NT Foundation - "Lê Quý Đôn thời nay" và những chuyện vui về học tiếng Pháp
 
 
Lượt truy cập: 12538163
 
 
"Lê Quý Đôn thời nay" và những chuyện vui về học tiếng Pháp
 

Nguyễn Quang Thân

Nguyễn Khắc Viện là một trong những người Việt Nam cận đại giỏi tiếng Pháp, là dịch giả của một trong những bản dịch Truyện Kiều sang tiếng Pháp hay nhất, người đã nhận giải thưởng lớn của Viện Hàn lâm Pháp và ông cũng là tác giả nhiều bộ sách giới thiệu văn hóa, văn học và lịch sử Việt Nam bằng tiếng Pháp. Những người thuộc thế hệ ông nay đã quá hiếm hoi và quả thực cuộc đời ông gắn bó với tiếng Pháp một cách khá đặc biệt đã giúp ông giỏi thứ tiếng nước ngoài rất khó nhưng khá quen thuộc với người Việt Nam. Cũng xin nói thêm, tuy tuổi cao nhưng đọc nhiều, viết sách viết báo nhiều, ông vẫn cập nhật được thứ tiếng Pháp hiện đại. Có một lần, khi dịch một bài báo về tâm lý, tôi gặp một vài từ chưa biết, tra các loại từ điển, kể cả Bách Khoa Larousse (tôi chỉ có một quyển của năm 1968) vẫn không thấy có, tôi gọi điện hỏi ông. Ông đã giải thích cho tôi rành mạch, rõ ràng, lại rất hợp với văn cảnh của bài báo tôi đang dịch. Rồi ông còn dặn thêm: "Này, bao giờ gặp chữ nào lạ trong từ điển không có thì hỏi mình, đừng có dịch bừa mà sai to đấy!"

Nhiều lần vui chuyện, ông kể cho tôi nghe quá trình học tiếng Pháp của ông. Ông cụ ông là một Hoàng Giáp nho học nhưng nhận thức được thời thế, ông không cho con trai học chữ nho ngay từ đầu mà bắt học chữ quốc ngữ và tiếng Pháp ngay. Ông kể: "Chúng mình học tiếng Pháp rất kỹ vì tiếng Pháp hồi đó là chìa khóa mở các con đường, không có tiếng Pháp thì không vươn lên nổi. Thế hệ chúng mình hồi đó phải cố kiếm cho được cái bằng ri-me (primaire, tiểu học). Học 6 năm, muốn vượt qua ri-me phải qua một bài chính tả rất dài mà không được phạm quá 5 lỗi. Tất cả cố gắng của gia đình, của trẻ con hồi đó là để có bằng ri-me, để được coi là người "có học", không bị xem là dân đen, về làng không phải đi phu đắp đường, đắp đê, có cơ hội có thể xin được một chân thầy ký. Thế đấy, dưới thời nô lệ ấy, thảm hại thay, có bằng ri-me đã được coi là trí thức".

Sinh ra ở Hà Tĩnh, học ở Vinh, ở Huế, thực chất là cảnh nông thôn hơn thành thị, Nguyễn Khắc Viện cũng như lớp học trò thời đó phải đánh vật với môn chính tả phức tạp của thứ tiếng này. Bởi vì, ngay cả những người Pháp có bằng tú tài hay học lên đại học vẫn cứ viết sai chính tả như thường. Ông kể: "Sau này, khi làm việc ở NXB Ngoại văn, tôi có mời một vài người Pháp, trong đó có cả nhà văn sang làm việc. Họ sang chữa văn cho chúng tôi nhưng nhiều khi chính chúng tôi lại chữa lỗi chính tả cho họ. Thế mới biết thi ri-me mà không phạm 5 lỗi trong một bài chính tả dài là khó đến chừng nào! Chính vì thế có người thi mãi đến năm 20 tuổi mới đỗ tiểu học. Vì chính tả tiếng Pháp khi viết có số ít, số nhiều viết khác nhau, khi thì thêm chữ s, khi thêm chữ x. Vì thế, mỗi lần viết sai là ông thầy lại lấy cái thước kẻ đánh vào mấy ngón tay cho nhớ, chưa chắc phương pháp nghe nhìn đã tốt bằng!"

