Đứng trước con em, mỗi người có một lối suy nghĩ, cư xử khác nhau. Và cũng thường thấy, cũng một người bố mẹ, hay giáo viên, mà thái độ lúc thì thế này, lúc lại khác. Ai cũng thấy mình có trách nhiệm, đồng thời có một quyền hành, có khi hầu như tuyệt đối, muốn làm thế nào chỉ tùy mình thôi.
Phần đến cùng, có thể có ba thái độ, ba lối cư xử khác nhau.
Thái độ thứ nhất, có thể gọi là gia trưởng, bố mẹ, người lớn, dùng khuôn phép mệnh lệnh cố gắng đúc nặn nên những con người đúng theo khuôn mẫu định trước. Người lớn, đặc biệt những người có trách nhiệm giáo dục xem con em như những khối đất có thể tùy ý muốn của người thợ điêu khắc nhào nặn nên hình này hình nọ.
Có thể nói đây là thái độ chung của những xã hội xưa, những xã hội này ít biến động, đời này qua đời khác vẫn một lối sống, kinh nghiệm cha ông truyền lại có giá trị cho cả những thế hệ sau, một cách tuyệt đối. Vì vậy lễ nghi, châm ngôn, sách vở đều được những thánh hiền ngày xưa truyền lại, nay chỉ cần dạy dỗ con em theo con đường đã vạch sẵn.
Trong một xã hội như vậy, bố mẹ và thầy giáo không cần suy nghĩ tìm tòi nhiều, và trong không khí chung, con em thường cũng dễ đi vào khuôn phép. Nhưng tài năng lại ít được phát huy, vì không ai dám suy nghĩ và làm theo những phương hướng mới.
Xã hội bắt đầu biến chuyển, sự biến chuyển ấy theo đà ba cuộc cách mạng, ngày càng nhanh, thì nhiều giá trị tinh thần đạo lý ngày xưa sinh ra lỗi thời. Nhiều bố mẹ và cả nhiều giáo viên hay cán bộ chỉ đạo ngành giáo dục cũng chưa tìm ra phương hướng mới, nên có chiều “thả nổi” chuyển sang “chủ nghĩa tự do”. Chủ nghĩa tự do này được một số lý luận gia Tây phương biến thành một triết lý giáo dục và chủ trương, người lớn hoàn toàn không can thiệp cứ để trẻ con sống và lớn lên theo bản năng, không bày ra một thứ quy tắc pháp luật nào cả.
Lẽ tự nhiên chúng ta không thể theo hướng cực đoan trên. Đứng trước con em, thái độ của chúng ta bao quát hai mặt: trách nhiệm và khoa học. Trong mỗi em bé, chúng ta tìm thấy người thợ giỏi, nhà khoa học hay nghệ sĩ, bậc hiền nhân ngày mai, thấy rõ cả một con người phải tôn trọng, cần để phát triển lên theo chiều hướng cần của bản thân nó, chứ không phải theo ý muốn chủ quan của mình, muốn áp đặt cho nó. Chính sự biến động của xã hội, công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, mở cho mỗi con em của chúng ta những triển vọng thành những con người có tài năng, sống hạnh phúc, chúng ta làm sao dìu dắt chúng để “thành người”.
Muốn trồng lúa, cần biết quy luật phát triển của cây lúa: khoa học nông nghiệp tiến lên thì nghề trồng lúa tiến lên. Nuôi dạy con em ngày nay không thể chỉ dựa vào kinh nghiệm, mỗi bố mẹ hay giáo viên cần nắm một số kiến thức tối thiểu mà nhiều ngành khoa học đã xác định được về sinh lý, tâm lý, xã hội học. Và xã hội cần tiến hành thúc đẩy sự nghiên cứu nhiều mặt về trẻ em, để xác minh những cơ sở khoa học cho việc nuôi dạy con em.
Đứng trước con em, trước hết cần có thái độ khoa học.
Gặp một sự việc gì, như thấy một em bé lười biếng, chưa vội vàng kết án, rồi quở mắng trừng phạt, nhưng tự hỏi: tại sao nó lười? Vì hôm ấy nó mệt mỏi, hay đang ủ ấp một bệnh gì. Hay vì chưa hiểu rõ một khâu nào đó trong bài học, làm cho toàn bài không còn ý nghĩa gì nữa. Hay vì trong tâm tư hôm đó có những mối tơ vò làm cho nó “tâm bất tại”? Như trong gia đình xảy ra bất hòa, căng thẳng. Hay thầy cô đã đối xử thế nào mà nó cho là bất công.
Sự suy nghĩ và tìm tòi về nguyên nhân một hiện tượng ta xem là thông thường nhiều khi không dễ: trong việc này những kiến thức có thể giúp ta gỡ mối, hoặc ít nhất cũng giúp ta không chủ quan, rồi võ đoán áp đặt buộc con em theo ý muốn của mình. Mà lúc một đứa trẻ cảm thấy thái độ của bố mẹ hay thầy cô thận trọng và vẫn yêu quý nó, mặc dù nó có lầm lỗi, thì tự nó cũng dỗ hối cải sửa chữa sai lầm hơn.
Muốn có một thái độ khoa học, trước hết cần thấy rõ:
- Mỗi đứa trẻ là một con người, cần được nhìn một cách tổng thể vì không có bất kỳ một hiện tượng gì, một đặc điểm nào có một ý nghĩa tuyệt đối. Trong một hoàn cảnh nào, trong một tổng thể nào thì một hiện tượng lại có một ý nghĩa riêng.
- Phải tìm hiểu kỹ về đứa trẻ, sự việc đã xảy ra ở thời điểm nào, sau những sự việc nào, và nằm trong đà tiến triển chung của bản thân nó và của xã hội chung quanh.
- Nhận rõ cá tính, nhân cách riêng của từng em; đến mặt mũi và chỉ riêng những lằn ở ngón tay, mỗi người đã thành những nét riêng, giữa hàng triệu người khác vẫn nhận ra, huống hồ về tính tình nhân cách, cho nên, đối xử với từng em một phải khác nhau. Khoa học vẽ ra một con người “trung bình” nhưng trong thực tế, không có con người ấy, mỗi người là một cá thể độc đáo; vận dụng những kiến thức khoa học một cách máy móc thì khó thành công.
(Tác giả: Nguyễn Khắc Viện - Trích Tìm hiểu trẻ em, tập II, Nhà Xuất bản Phụ nữ, 1985)