Mua trẻ hay giúp đỡ những cô gái trẻ sớm
làm mẹ? Khi nghe chúng tôi không bán được con, một cô gái làng chơi
khuyên: “Tìm tới Bệnh viện Teresa (nay là Trung tâm Y tế quận Hải Châu,
Đà Nẵng - PV), ở đó đi tìm cô nữ hộ sinh tên cô Ly, cô Vy... gì đấy, họ
cho cũng được lắm”.
Chúng tôi đã thuyết phục một cô công nhân trẻ đang mang thai cùng
tham gia, cô này nhận lời giúp khi nghe mục đích công việc đang làm. Đến
Bệnh viện Teresa, chúng tôi được cho số điện thoại của một phụ nữ tên
My và khi liên lạc, chị này hẹn: “Chủ nhật cô My trực, ghé xuống gặp cô
My, rồi cô My tính cho”.
“Số tiền đó không ít đâu”
Chủ nhật, vừa ngồi xuống hàng ghế chờ trước khoa Sản, một phụ nữ
chừng 40 tuổi, người đầy đặn, mặc trang phục trắng của bệnh viện, chạy
ra, hỏi: “Là người gọi điện cho cô My phải không? Răng mà sáng tới chừ
cô My gọi cả chục cuộc điện thoại mà lại tắt máy rứa?”. Nói rồi, cô My
kéo tay cô gái mang thai, bảo: “Vô đây với cô My”. Khi khám, cô My tâm
sự: “Cô My không mua con, cô My chỉ giúp đỡ đẻ giùm. Cô My giới thiệu
cho người đến để nhận, họ hỗ trợ cho bao nhiêu tiền đó thì hỗ trợ”. “Cô
hỏi giùm được mấy tiền, để tụi con biết”, “Theo cô My, số tiền đó không
ít đâu”.
Sau đó cô My bắt chúng tôi đi siêu âm, có giấy siêu âm, cô liền móc
điện thoại ra gọi: “Chị Phúc à! Dạ, tốt rồi, đứa bé 2,6 kg, sắp sinh.
Chị tới liền hỉ!”.
Khi chúng tôi hỏi, vào sinh có cần mang theo giấy tờ gì không, thì cô
My bảo: “Ai biểu khai tên thiệt, vô đó cứ nói đại tên gì đấy, mọi
chuyện còn lại để cô My lo cho”.
|
Mang
thắc mắc về việc tiếp nhận và nuôi dưỡng những đứa trẻ sơ sinh đến Sở
LĐ-TB-XH TP Đà Nẵng, ông Nguyễn Văn An, Phó giám đốc Sở cho rằng về mặt
quản lý, chỉ có thể kiểm tra, giám sát chế độ chăm sóc trẻ. Khi đặt vấn
đề, nếu đứa trẻ có mẹ, người mẹ muốn giao con cho một trung tâm nuôi
dưỡng thì phải có những thủ tục gì? Ông An cho hay, phải có cam kết giữa
mẹ bé, khai lai lịch cụ thể rõ ràng, có mẹ và vì sao mẹ không thể nuôi,
phải có chính quyền địa phương chứng kiến. Rõ ràng nếu theo tuần tự này
thì bà Phúc đã làm sai hoàn toàn. |
|
Một lúc sau bà Phúc đến, cô My luống cuống, đuổi chúng tôi: “Ra, ra
ngồi ngoài hàng ghế phía phòng khám mà nói chuyện với cô Phúc cho kín
đáo”. Bà Phúc vẫy chúng tôi vào phía chân cầu thang, nơi ánh sáng tù mù.
Tại cuộc gặp này, bà Phúc chỉ xoáy vào việc cho đứa trẻ: “Cô Phúc, cô
My sẽ lo liệu hết mọi việc”. “Dạ, rứa cô cho tụi con bao nhiêu tiền?”.
