Mấy năm gần đây, chúng ta bỏ tiền của ra để sắm trang bị máy tính và các thiết bị giảng dạy hiện đại, thay đổi nội dung sách giáo khoa nhưng chất lượng giáo dục đào tạo vẫn hạn chế, bởi điều có tính quyết định và có tầm quan trọng nhất là người thầy lại chưa đổi mới mạnh mẽ về phương pháp dạy học. Nhiều thầy, cô giáo ở các bậc phổ thông và cả hệ đại học đến tận bây giờ còn áp dụng phương pháp giảng dạy cũ, đó là thầy nói (hay thậm chí đọc) để học trò ghi chép và về nhà học thuộc lòng. Khi kiểm tra chỉ cần nêu đủ những điều thầy đã giảng là đạt yêu cầu nếu diễn đạt tốt và thêm chút sáng tạo là đạt điểm khá, giỏi.
Nếu như cứ áp dụng phương pháp giảng dạy “Lấy người học làm trung tâm” (Learner-centered) có lẽ các thầy, cô sẽ không phải tốn nhiều hơi sức do phải “độc thoại” cả tiết học. Dạy Văn phải là dạy các em cách cảm thụ văn học một cách chủ động, sáng tạo chứ không phải là cảm thụ qua lời giảng (dù nghe rất hay) của người thầy được ghi chép lại và ghi nhớ thụ động qua học thuộc lòng ở nhà. Học sinh rất cần được thầy cô trang bị và hướng dẫn cho phương pháp phân tích, bình giảng một bài văn, bài thơ như thế nào và các em cần được tự mình cảm thụ một bài văn, bài thơ theo cách của mình. Sẽ tốt hơn nhiều nếu các thầy cô dạy trước cho các em phương pháp phân tích, bình giảng một bài thơ là như thế nào. Trước khi học bài thơ nào đó trong sách giáo khoa (SGK), giáo viên yêu cầu các em ở nhà tự phân tích bình giảng theo cách của mình. Đến giờ học, giáo viên cho các em thảo luận, tranh luận theo nhóm sau đó thầy cho các nhóm lên trình bày và tranh luận trước lớp. Việc tranh luận đó sẽ giúp các em hiểu sâu hơn và nhớ nhanh hơn vì các em được tiếp thu kiến thức một cách chủ động, thoải mái. Thầy cô giáo chỉ đóng vai trò là người gợi mở, bổ sung những điều các em chưa biết, chưa rõ và chưa hiểu đúng mà thôi. Các em chắc chắn sẽ hiểu bài nhanh và sâu hơn và sẽ hình thành thói quen suy nghĩ một cách chủ động, độc lập sáng tạo và biết chia sẻ những suy nghĩ của mình với người khác. Nhiều em sẽ có thể thuộc bài ngay trong giờ học vì các em đã tự phân tích và nghiên cứu bài thơ hay bài văn đó rất kỹ trước khi tới lớp.Việc thay đổi phương pháp giảng dạy là một việc khó hơn chúng ta tưởng vì gặp phải rất nhiều “lực cản”. Bao nhiêu thế hệ giáo viên vẫn theo cách thuộc lòng giáo án khi lên lớp, và cách dạy đó đã ăn sâu vào tâm thức của thầy làm sao một sớm một chiều thay đổi được. Nhiều giáo viên trẻ muốn áp dụng phương pháp giảng dạy cũng vấp phải những “lực cản” không chỉ từ đồng nghiệp mà còn chính từ học sinh lâu nay đã quen với lối học thụ động. Đa số đồng nghiệp lớn tuổi của họ không chấp nhận kiểu dạy “ồn ào, mất trật tự”. Họ lại là người lãnh đạo chuyên môn, cũng là người dự giờ và bỏ phiếu đánh giá giờ giảng. Liệu họ có chấp nhận những gì khác với họ đã làm lâu nay không?Thay đổi phương pháp giảng dạy của người thầy còn kéo theo nhiều sự thay đổi khác. Thứ nhất, là chương trình đào tạo và hệ thống SGK cần phải được viết lại. Chúng ta cần phải đưa