Chắc chúng ta đều biết tiếng Pháp còn một cái khó nữa là giống đực, giống cái. Đàn ông thuộc giống đực, đàn bà giống cái thì dễ hiểu. Nhưng tại sao cái nhà lại giống cái mà cái vườn lại là giống đực? Trẻ con Pháp nói chuyện hàng ngày tuy đã quen nhưng vẫn sai. Ông có kể cho tôi nghe một câu chuyện vui về cái thắc mắc chuyện giống đực, giống cái này: "Năm 1992, lúc mình đã gần 80 tuổi, nhân ở Hà Nội có một bà Bộ trưởng Pháp phụ trách Francophone sang, sứ quán Pháp có cho người đến khẩn khoản nói: "Lần này thì phải mời ông gặp bà ấy cho được vì bà ấy phụ trách việc phát triển tiếng Pháp nên cũng rất muốn gặp ông". Tôi hỏi đùa anh bạn Pháp ở sứ quán: "Thế bà Bộ trưởng có xinh không?". Anh kia trả lời: "Cũng khá, từng là diễn viên". Tôi nói: "Thế thì tôi sẽ đến. Hôm ấy có mấy chục anh em trí thức Pháp và Việt được mời, có cả ông đại sứ nữa. Bà Bộ trưởng mời tôi phát biểu về vấn đề học tiếng Pháp. Tôi nói nghiêm túc đâu vào đó. Cuối cùng, nói: "Nếu bà Bộ trưởng và các madame có mặt ở đây cho phép, tôi xin được giải đáp một thắc mắc về tiếng Pháp mà 70 năm nay không biết hỏi ai". Bà Bộ trưởng nói: "Xin ông cứ tự nhiên!". "Tôi nói là tiếng Pháp rất khó để nhớ giống đực, giống cái. Ngay từ thời lên bảy, lên tám, khi học tiếng Pháp chúng tôi đã thắc mắc tại sao cái bộ phận của đàn ông mà chúng tôi thường tự hào lại mang giống cái, còn của phụ nữ lại có giống đực? Hồi đó chúng tôi không dám hỏi thầy vì nếu hỏi sẽ bị đuổi học ngay. Tôi ôm cái thắc mắc ấy 70 năm nay, đã 80 tuổi rồi, ở Pháp cũng như ở đây không ai trả lời cho cả. Nhân dịp được gặp Bộ trưởng phụ trách vấn đề tiếng Pháp, tôi xin được giải đáp..." Thế là cả phòng cười ồ lên vui vẻ và tôi chắc bà Bộ trưởng hiểu được ngay là thứ tiếng bà có trách nhiệm quảng bá trong cộng đồng Pháp ngữ là không dễ dàng gì để học.

Ông nhớ lại: "Vào những năm 1926-1927, chúng tôi phải học tiếng Pháp cả tuần, chỉ có 2 giờ học tiếng Việt, các môn học đều học bằng tiếng Pháp hết. Sách vở thì in từ bên Pháp mang sang, học y như con Tây, ngay con chó vẽ trong tranh cũng là chó Tây (tôi nhớ nó không là Mực hay Vàng mà có tên là Mênô). Môn Lịch sử, nghe mà buồn cười, không những người Việt Nam ở Đông Dương mà cả ở Châu Phi thời đó đều học sách lịch sử của Pháp do một nhà sử học nổi tiếng biên soạn cho học sinh tiểu học. Câu mở đầu: "Tổ tiên chúng ta là người Gôloa, là giống cao, to, tóc vàng". Một em bé châu Phi da đen mà đọc tổ tiên chúng ta là người có tóc vàng thì thật kỳ lạ và buồn cười. Đó là dẫn chứng mà các nước trước đây là thuộc địa Pháp thường viện dẫn để chứng minh chính sách đồng hóa của Pháp, muốn biến những người có học ở các nước thuộc địa thành dân Pháp để dễ cai trị. Tuy thế, qua học tiếng Pháp chúng tôi đã được đọc một số sách văn học đầy ấn tượng. Như cuốn Không gia đình chẳng hạn. Sau này sang Pháp, trong một kỳ nghỉ hè, tôi đã xách xe đạp đi một vòng theo con đường mà hai đứa bé trong cuốn tiểu thuyết này đã đi. Đọc sách truyện tiếng Pháp là một say mê của tôi từ hồi còn nhỏ. Từ Sách Hồng đến những bộ tiểu thuyết lớn như Ba người ngự lâm pháo thủ, Những người khốn khổ v.v... Sự say mê này làm cho tiếng Pháp của tôi được tôi luyện thêm, cứ đọc nhiều, đọc mãi thành quen".

Ông nhắc rất nhiều đến những thầy dạy ông từ thuở ấu thơ và ở trường Bưởi. Ông kể: "Thầy Trần Đình Đàn là người dạy Pháp văn rất giỏi, rất có cảm hứng và đặc biệt là thầy làm cho chúng tôi say mê cách mạng Pháp. Trong khi dạy về cách mạng Pháp và những bài văn của các lãnh tụ cuộc cách mạng ấy, thực chất thầy Đàn muốn dạy lòng yêu nước cho chúng tôi. Vì thế mà chúng tôi nhớ mãi, có ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động yêu nước của tôi sau này".

Ông kể cho tôi nghe lần thi bác sĩ ngoại trú ở Paris, ông được chỉ định trình bày lại một bệnh án. Giáo sư phản biện bắt tay ông thật chặt, khen: "Không ngờ, anh không phải người Pháp mà anh nói và trình bày bài thi bằng tiếng Pháp lưu loát thế này, thật tuyệt!". Người Pháp đã khen là họ khen thật lòng và không tiếc lời. Chính sau buổi trình bày bài thi ấy, cô Monique, một cô gái Pháp xinh như mộng, cùng học bác sĩ với ông đã ngồi nghe từ đầu đến cuối. Hôm sau, cô ấy chạy đến ông làm quen. Hai người dần dần thân nhau và chính trình độ tiếng Pháp điêu luyện đã làm ông sáng giá hơn trước cô gái Pháp trẻ trung, con gái một ông bác sĩ nổi tiếng. Đó là mối tình đầu, chân thành nhưng cũng rất thơ mộng của ông. Hai người chia tay nhau năm 1947 vì hoàn cảnh quá khác nhau, vì bức tường vô hình Âu Á và cả tín ngưỡng nữa.

