Sự dấn thân không mệt mỏi vì con người của nhà văn Tây Ban Nha gốc Peru
Mario Vargas Llosa đã mang về cho ông giải Nobel Văn chương 2010.
Trong thông cáo đăng trên website Nobelprize.org hôm
qua, Viện Hàn lâm Hoàng gia Thụy Điển tuyên bố vinh danh nhà văn 74 tuổi
vì những trang viết “dựng nên những cấu trúc quyền lực của thế giới và
khả năng thể hiện hình ảnh đầy ma lực về sự đấu tranh, nổi loạn và thất
bại của kiếp người”. Được xem là một trong hai đại biểu lớn nhất của nền
văn chương Mỹ La-tinh cùng nhà văn Colombia Gabriel Garcia Marquez,
Vargas Llosa đã sáng tác hơn 30 vở kịch, tiểu thuyết và tiểu luận. Ông
đã đoạt nhiều giải thưởng uy tín, trong đó có giải Cervantez, vinh dự
cao quý nhất dành cho một tác giả viết bằng tiếng Tây Ban Nha vào năm
1995.
“Vargas Llosa là một người kể chuyện được ban phép mầu”, AP dẫn lời
Thư ký thường trực Viện Hàn lâm Hoàng gia Thụy Điển Peter Englung nói.
“Những tác phẩm của ông ấy có cấu trúc rất phức tạp và đa chiều. Ông ấy
đã nâng nghệ thuật dẫn chuyện lên một tầng tiến hóa mới”. Vargas Llosa,
cũng là nhà văn xuất thân từ Nam Mỹ đầu tiên giành giải thưởng trị giá
10 triệu kronor (1,5 triệu USD) kể từ sau chiến thắng của Garcia Marquez
năm 1982.
Nổi lên trong thập niên 1960, những tác phẩm của Vargas Llosa như
La ciudad y los perros (Thành phố và các con chó, 1963), La casa verde
(Căn nhà xanh, 1966) và Conversacion en la catedral (Đối thoại trong
giáo đường, 1969) thể hiện một tư tưởng nhập thế, cho con người và
vì con người. Các trang văn của ông mô tả cuộc đấu tranh không mệt mỏi
giành tự do của cá thể lồng trong bối cảnh chính trị và lịch sử nhiều
biến động của châu Mỹ La-tinh. Tuy có lúc gây nhiều tranh cãi, các tác
phẩm của Vargas Llora vẫn làm say mê độc giả toàn thế giới và đã được
dịch ra hơn 20 thứ tiếng.
Với dòng máu cuồng nhiệt của người Nam Mỹ cùng tư tưởng nhập cuộc,
Vargas Llosa sống một cuộc đời xê dịch và nhiều sự kiện. Ngoài nghiệp
văn chương, ông còn là một nhà báo nổi tiếng và từng giảng dạy ở nhiều
trường đại học ở Mỹ và châu Âu. Khi còn ở tuổi vị thành niên, Vargas
Llosa từng lén kết hôn và bỏ trốn với người dì họ xa Julia Urquidi, hơn
ông gần 20 tuổi. Cuộc hôn nhân 9 năm của họ là cảm hứng cho ông viết
tiểu thuyết bán tự truyện hài hước La tía Julia y el escribidor (Dì Julia và tên cạo giấy, 1977) gây tiếng vang lớn.
Năm 1990, ông từng ra tranh cử tổng thống Peru nhưng thất bại trước
Alberto Fujimori. Đến năm 1993, thất vọng trước tình hình ở quê nhà, ông
có quyết định gây nhiều chỉ trích là nhập tịch Tây Ban Nha, theo AFP.
Một năm sau, Vargas Llosa trở thành nhà văn gốc Nam Mỹ đầu tiên được bầu
vào Viện Hàn lâm Tây Ban Nha. “Một nhà văn không nên biến thành một bức
tượng”, ông nói, “Tôi không bao giờ muốn bị tách khỏi thế giới. Tôi cần
phải sống trong thực tại và đó là lý do tôi làm báo”.
Sau khi nhận được tin thắng giải, Vargas Llosa tuyên bố đây là vinh
dự chung của nền văn chương tiếng Tây Ban Nha. Trên mạng xã hội Twitter,
“người khổng lồ” Garcia Marquez viết ngắn gọn: “Giờ thì chúng ta hòa”.
Trọng Kha
Trích Thanhnien online