“Cái đó cô phải về bàn với chủ tịch, họ mới quyết định, cô làm gì có
quyền. Số tiền phải hỏi chủ tịch mới biết được. Nhưng cô sẽ lo hết, sinh
xong, cô cho người đến nộp toàn bộ tiền viện phí; đồ em bé cô sẽ mang
đến. Con thấy đau, thì đi taxi tới bệnh viện, cô trả tiền taxi luôn
cho”.
Chúng tôi bẻ: “Nếu không ký giấy tờ gì hết, lỡ sinh xong, họ bồng con
đi luôn thì răng cô?”. “Làm chi có chuyện bồng đi luôn con? Cô làm lâu
năm rồi, làm ăn phải có uy tín chớ! Cô My không giúp răng mà cô bồng em
bé đi được. Không đến nỗi chi mà tiền cho ít đâu, chương trình họ không
ép ai hết. Nhiệm vụ của cô là tìm ra đứa trẻ, còn phần việc khác là của
người khác. Họ thanh toán tiền ăn, tiền viện phí, rồi họ cho tiền nữa”.
Bất thường ở trung tâm nuôi trẻ sơ sinh bị bỏ rơi
Hai hôm sau, liên lạc điện thoại với bà Phúc, bà tỏ vẻ vui mừng, hỏi:
“Vẫn có ý cho con hả?”. Nghe chúng tôi gặp khó khăn về chỗ ở, bà chỉ về
ở tại trạm y tế phường trên đường Núi Thành. Bà cho vài cái tên nhân
viên ở đó để liên lạc và dặn: “Cứ bảo cô Phúc gửi. Cứ xuống đó ở, chiều
cô Phúc xuống nói chuyện”.
Dù gần 1 tháng nữa mới sinh, nhưng bà bảo cứ xuống ở, sinh xong ở
thêm 1 tuần vẫn được, không phải tốn tiền. Bà Phúc liên tục gọi điện cho
chúng tôi sau đó khi thấy không đến trạm y tế. Lấy cớ về quê lấy tiền,
chúng tôi hẹn bà thời gian khác. Bà gọi bằng điện thoại di động lẫn điện
thoại bàn. Lần theo số điện thoại bàn, thì ra là Trung tâm Nuôi trẻ sơ
sinh bị bỏ rơi của quận Hải Châu. Trung tâm này lâu nay vẫn thường rao
trên các phương tiện thông tin đại chúng về những đứa trẻ bị bỏ rơi
trước cửa.
Ngày hôm sau, tìm đến Trung tâm Nuôi trẻ sơ sinh bị bỏ rơi của quận
Hải Châu, thì đó một căn nhà cao tầng luôn khóa cửa. Bà Phúc xuất hiện,
vừa bước vào cổng đã khóa trái cửa ngay. Hỏi một vài người xung quanh,
tỏ ý muốn giúp chị gái dự tính sẽ gửi con vào đây sau khi sinh vì con
đông quá, thì nhiều người cản: “Ở đây có thấy nuôi dạy chi đâu, họ mang
cho hết”.
Vấn đề là tại sao một nơi chỉ có chức năng tiếp nhận, chăm sóc những
trẻ sơ sinh bị bỏ rơi lại phải “tìm” trẻ sơ sinh để “giúp đỡ” mọi mặt,
lại “hỗ trợ số tiền không nhỏ” cho các bà mẹ bỏ rơi con?
Phải chăng khi thông báo trên phương tiện thông tin về một đứa trẻ bị
bỏ rơi trước cửa khiến dư luận xót xa, trung tâm đã hoàn tất công đoạn
cuối cùng của “quy trình mua con” khép kín? Vì theo quy định của pháp
luật, sau 30 ngày nếu không có người đến nhận, trung tâm sẽ lập hồ sơ
hợp thức hóa. Và đứa trẻ đó liệu có tìm được một gia đình mới thật sự,
sau khi mang đến một nguồn thu không nhỏ cho một nhóm người?
Phóng sự điều tra của Bảo Nguyên - Duy Nghĩa
Trích Thanhnien online