(HNM) - Ngoại thành đang trở thành vấn đề lớn của Hà Nội. Ngoại
thành là nơi có số dân đông nhất, diện tích rộng nhất và cũng là nơi có
nhiều tiềm năng nhất để phát triển kinh tế, văn hóa, du lịch mang nét
riêng không phải thủ đô nào cũng sẵn điều kiện. Làng nghề là một trong
những thế mạnh ấy.
Vốn là nơi
quy tụ nhiều làng nghề, phố nghề nhưng phải từ sau khi mở rộng địa giới
hành chính, Hà Nội mới trở thành một địa phương nổi trội trong cả nước
về làng nghề. Theo một thống kê của thành phố, chưa kể phố nghề, Hà Nội
hiện có 1.270 làng có nghề (ngoài nghề nông), trong đó 272 làng đã được
công nhận là làng nghề. Không chỉ có doanh thu trên 7 nghìn tỷ đồng mỗi
năm, các làng nghề, phố nghề này còn lưu giữ những nét văn hóa độc đáo,
trở thành điểm đến thu hút khách du lịch. Có thể thấy rằng nguồn lợi lớn
của làng nghề, phố nghề không chỉ từ những hàng hóa làm ra mà ở nguồn
lợi về văn hóa, nguồn thu về du lịch. Nhiều làng nghề nổi tiếng của Việt
Nam như làng tranh Đông Hồ, làng gốm Thổ Hà (Bắc Ninh), làng làm tò he
Xuân La, đúc đồng Ngũ Xã (Hà Nội), làng làm trống Đọi Tam (Hà Nam), làng
mộc Dương Đông (Thừa Thiên Huế), làng hoa An Qui Đông (Đồng Tháp) và
nhiều làng khác là như thế.
Những năm gần đây, trong xu thế khôi phục nghề cổ truyền, xây dựng nông
thôn mới, được sự quan tâm của thành phố, nhiều làng nghề đã sống lại,
đời sống người dân được cải thiện, hạ tầng nông thôn phát triển, đóng
góp của làng nghề vào kinh tế cũng như sự đổi mới của Thủ đô nói chung
ngày càng rõ nét. Sau nhiều năm vắng bóng, người Hà Nội lại được thấy
lụa Vạn Phúc, mộc Hữu Bằng, đồ đồng Ngũ Xã, đồ bạc Hàng Bạc, tò he Xuân
La, bánh cuốn Yên Sở, đậu phụ Mơ, cốm Vòng, mứt sen Hàng Đường, bánh cốm
Hàng Than… và rất nhiều thứ hàng thủ công tràn ngập các phố Hàng Gai,
Hàng Đào. Đó không chỉ là hàng hóa tiêu dùng đơn thuần, đó là vẻ đẹp, là
nét riêng Hà Nội.
Nhưng bên cạnh mặt tích cực ấy, còn đó nỗi lo trước những nguy cơ mất
làng nghề hoặc làng nghề cản trở sự phát triển của Thủ đô. Xu thế không
thể đảo ngược của đô thị hóa đã nhanh chóng làm biến mất nhiều làng nghề
mới gần đây còn là niềm tự hào của Thủ đô. Làng hoa Ngọc Hà, làng đào
Nhật Tân, làng rau húng Láng, chừng mực nào đó làng cốm Vòng, làng cây
cá cảnh Quảng Bá… giờ đây chỉ còn là hoài niệm. Nhiều nghề mất đi do
thời thế thay đổi như nghề làm pháo nổ, nghề vàng mã nhưng chủ yếu là do
sức ép của thị trường. Trước sự phát triển như vũ bão của công nghệ
hiện đại và thị hiếu của người tiêu dùng, nhiều nghề thủ công truyền
thống như nghề làm đồ chơi dân gian (diều, đèn kéo quân, đèn trung thu),
làm giấy, dệt vải dân dụng, đồ kim khí, đồ mộc dân dụng, đồ gốm sứ… khó
mà tồn tại được trong cạnh tranh. Bởi thế có những làng nghề từng rất
nổi tiếng như làng tranh Đông Hồ (Bắc Ninh) giờ chỉ còn một nghệ nhân
duy nhất giữ nghề cũ. Để cứu những nghề và những làng nghề như vậy, cần
những giải pháp tổng hợp, đồng bộ, kiên quyết.
Cần nâng cao chất lượng hàng hóa, đổi mới mẫu mã, đào tạo nghề, và đặc
biệt là bảo vệ môi trường nông thôn hiện nay trước khói, bụi, nước thải,
chất thải, tiếng ồn do các làng nghề sinh ra trong quá trình phát triển
thái quá, thiếu quy hoạch hiện nay. Theo một tài liệu, mỗi ngày các
làng nghề thải ra 5.000 tấn rác độc hại, chưa kể nước thải từ nuôi lợn,
làm giấy, chế biến sữa, giết mổ gia súc chưa qua xử lý bị đẩy ra môi
trường. Nếu tình trạng này kéo dài, chỉ ít năm nữa, môi trường ngoại
thành Hà Nội sẽ bị đe dọa nghiêm trọng.
Thành phố đã có chủ trương chi 32.000 tỷ đồng cho kế hoạch xây dựng nông
thôn mới, phấn đấu đến năm 2015 có 40% số xã đạt tiêu chuẩn quốc gia về
nông thôn mới. Mong muốn từ chủ trương của thành phố, nhất là qua Đại
hội Đảng bộ thành phố lần thứ XV, nhiều vấn đề duy trì và phát triển phố
nghề, làng nghề sẽ có hướng giải quyết hiệu quả hơn nữa.
Vũ Duy Thông
Trích Hanoimoi