Vậy mà, tôi chưa bao giờ thấy ông nói đệm tiếng Pháp trong câu chuyện bình thường. Ngồi nhìn ông nói tiếng Pháp với những người khách từ Paris đến, tôi rất ngạc nhiên khi thấy ông không hề uốn lưỡi cho "đúng giọng Paris" như tôi tưởng. Khách về, tôi hỏi ông: "Ít ra thì chú cũng đã ở Paris 36 năm, sao chú vẫn nói thứ tiếng Pháp pha cái giọng Nghệ Tĩnh, nghe quá ngộ!" Ông cười: "Ngay ở bên đó mình cũng nói thế. Có lẽ là do cái máu ghét Pháp thực dân nên nghĩ là mình không cần nói thật đúng". Rồi ông thêm: "Nói thế cho vui, chứ hồi hoạt động ở Pháp, mình thỉnh thoảng phải tiếp xúc với mấy anh lính lê dương châu Phi từ Đông Dương về, họ chỉ nói tiếng Tây bồi, muốn cho họ hiểu, mình cũng phải nói tiếng Tây bồi". Ông kể: "Có lần, trong một quán cà phê, ngồi tuyên truyền chính nghĩa kháng chiến cho mấy anh lê dương nói tiếng bồi, có một người Pháp ngồi bàn bên cạnh lắng nghe. Anh em ra về, ông ta giữ mình lại hỏi: "Tao là người chống chiến tranh Đông Dương, nghe mày nói hay lắm, tư tưởng mày sâu như trí thức, tiếc rằng mày không được đi học. Mày có muốn tao giúp mày học thêm tiếng Pháp không?" Mình trả lời ông ta: "Xin cảm ơn, tôi đang là bác sĩ nội trú trong một bệnh viện Paris. Ông ấy xin lỗi nhưng vẫn ngơ ngác không hiểu sao một bác sĩ nội trú mà lại nói tiếng Pháp bồi, thứ tiếng của phu phen lính tráng nước ngoài mới nhập cư!"

Tôi nhớ mãi câu dặn dò của ông: "Ngoại ngữ nào cũng cần, nhưng vì hậu quả lịch sử, tiếng Pháp có một vị trí đặc biệt đối với người Việt chúng ta. Chúng ta học ngoại ngữ là để có thêm chìa khóa mở rộng kiến thức và hòa nhập quốc tế. Nhưng càng giỏi ngoại ngữ thì càng phải yêu và giỏi tiếng mẹ đẻ, đó mới là điều khó".

Tôi nghĩ ông đã làm được điều đó trong cuộc đời hoạt động chính trị, văn hóa của mình. Ông là "Lê Quý Đôn thời nay", như nhà báo Hoàng Tùng đã có lần đánh giá về ông. Ông là một ông đồ Tây nhưng vẫn rất đậm đà chất đồ Nghệ.

(Trích báo Tiền phong, Trang 12-Số Xuân Tân Tỵ 2001)

 
E-mail  Gửi email cho bạn bè
In trang này In trang này
  Lên đầu trang
Các bài khác...
  • Giới thiệu về trung tâm
  • Tiểu sử Bác sỹ Nguyễn Khắc Viện
  • Chuyên môn
  • Đôi nét về Bác sỹ Nguyễn Khắc Viện
  • Những chuyện chưa kể về Nguyễn Khắc Viện
  • "Một đôi lời" cuối cùng của bác sĩ Nguyễn Khắc Viện
  • Bác sĩ Nguyễn Khắc Viện, một tài năng lớn
  • Nguyễn Khắc Viện - Nhà bác học lỗi lạc, một con người giàu nghị lực
  • NGUYỄN KHẮC VIỆN LÀM THƠ XUÂN CHỮ HÁN
  • NGUYỄN KHẮC VIỆN LÀM THƠ XUÂN CHỮ HÁN
  • SẼ ĐIỀU TRỊ CHO HÀNG TRIỆU THANH NIÊN NGHIỆN INTERNET
  • Psychologie clinique de l’enfant et
  • Psychologie clinique de l’enfant et
  • THƯ NGỎ
  •  
    Giới thiệu về trung tâm
    B/S Nguyễn Khắc Viện, Nhà sáng lập Trung tâm N-T
    Bà Nguyễn Thị Nhất, Nhà đồng sáng lập Trung tâm NT
     
    Bạn đọc viết
    Trò chuyện không định h...
    em muon hoi chi tiet hon ve cach the hien cac loai cau hoi t...
    29/11/08 10:24 More...
    By duong hanh

    Des troubles psychologiques, des méthodes de consultation et de traitement ...