Chán đời! Hoang mang trước khó khăn, thử thách của cuộc sống! Im lặng, nín nhịn hay bùng phát thành bạo hành... Các nhà tâm lý gọi đó là tâm bệnh. Ngày nay, khoa học tâm lý trị liệu có thể giúp bạn tháo gỡ tâm bệnh.
Với sự phát triển của ngành khoa học tâm lý trị liệu, người ta không cần đè nén nỗi lòng những ấm ức dễ gặp phải trong cuộc sống đời thường, bởi đã có những nhà chuyên môn. Ngành học chuyên môn để trị tâm bệnh được gọi là "Tâm lý trị liệu". Chỉ có điều, "Tâm lý trị liệu" chỉ mới manh nha phát triển ở Việt Nam.
· Tâm lý trị liệu... trị tâm bệnh
Bề ngoài, X, 16 tuổi là một nữ sinh thuộc dạng "con ngoan, trò giỏi". Em sống trong một đại gia đình gồm có bà, ba mẹ, cậu, dì, em trai và cô em họ. Trong cả dòng họ, X. là người duy nhất học đến phổ thông trung học và học giỏi. X. chỉ sống với gia đình và được mọi người yêu thương. Ngoài ra, em ít có bạn bè và những mối quan hệ giao tiếp khác ngoài xã hội.
Tưởng không có gì để nói, nhưng rồi mọi chuyện lại đâm ra rắc rối... Bỗng nhiên, ở X. xuất hiện những triệu chứng như buồn bã, chán nản, biếng ăn. Những triệu chứng này dần dà hóa ra nặng hơn đến độ X. không thể học thuộc bài. Mỗi khi học, X. lại bị nhức đầu, buồn nôn... Thấy vậy, gia đình bèn đưa X đến phòng khám tâm thần rồi phòng Tâm lý IFC (Individual & Family Counseling).
Tại IFC, X. được tham vấn và trị liệu tâm lý 1 lần/tuần. Tại đây, các chuyên viên tham vấn đã sử dụng những kỹ năng chuyên môn cùng với sự hướng dẫn của Zinman-Schwarts, nhà tâm lý học người Mỹ (hiện đang giúp IFC đào tạo các chuyên viên tâm lý) để chẩn đoán và đi đến nhận dạng những vấn đề mà X gặp phải.
Từng bước một, thông qua giao tiếp tin cậy với người tham vấn, X đã dần dần bộc lộ được ra, do được xem là "con ngoan, trò giỏi" nên X thường được lấy ra "làm gương" cho cô em họ mỗi khi cô em họ bị la mắng, X lại mặc cảm cho rằng mình có lỗi. Mặt khác, do được mẹ và gia đình quan tâm, chăm sóc quá mức nên đâm ra có tác động ngược: X luôn cảm thấy có trách nhiệm với mọi người trong gia đình và tự ràng buộc mình phải làm hài lòng mọi người quá mức.
Đi đôi với sự dằn vặt này, X lại tự mâu thuẫn khi không muốn trở thành người lớn do sợ thành người lớn thì sẽ không còn ai yêu thương mình như hiện tại nữa...
Khi không thể tâm sự với ai về những vấn đề gặp phải, những giằng xé về nội tâm của cô gái này dữ dội đến nỗi cô đâm ra phát bệnh...
· Trị liệu tâm lý: một phương pháp mới trị tâm bệnh
Trường hợp như X. gặp phải, không phải là hiếm... Một cô gái khác đã 26 tuổi đến IFC tư vấn do cảm thấy căng thẳng với đồng nghiệp nơi cô làm việc.
Thế nhưng, qua nhiều buổi trị liệu tâm lý, cô gái này đã bộc lộ được những ấm ức sâu kín trong đời sống của mình (bị lạm dụng tình dục từ nhỏ), để rồi sau trị liệu, cô đã can đảm và tự tin với những rắc rối xung quanh hoàn cảnh của mình.
Điều may mắn là X, hay cô gái nọ đã tìm được đúng "thuốc"... Đó là "trị liệu tâm lý" do chuyên viên tâm lý với những kỹ năng chuyên môn thuần thục tiến hành.
Nhưng vấn đề quan trọng là làm thế nào để X có thể bộc lộ ra được những cảm xúc. Theo cô Huỳnh Thị Hoài Như, phòng tham vấn tâm lý IFC, đó là một vấn đề rất khó khăn đòi hỏi những kỹ năng chuyên môn cần thiết của nhà tâm lý.
Để vực dạy tâm lý hụt hẫng nơi người mắc bệnh (hay "thân chủ", theo cách gọi của ngành "tâm lý trị liệu"), người ta ấn định nghiêm ngặt thời gian làm việc với thân chủ vào mỗi buổi tư vấn. Ví dụ, sau khi thỏa thuận với thân chủ, mỗi buổi tham vấn là 30 phút thì thân chủ không được đến trễ. Nếu đến trễ, thời gian thân chủ đến trễ sẽ bị trừ vào thời gian làm việc. Điều này làm cho thân chủ phải có trách nhiệm trong suốt quá trình trị liệu. Đồng thời, qua đó, tạo cho họ thói quen trong cuộc sống của mình chớ không được duy trì tâm lý buông xuôi, chán nản.
Điểm khác biệt trong việc thực hiện trị liệu tâm lý ở IFC so với nhiều nơi làm chức năng hiện nay là nhà tham vấn không làm giúp và cũng không giải quyết giùm thân chủ các vấn đề của họ. Nhà tham vấn chỉ giúp "gợi mở" cùng với thông qua các liệu pháp tâm lý để giúp họ tự giải quyết các vấn đề của họ.
(Ngô Minh Uy
Trích từ Webside http://www.tamlyhoc.net/
Ngày 05/3/2006)