem chuyện kể với mọi người trong gia đình, nhưng không ai tin. Khi đưa cho cháu quyển sách, chỉ đến đâu cháu đọc đến đó, nhưng ngọng khó nghe lắm. Sau này, cháu đọc ngày càng rõ hơn".
Khi tin Dũng mới hơn hai tuổi mà đã biết đọc, hàng xóm ai nấy đều không tin. Ông nội cháu kể: "Nghe chuyện chẳng ai tin cả, để thử cháu các anh chị học cấp một, cấp hai đem sách đến đố cháu, cháu không những đọc rõ mà còn hơn cả anh chị học lớp 1. Có bác ở nhà bên cứ khăng khăng cho là tin nhảm, bèn cầm tờ báo sang chỉ đến đâu cháu đọc đến đấy mới ngửa người ra khâm phục".
Một ngày đầu tháng 6, chị Hoa nhận được điện thoại từ Ban Chủ nhiệm CLB Thần đồng Milmax liên hệ muốn được gặp và trực tiếp kiểm chứng thông tin. Sau buổi tiếp xúc với cháu mà trực tiếp là TS Huỳnh Văn Sơn, cháu đã được kết nạp vào CLB vào ngày 25/6/2007.
Để kiểm định, chúng tôi đưa cho Dũng mấy tờ báo. Chỉ đến đâu cháu đọc rõ ràng đến đó, kể cả chữ số La Mã, duy chỉ có chữ nước ngoài là cháu không đọc được. Tâm sự với chúng tôi, chị Hoa bộc bạch: "Gia đình tôi cũng mong sau khi gia nhập CLB, cháu sẽ có sân chơi bổ ích để phát triển những khả năng đặc biệt. Hiện tại, chúng tôi cũng chưa có định hướng gì cho cháu cả, bởi vì đây là trường hợp chưa có trong tiền lệ, nên hoàn toàn không có kinh nghiệm".
(Bài viết của Công Tâm - Đinh Lựu
- Trích báo Gia đình & Xã hội, Số 105, ra ngày 13-7-2007)