Khác với những động vật trưởng thành rất nhanh, trẻ em phải mất nhiều năm mới sống tự lập được. Càng bé càng phụ thuộc vào người lớn, đặc biệt bố mẹ để bảo đảm những nhu cầu thiết yếu cho cuộc sống. Bố mẹ cho bú, cho ăn, tắm rửa cho con, bồng bế, cầm tay dìu dắt, đuổi con chó, con mèo, con ong, đứt tay thì băng bó cho, đêm lại che chở cho ngủ yên lành. Đi đâu gặp người lạ, trẻ thường níu lấy áo mẹ hay bố. Em cảm thấy cuộc sống được an toàn. Cảm giác an toàn ấy rất quan trọng, để trẻ em tự tin mà bước vào đời, đi thăm dò thử nghiệm các sự vật chung quanh mình. Sức sống lên mạnh thôi thúc trẻ em tìm tòi, sờ mó, trao đổi, chơi đùa, có vậy, trí tuệ, tay chân, quan hệ xã hội mới phát triển. Nhưng mỗi bước đường cũng có thể gặp nguy hiểm từ sự vật, hoặc từ xã hội. Cái lạ trong thế giới tự nhiên cũng như trong xã hội là hấp dẫn, nhưng cũng dễ chứa chấp nguy tai, càng bé càng khó lường trước.
Nguy cơ có thể có thật, như chó cắn, ong đốt, ô tô cán, kẻ trộm vào nhà, nhưng vì chưa hiểu rõ cuộc sống, nếu nhiều khi chỉ là cảm giác hay tưởng tượng của trẻ: mẹ bận việc đi vắng lâu, nghĩ rằng mẹ bỏ rơi con, thấy bố cau có lại không biết có phải vì mình đã nói gì, làm gì sai trái. Lúc vào một môi trường mới, như bắt đầu đi nhà trẻ hay mẫu giáo, hoặc đổi trường, nằm bệnh viện, thì sự lo lắng ấy càng sâu sắc.
Một yếu tố rất quan trọng trong việc nuôi dạy trẻ, là tạo nên không khí an toàn, và cảm giác an toàn trong tâm tư trẻ. Trước hết tạo nên một cuộc sống gia đình ổn định, trẻ em có thể đón chờ các sự việc xảy ra theo một trình tự, một quy luật ít thay đổi. Nếu trong gia đình, nay thế này, mai thế khác, trẻ em như một người thám hiểm bước vào xứ lạ, không trù tính trước được điều gì sẽ xảy ra, đâm ra lo hãi. Tính tình bố mẹ bất thường cũng gây nên cảm giác mất an toàn, trẻ em khó mà lường trước phản ứng của bố mẹ, có cảm giác mất hết tình thương và sự bảo đảm của bố mẹ. Chăm sóc trẻ quá mức cần thiết, nuôi chúng trong nhung lụa, cũng gây cảm giác mất an toàn, vì thái độ lo quá mức của bố mẹ tác động đến tâm tư của trẻ.
Trẻ em không nói ra được ý nghĩ của mình, nhưng người lớn cần hiểu yêu cầu an toàn này qua thái độ và hành động của chúng. Một em bé trước lúc ngủ đòi cầm tay mẹ, hay ôm chặt lấy một con búp-bê, là để không lo hãi khi đã chập chờn buồn ngủ, khi sự vật chung quanh, nhất là trong bóng tối, bắt đầu không còn mang những hình thù quen thuộc. Lúc đó cần cho trẻ quen dần với tình huống ấy, bước đầu ngồi cạnh cho trẻ yên tâm, dần dần trẻ sẽ thấy việc đi ngủ một mình không có gì là nguy hiểm cả.
Đi nhà trẻ hay mẫu giáo lần đầu là một thử thách lớn. Rời nhà, xa bố mẹ suốt ngày, vào một môi trường mới, với những cách sống mới lạ, với nhiều người lạ, bạn lạ, trẻ có cảm giác sâu sắc không được đảm bảo an toàn nữa. Thường mất hết năng nổ, co mình lại. Bố mẹ và các cô phải chuẩn bị kỹ việc chuyển tiếp giữa hai cuộc sống, sống trong gia đình quen thuộc và sống ở nhà trẻ hay nhà trường xa lạ. Tốt nhất là trước lúc đi nhà trẻ hay mẫu giáo, bố mẹ mới được cô giáo hay bảo mẫu đến nhà chơi, làm quen với trẻ, nhất là đối với những em ít năng động, rụt rè. Ít ra hôm đầu mẹ cũng phải dẫn đi, mẹ và cô trò chuyện thân mật, trong một thời gian, để trẻ làm quen với cô, rồi cùng mẹ và cô đi xem nhà trường hay nhà trẻ, cho trẻ ngừng ở góc này, góc kia, sờ vào đồ chơi, xem các bạn chơi đùa. Nếu trẻ đòi mang theo một đồ chơi nào đó, con búp-bê hay cái xe, nên cho trẻ mang theo, vì đây là một chỗ dựa cho trẻ vượt qua cảm giác mất an toàn trong những ngày đầu. Có thể lựa cho trẻ một bạn lớn hơn biết cách chơi với trẻ.
Trẻ em đi khám bệnh thường rất sợ bác sĩ và y tá. Bác sĩ không nên khám ngay: ngồi trò chuyện với bố mẹ một lát, trong lúc đó đưa cho trẻ một đồ chơi, có khi đưa đầu ống nghe cho em sờ mó, hơn nữa bày ra một trò chơi với trẻ. Bố mẹ hay anh chị cần có mặt trong lúc trẻ em ở bệnh viện, nhất là trước và sau nhổ răng, mổ… Y tá ở các bệnh viện trẻ em cần được huấn luyện riêng về cách đối xử với các em, họ phải là những người thay thế mẹ của trẻ.
Để trẻ em mất cảm giác an toàn quá lâu sẽ gây ra những chứng tật đa dạng, đó là những hình thức tự vệ của các em, lệch đi thành chứng hư hay chứng tật.
(Tác giả Nguyễn Khắc Viện - Trích Tìm hiểu Trẻ em, tập II, Nhà Xuất bản Phụ nữ, 1985)