vào SGK phần lý thuyết và phương pháp phân tích thơ văn và cần phải có những bài tập dành cho học sinh tự học ở nhà và hoạt động nhóm trên lớp trong giờ văn. Để khuyến khích học sinh tự tìm hiểu sâu về một tác phẩm hay một giai đoạn của văn học sử, thầy cô nên giới thiệu danh mục sách tham khảo liên quan và khuyến khích học sinh viết những bài nghiên cứu nhỏ theo một chủ đề tự chọn hay do thầy cô gợi ý. Thứ hai, là cần phải thay đổi quan niệm và tiêu chí đánh giá bài giảng của thầy giáo. Một giờ giảng văn thường được đánh giá cao là thầy cô đó giảng hay, truyền cảm, truyền đạt được tất cả nội dung kiến thức theo quy định trong SGK, học sinh sôi nổi phát biểu xây dựng bài, thầy cô đánh giá mức độ hiểu bài qua một số em phát biểu hay thậm chí hỏi cả lớp “Các em đã hiểu bài chưa?”. Đánh giá giờ giảng như vậy chủ yếu là đánh giá người thầy. Theo phương pháp “Lấy người học làm trung tâm” thì việc đánh giá giờ dạy sẽ dựa trên sự tự nghiên cứu, tìm hiểu của học trò ở nhà thể hiện qua việc trình bày và tranh luận với bạn và cả với thầy trên lớp. Các em sẽ tranh luận cho đến khi hiểu kỹ một vấn đề. Vai trò của thầy cô với tư cách chỉ là người tổ chức và trợ giúp học sinh tiếp thu bài trên lớp. Thứ ba, là cần thay đổi cách thức kiểm tra đánh giá kiến thức của học sinh. Ở cấp độ quốc gia chúng ta cũng cần phải thay đổi việc ra đề thi tốt nghiệp và thi đại học môn Văn. Không nên quy định nhất thiết đề thi chỉ yêu cầu phân tích một bài thơ hay bài văn trong chương trình trong SGK. Tại sao chúng ta lại không chọn một bài thơ hay văn hoàn toàn mới lạ để kiểm tra khả năng tự phân tích, bình giảng và cảm thụ thật sự của chính các em? Tất cả các bài thơ, bài văn trong SGK các em đã được các thầy cô dạy văn phân tích quá kỹ rồi và nhiều em đã học thuộc lòng bài giảng của các thầy cô rồi bây giờ chỉ cần nhớ ra và viết lại. Còn gì để các em sáng tạo nữa thì làm sao chúng ta đánh giá được khả năng cảm thụ văn học thực sự của học sinh. Vô hình trung việc giảng dạy và đánh giá kiến thức chỉ qua học thuộc lòng như vậy chỉ khuyến khích học sinh học vẹt mà thôi. Em nào không thể thuộc lòng được sẽ tìm mọi cách mang “phao” vào phòng thi.Phương pháp giảng dạy trên chắc chắn đã tạo nên thói quen thụ động, trông chờ và sức ỳ của học sinh trong tiếp thu kiến thức và sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến tính năng động, sáng tạo trong cuộc sống sau này của các em. Một điều dễ thấy, là những học sinh từng du học nước ngoài thường năng động, sáng tạo hơn so với các bạn cùng lứa tuổi học trong nước do các em đã được rèn giũa tính chủ động, sáng tạo khi học tập vì các nước này đều áp dụng phương pháp giảng dạy “Lấy người học làm trung tâm”. Đây cũng là một trong những khó khăn mà các du học sinh nước ta phải vượt qua. Đó là từ bỏ thói quen thụ động, trông chờ tiếp thu kiến thức từ thầy giáo và hình thành thói quen tự học, tự nghiên cứu một cách chủ động, sáng tạo trong quá trình học tập. (Trần Mạnh TrungTrích báo An ninh thế giới, Số 698, ra ngày 17-10-2007)
|