NT FOUNDATION
Trung tâm nghiên cứu
Tâm lý và Tâm bệnh lý Trẻ em và vị thành niên
· Người sáng lập: Nguyễn
Khắc Viện, Bác sĩ nội trú Nhi Paris.
· Ngày thành lập: 22 -
4 - 1989
· Lịch sử hình thành:
Từ
những năm 1980, lẻ tẻ có một số trẻ và vị thành niên Việt Nam ở một số thành phố
lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh bị rối loạn tâm trí, khó khăn trong học tập,
trong giao tiếp ứng xử... Hiện nay, tình trạng này ngày càng trầm trọng, nhiều
biểu hiện rối nhiễu tâm lý trước kia chưa từng gặp thì nay phát triển ngày càng
nhiều, khắp trong cộng đồng dân cư.
(Bác sĩ Nguyễn Khắc Viện phát biểu khai mạc Hội thảo Tâm bệnh
lý Trẻ em Việt Nam)
Nếu tính theo tổng số
tròn, dân Hà Nội là 3.000.000 người, có 40% là trẻ em và vị thành niên tức
1.200.000, mà bị rối loạn tâm lý tới 25% tức 300.000 cháu. Đây là một con số
không nhỏ.
Tác hại của tình
trạng này là ngày càng nhiều trẻ em thanh thiếu niên có nhiều khó khăn trong
đời sống gia đình, ở nhà trường, cũng như ngoài xã hội: nhiều trẻ bé bị tự kỷ từ
khi mới sinh; nhiều vị thành niên bị rối loạn tâm trí mà không được chăm chữa
sẽ khó trở nên người lao động bình thường mà trở thành những thanh thiếu niên
lạc lõng, sống không mục đích và dễ lao vào những băng nhóm bạo lực, tội phạm,
như đã từng thấy phản ánh trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Thật
khủng khiếp khi biết tin những vị thành niên 15, 16 tuổi cướp của, hiếp dâm,
giết người…
Nguyên
nhân thường là do văn hóa và kinh tế của gia đình tác động. Nhưng một nguyên
nhân không kém quan trọng, theo chúng tôi, là do các bậc cha mẹ, thầy cô, nói
chung là giới người lớn thiếu hiểu biết về tâm lý của trẻ em và vị thành niên,
nên cách ứng xử không đáp ứng được nhu cầu về tâm lý của trẻ, làm cho con em
hẫng hụt, bế tắc, rồi tìm lối thoát qua bạn bè, thường là ít khi gặp được bạn
tốt, ngược lại dễ gặp bạn xấu lôi kéo vào cách sống không lành mạnh, tha hóa,
tội lỗi.
Năm
1985, sau khi đã tập hợp được một số bạn và đồng nghiệp, Trung tâm nghiên cứu tâm
lý trẻ em và vị thành niên được thành lập và chính thức hoạt động theo Quyết định số 488/QĐ-THKT ngày 22/4/1989 của
Uỷ ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước. Ban điều hành NT đã tích cực biên soạn
tài liệu, xây dựng chương trình và tiến hành mở lớp đào tạo ngắn hạn trong 1 tháng
và dài hạn trong 2 năm những chuyên trách tâm lý làm giảng viên và thực hành để
đảm nhận những hoạt động sau đây:
-
Mở những lớp đào tạo cán bộ chuyên trách tâm lý có khả năng giảng dạy và thực hành.
-
Mở phòng khám tư vấn tâm lý-y học để chăm chữa và phòng vệ sớm cho các đối tượng
bị rối loạn tâm lý trong cộng đồng.
Bước
đầu, năm 1991, đặt một khu vực tư vấn tâm lý trong Bệnh viện Đa khoa Đống Đa,
hoạt động suốt đến năm 2005, thu nhận được 1149 trẻ gồm 656 nam (56,6%) và 499
nữ (43,4%) với tổng số chăm chữa là 4590 lượt.
Tổng
kết tình hình khám chữa tại Phòng khám Tâm lý-Y học-Giáo dục Bệnh viện Đống Đa
từ năm 1991-2004, đã phân loại được các triệu chứng bệnh như sau:
-
Nhóm 1: Chậm khôn và các khó khăn trong học tập: Chỉ số khôn thấp, học sút, học
kém, chán học, lo lắng trong học tập, vụng đọc, vụng viết, giảm chú ý, kém tập
trung… (chiếm 20,1%).
-
Nhóm 2: Bệnh tâm thể và các rối nhiễu tâm thể: Hội chứng dạ dày-hành tá tràng,
hen, chàm, eczéma, đái dầm, đau nửa đầu, đau bụng, khó thở, khó ngủ, ác mộng,
biếng ăn, sút cân, hystérie… (chiếm 27,2%).
-
Nhóm 3: Rối nhiễu nhân cách: Có nét tự kỷ (ngại tiếp xúc, thu mình…), tự kỷ, loạn
tâm, hoang tưởng… (chiếm 3,2%).
-
Nhóm 4: Rối nhiễu ngôn ngữ: Không nói, nói khó khăn, chậm nói, nói lắp, nói ngọng…
(chiếm 7,6%).
-
Nhóm 5: Rối nhiễu vận động: Chậm đi, vận động khó khăn, vận động vụng về… (chiếm
1,0%).
Ở Trung tâm Tư vấn
Tâm lý của chúng tôi, nhiều nhất là trẻ bé dưới 6 tuổi, từ nhà trẻ, mẫu giáo,
và một số ít vị thành niên; các bậc cha mẹ cùng đi với con em cũng là một thành
phần cần tư vấn, làm cho họ hiểu rõ hơn các nguyên nhân rối loạn tâm lý của trẻ
để cùng cộng tác với chúng tôi trong các biện pháp trị liệu tâm lý tại gia
đình, tránh tình trạng trống đánh xuôi, kèn thổi ngược.