1. Luôn luôn chú ý đến sự cân bằng giữa quan hệ giao tiếp "mẹ-con" với quan hệ "bố-con", không để xảy ra sự lấn át lẫn nhau giữa hai loại quan hệ này:
Đây là một khía cạnh quan trọng nhưng không phải ai cũng dễ dàng nhận thấy, nhất là trong những gia đình bình thường, không có xung đột trầm trọng gì. Vì nhiều khi, với những người trong cuộc, mức độ tương tác ít hay nhiều giữa các cá nhân trong gia đình thường bị quy cho là do thói quen tình cảm, do cách sống của mỗi người. Song dưới cặp mắt của các chuyên gia thì trong một gia đình mà con cái mỗi khi có gì cần hỏi người lớn thì không tìm hỏi bố mà chỉ tìm gặp mẹ để hỏi, hay mỗi khi có ai đó hỏi về con cái thì người trả lời bao giờ cũng chỉ là mẹ, thậm chí có những người bố khi được hỏi trực tiếp về những điều liên quan đến con cái mình thì như một phản ứng tự nhiên, anh ta chỉ tay hay đưa điện thoại cho vợ trả lời thay mình... thì đó là những dấu hiệu cho thấy trong cái bình lặng bề ngoài của gia đình đã chứa đựng những lệch lạc, ít nhất là phương diện giao tiếp làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống gia đình. Trong thực tế, có những phụ nữ thông minh nhưng lại không nhận ra loại lệch lạc này, thậm chí còn tự hào là mình đã thay thế được cả trí tuệ lẫn tình cảm của chồng để giúp con giải đáp mọi thắc mắc trong cuộc sống...
Trước tình huống này, những người phụ nữ nhạy cảm bao giờ cũng tìm cách đưa người chồng vào cuộc, bằng những câu dẫn dắt, đề nghị nhằm thúc đẩy mối quan hệ giao tiếp "bố-con". Cụ thể là sẽ có nhiều câu hỏi con đặt ra cho mẹ, mẹ sẽ không trả lời trực tiếp mà lại chuyển sang cho bố trả lời, với một đề nghị rất tôn trọng chồng, chẳng hạn như: "Về điều này con có thể hỏi bố thì tốt hơn, vì đấy là lĩnh vực mà bố con rất am hiểu"..., và tất nhiên là trong trường hợp đó thì người bố sẽ trả lời con một cách thích thú, phá tan được mặc cảm và thói quen ít nói của bố. Cũng tương tự như vậy khi có ai hỏi trực tiếp về con mình, những người phụ nữ nhạy cảm có thể không trả lời ngay mà cùng hội ý với chồng rồi mới trả lời, hoặc có những câu hỏi người vợ dành cho chồng trả lời với một đề nghị rất tôn trọng chồng, khiến người chồng cảm thấy được can dự thực sự vào những vấn đề của con cái, từ đó anh ta sẽ tự tin hơn và mất dần thói quen né tránh các mối quan hệ giao tiếp cần thiết. Đáng tiếc là có những người vợ sống với người chồng ít nói, ngại giao tiếp đã biết chú ý điều này trong các quan hệ "đối ngoại" để làm "đẹp mặt chồng", nhưng lại không chú ý duy trì thường xuyên cách ứng xử như vậy trong các mối quan hệ "đối nội" trong gia đình, mà ở đây "đối nội" là vấn đề đang từng ngày, từng giờ tác động đến đời sống tâm hồn con trẻ, do đó nó quan trọng hơn "đối ngoại" nhiều. Cách ứng xử như vậy có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với sự phát triển bình thường của con cái, bởi vì bằng cách đó, người mẹ sẽ giúp các con xây dựng được một hình ảnh đáng tự hào về người bố như là một người đàn ông đích thực, tránh những cảm nhận không hay về bố như là người "ăn theo", là người thiếu chính kiến, là người thờ ơ, vô trách nhiệm với cuộc sống gia đình, thậm chí là người bị mẹ chỉ huy, hoặc chỉ còn là người đáng thương hại trong ánh mắt của trẻ...
