(Tamly) - Trong lịch sử giáo dục Việt nam quan điểm học để làm người, nghĩa là để biết ứng xử với đời đã được coi như một trong những mục tiêu quan trọng của giáo dục. Cho nên, giáo dục đã quan tâm cung cấp cho người học những kiến thức, thái độ và kĩ năng cần thiết để chuẩn bị cho người học gia nhập cuộc sống xã hội. Tuy nhiên, những nội dung đó chưa được gọi tên là giáo dục kĩ năng sống.
Thuật ngữ kĩ năng sống (KNS) được người Việt Nam biết đến bắt đầu từ chương trình của UNICEF (1996) "Giáo dục kỹ năng sống để bảo vệ sức khoẻ và phòng chống HIV/AIDS cho thanh thiếu niên trong và ngoài nhà trường". Quan niệm về KNS được giới thiệu trong chương trình này chỉ bao gồm những KNS cốt lõi như: kĩ năng (KN) tự nhận thức, KN giao tiếp, KN xác định giá trị, KN ra quyết định, KN kiên định, KN đặt mục tiêu…do các chuyên gia Úc tập huấn. Tham gia chương trình này đầu tiên gồm có ngành giáo dục và Hội chữ thập đỏ.
Sang giai đoạn 2 chương trình này mang tên: "Giáo dục sống khoẻ mạnh và kỹ năng sống". Ngoài ngành GD, đối tác tham gia còn có 2 tổ chức xã hội chính trị là Trung ương Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh và Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam. Đại diện của các tổ chức này cũng được tập huấn về KNS với quan niệm như trên. Trên cơ sở đó, quan niệm về KNS cơ bản đối với từng nhóm đối tượng được vận dụng đa dạng hơn. Ví dụ, Hội liên hiêp phụ nữ đưa ra những KNS cơ bản như: KN ra quyết định; KN biết từ chối; KN thương thuyết, đàm phán; KN lắng nghe; KN trình bày; KN nhận biết... ở đây KN giao tiếp đã được phân nhỏ thành những KN thành phần cho dễ hiểu đối với chị em phụ nữ.
Có người chỉ hiểu một cách hạn chế rằng những KNS đó cần cho lĩnh vực bảo vệ sức khoẻ, phòng tránh các tệ nạn xã hội. Nghĩa là, KNS chỉ dành cho một số nhóm đối tượng có nguy cơ cao để đương đầu với những thách thức của xã hội, mà không phải là cần cho mọi người. Nhưng cũng có người hiểu sâu sắc hơn và cho rằng với những KN đó con người có thể vận dụng vào giải quyết các đề xã hội khác nhau, trong các hoàn cảnh và tình huống khác nhau của từng loại đối tượng. Chẳng hạn đại diện của Hội liên hiệp phụ nữ cho rằng đối tượng của họ có thể và cần phải vận dụng những KNS trên để chống bạo lực trong gia đình, để xoá đói giảm nghèo…Còn có cách hiểu khác cho rằng trong số những KNS cốt lõi đó thì có những KN cần thiết hơn cho các đối tượng sống trong các hoàn cảnh xã hội khác nhau, chẳng hạn như đại diện của Đoàn thanh niên cho rằng KN kiên định đối với thanh niên thành phố thì cần ở mức độ cao hơn so với thanh niên ở vùng nông thôn.
Một số tổ chức phi chính phủ nước ngoài cũng triển khai những chương trình, dự án nhằm can thiệp giảm thiểu các nguy cơ lây nhiễm HIV/AIDS với những đối tượng có nguy cơ cao và trong đó cũng đã sử dụng cách tiếp cận KNS với quan niệm về KNS là những kĩ năng cốt lõi trên.
* Khái niệm KNS thực sự được hiểu với nội hàm đầy đủ và đa dạng sau hội thảo " Chất lượng giáo dục và kĩ năng sống" do UNESCO tài trợ được tổ chức từ 23-25 tháng 10 năm 2003 tại Hà Nội. Từ đó, những người làm công tác GD ở Việt Nam đã hiểu đầy đủ hơn:
KNS là năng lực cá nhân để thực hiện đầy đủ các chức năng và tham gia vào cuộc sống hàng ngày.
KNS là những hành vi làm cho các cá nhân có thể thích nghi và giải quyết có hiệu quả các yêu cầu và thách thức của cuộc sống.
KNS là những kĩ năng tâm lí xã hội liên quan đến tri thức, những giá trị và những thái độ (UNESCO)
KNS là những năng lực đáp ứng và những hành vi tích cực giúp cá nhân có thể giải quyết có hiệu quả những yêu cầu và thách thức của cuộc sống hàng ngaỳ (Tổ chức y tế thế giới).
Bốn trụ cột trong GD là một cách tiếp cận KNS. Đó chính là sự kết hợp các KN tâm lí xã hội (learning to know là KNS liên quan đến tri thức, learning to be là KNS liên quan đến giá trị, learning to live together là KNS liên quan đến thái độ) với KN tâm vận động, KN thực hành (học để làm).
Tô Hạnh