2. Luôn luôn dành cho chồng một vị trí xứng đáng trong suy nghĩ của mình:
Bài học kinh nghiệm này có từ ngàn xưa, khi người bố dù ở trong hoàn cảnh nào cũng chiếm giữ một ví trí quan trọng trong đầu của mẹ, khiến cho con cái mỗi khi soi vào mẹ là thấy được bóng dáng uy quyền và sức mạnh của bố. Và ở thời đó, con cái, nhất là con trai hầu như không bị khủng hoảng về thần tượng đàn ông như trong đời sống gia đình hiện đại ngày nay.
Nhiều người hay lo lắng về sự vắng mặt thực tế của người bố trong gia đình, nhưng thực ra sự thiếu vắng một hình ảnh đẹp về người bố trong đầu, trong tim người mẹ - với tư cách là người đàn ông của riêng mẹ - mới là sự thiếu vắng gây hậu quả lớn nhất đến sự phát triển nhân cách của con cái. Để khẳng định luận điểm này, các nhà tâm lý học thường dẫn ra trường hợp của những đứa trẻ có bố tham gia vào chiến tranh, anh dũng hy sinh vì Tổ quốc từ lúc con còn rất nhỏ, trong khi người mẹ ở vậy nuôi con một mình. Một điều kỳ diệu là các kết quả nghiên cứu về những gia đình loại này cho thấy hầu hết con cái của họ, đặc biệt là con trai vẫn trưởng thành, với đầy đủ những phẩm chất cao đẹp nhất của người đàn ông đích thực. Trường hợp của những người chồng có khuyết tật về cơ thể hay có vẻ ngoài rất yếu ớt vì ốm đau bệnh tật mà con cái vẫn trưởng thành thuận lợi cũng là một bằng chứng cho ảnh hưởng tốt đẹp của hình ảnh người cha trong đầu người mẹ, bởi thường là trong những gia đình như vậy, khi người mẹ quyết định chọn anh ta làm người đàn ông đích thực của mình, thì người mẹ đã thấy được sức mạnh thực sự của anh ta ẩn chứa đằng sau cái vẻ bề ngoài yếu ớt, tật nguyền đó, và người mẹ luôn luôn dành cho người đàn ông đó một vị trí xứng đáng trong suy nghĩ của mình. Nhờ vậy mà con cái sẽ gián tiếp cảm nhận thấy toàn bộ sức mạnh, vẻ đẹp của người bố qua ánh mắt, qua những rung động và qua ngôn ngữ giao tiếp hàng ngày của mẹ.
Một điều đáng tiếc là có những người bố tuy có dáng vẻ ngoài khỏe mạnh, cường tráng, tuy luôn luôn có sự hiện diện hàng ngày trong gia đình, song vì những lý do liên quan đến mâu thuẫn tính cách, đến xung đột vợ chồng mà bị người vợ dần dần gạt ra khỏi đầu, khiến anh ta đi đến chỗ cực đoan là khước từ vai trò thực tế của mình trong gia đình với tư cách là một người đàn ông, một người cha, một trụ cột không những về kinh tế mà cả về đời sống tinh thần cho con cái. Những người cha như vậy thường được gọi là những người cha vắng mặt giả tạo trong gia đình và họ thường gây ra những ảnh hưởng bất lợi đối với đời sống tâm trí của trẻ.
Để tránh những thiếu hụt cảm xúc cho con cái, khoa học hiện đại về gia đình và trẻ em khuyên người mẹ hãy tạo điều kiện cho người cha can dự ngày càng sớm hơn vào cuộc sống tinh thần của đứa trẻ. Chúng ta có thể đã nghe nói đến những ông bố âu yếm vuốt ve cái bụng mang bầu của mẹ như là đang trực tiếp vuốt ve đứa con trong bụng, đồng thời nói chuyện với cái thai trong bụng như nói với một người có đủ khả năng hiểu biết và cảm nhận, để rồi khi ra đời, đứa trẻ nhanh chóng nhận lại được giọng nói cùng những cử chỉ ân cần của người bố đã ghi khắc vào tâm trí của nó từ thuở chưa sinh...
Và khi đứa trẻ có được một tuyến quan hệ tiếp xúc trực tiếp với bố cân bằng với quan hệ trực tiếp với mẹ, đồng thời lại có thêm một tuyến quan hệ khác với bố, gián tiếp thông qua những cảm nhận, suy nghĩ, tình cảm tốt đẹp của mẹ dành cho bố thì chắc chắn nó sẽ có được một hình ảnh tốt đẹp về người bố. Điều này sẽ góp phần tạo ra một nền móng tình cảm vững chắc, nâng bước cho tâm hồn con trẻ.
3. Trường hợp người cha có những khiếm khuyết trầm trọng về nhân cách, cần giúp con tránh được những tổn thương nặng nề về hình ảnh người cha.
Đây là một bài học rất hay nhưng không phải ai cũng dễ dàng thực hiện, bởi vì với những người cha có khiếm khuyết trầm trọng thì người mẹ với tư cách là người vợ cũng khó tránh khỏi những tổn thương, đau khổ nặng nề do anh ta gây ra. Mà một khi tâm hồn dễ tổn thương của phái yếu bị xúc phạm nghiêm trọng, thì chúng ta cũng dễ thấy những phản ứng dữ dội, rất cực đoan của họ. Chúng ta đã gặp ở đâu đó những người vợ vì quá mất bình tĩnh, vì quá căm thù sự phản bội, hay những hành vi quá đáng của chồng mà đã có những ứng xử như: tìm cách ngăn không cho con có cơ hội tiếp xúc với bố nữa hay ra sức kéo con về phía mình, ra sức tìm mọi bằng chứng không thể chối cãi để chứng minh cho con thấy rằng thực chất bố của nó là người như thế nào... Những cách ứng xử sai lầm như vậy rất bất lợi cho sự phát triển bình thường của con cái, bởi lẽ đẩy con đến chỗ căm thù bố là một việc làm sai trái với những quy tắc đạo lý sơ đẳng của nhân loại. Thực ra, trong nhiều trường hợp điều này không dễ thực hiện, mà có chăng cách làm này chỉ đẩy đứa trẻ đến những rối nhiễu tâm lý trầm trọng hơn mà thôi, bởi tâm hồn non trẻ của nó cần có tình cha bên cạnh tình mẹ, cho dù đó là tình phụ tử với một người cha có nhiều lỗi lầm, đã từng gây biết bao đau khổ, oan khuất cho mẹ nó. Như một dòng chảy tình cảm tự nhiên, nhiều khi nó không muốn và không nỡ phán xét người cha lầm lỗi của nó, mà chỉ muốn thừa nhận tình cha như một chân lý giản đơn mà vĩnh hằng trong cuộc sống. Và thường thì những người cha lầm lỗi như vậy lại rất thương con, không thể sống được nếu thiếu sợi dây tình cảm với con. Trong trường hợp đó, sự lôi kéo con về phía mẹ, càng làm cho con đau khổ, bởi nó bị giằng xé ở giữa hai người rất mực thương yêu nó và nó cũng rất mực yêu thương, khiến nhiều khi nó bị mặc cảm tội lỗi dày vò, bởi nó cứ tự hỏi không hiểu có phải vì mình mà bố mẹ lục đục với nhau hay không?...
Chỉ có sự ý thức sâu sắc về quyền lợi của con trẻ - vì chúng không có lỗi mà trái lại chúng có thể sẽ trở thành nạn nhân của những bi kịch ghen tuông và thù hận của người lớn - chúng ta mới có đủ bình tĩnh, sáng suốt để tránh cho chúng những tổn thất lớn lao, trong khi tâm hồn non nớt của chúng chưa đủ sức để phán xét những vấn đề của người lớn. Thậm chí ngay cả khi bất chợt, đứa con đã sắp đến tuổi trưởng thành có ý nghĩ rằng bố nó không xứng đáng là bố nữa vì đã lừa dối, phản bội mẹ nó, thì một người mẹ thông minh vẫn có thể tránh cho con bị tổn thương về tâm hồn bằng những câu trả lời đúng mực, chứa chan lẽ công bằng và độ lượng.
Và biết đâu những cái đẹp được cất giữ từ "ngày xửa, ngày xưa" ấy lại có thể có giá trị cứu vãn hạnh phúc mong manh trong hiện tại, hoặc chí ít cũng cứu vãn cho con cái một hình ảnh người cha không đến nỗi bị suy sụp, mất giá hoàn toàn, khiến chúng không phải bỏ dở cuộc hành trình đi tìm một hình mẫu người đàn ông cho riêng mình để soi rọi, tham chiếu cho sự hoàn thiện nhân cách của mình.
(Tác giả: Nguyễn Minh Đức)
|