NT Foundation - TÌM HIỂU TRẺ EM QUA HÌNH VẼ
 
 
Lượt truy cập: 12511174
 
 
TÌM HIỂU TRẺ EM QUA HÌNH VẼ
 

Theo quyển La decouvert de votre enfant par le dessin của Roseline David - Paris, 1971 Người dịch: NGUYỄN THỊ NHẤT  (hiện là Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Tâm lý Trẻ em NT Hà Nội)

 

Một bé trai 8 tuổi người nhỏ bé tự vẽ theo hình ảnh người hùng Zorro, áo choàng đỏ, hai thanh kiếm nói lên tính   hung hăng và ước mơ lớn khỏe lên... nhưng đeo mặt nạ lại che giấu sự sợ hãi...

Qua hình vẽ ta có thể đánh giá trí lực và tình cảm của trẻ em dễ hơn là qua lời nói. Ta có thể cho trẻ vẽ tự do, tùy hứng, hoặc dùng test, vẽ theo chỉ định... Một tờ giấy trắng, bút chì, hoặc tốt hơn nữa là dùng màu.

Tiến triển cách vẽ theo tuổi

Cách vẽ tiến triển theo sự phát triển của trí lực.

Bước sang năm thứ hai, một em bé có thể cầm được bút vẽ. Thực chất lúc đấy em chĩ khua tay chứ chưa có ý đồ vẽ và đường vẽ thường vuợt ra ngoài tờ giấy. Dần dần em bé có ý đồ vẽ nhưng chưa thành hình rõ. Đây là giai đoạn vẽ nguệc ngoạc; thông qua nét vẽ dễ dàng hoặc gãy khúc có thể suy đoán tính tình của em bé.

Đến ba tuổi, trẻ biết vẽ hình người. Một vòng tròn với hai que bên dưới thể hiện đầu, mặt và hai chân, có thể kèm theo hai tay. Đó là hình ‘‘người nòng nọc'', không có thân. Trẻ lớn lên sẽ bổ sung dần các chi tiết: lúc đầu là mắy, mũi, miệng, tóc, tai, rồi đến các ngón tay, ngón chân, rốn, và thường vẽ những khuy áo trước khi vẽ thân, sau đó mới có ngực, bụng, cuối cùng là các phần cổ, đầu gối và khuỷu tay.

Điểm những chi tiết được vẽ ra, lấy con số ấy có thể đánh giá được trí lực của em bé: đó là cơ sở của trắc nghiệm Goodenough với 52 chi tiết.

Sau 6 tuổi, trẻ thường vẽ hình người với đầy đủ các bộ phận. Hình người được vẽ thể hiện sơ đồ thân thể (schema corporel) vì trẻ vẽ chính bản thân mình.

Trước 6 tuổi một đứa trẻ không vẽ những gì mình nhìn thấy mà vẽ theo ý nghĩ của mình, nghĩ sao vẽ vậy. Ví dụ đặt một lọ hoa rồi bảo trẻ vẽ lọ hoa ấy, trẻ trước 6 tuổi sẽ không nhìn vào lọ hoa mà cúi đầu vẽ một bông hoa nào đó. Đặc điểm tâm lý này được gọi là "hiện thực theo ý nghĩ" (réalism intellectuel); khi lớn lên nhìn thấy đồ vật như thế nào thì vẽ theo thế ấy: hiện thực theo ý nghĩ được thay bằng "hiện thực theo mắt nhìn" (réalism visuel). Ví dụ khi vẽ một cái nhà, ban đầu trẻ vẽ có đồ đạc trong nhà, mặc dù đứng ngoài nhìn thì không thấy; sau lớn lên trẻ mới biết vẽ mái nhà và cửa chứ không vẽ đồ đạc trong nhà.

Từ 6, 7 tuổi, những bức vẽ của trẻ có tính "thực" hơn. Đến 11, 12 tuổi, trẻ vẽ theo những quy tắc được người lớn dạy cho. Lúc ấy hình vẽ ít mang tính tự phát và tâm tư thường không được biểu lộ nhiều bằng lúc bé.

Hình vẽ và nội tâm

Không thể dùng lời nói, trẻ em thường dùng hình vẽ để bộc lộ tâm tư của mình, những huyễn tưởng, những mơ ước, những trăn trở cũng được biểu hiện qua hình vẽ.

Khi vẽ hình người là vẽ bản thân, như một em bé điếc hoặc nặng tai có thể vẽ một hình người với cái tai rất lớn hoặc không có tai, hoặc trường hợp các trẻ béo phì thường vẽ hình người gầy cao.

Nhiều khi trẻ vẽ cả một câu chuyện, vừa vẽ vừa kể chuyện, qua đó vừa biểu lộ vừa giải tỏa tâm tư.

Theo Zazzo, tình cảm tác động rất lớn lên hình vẽ nen việc đánh giá trí lực qua hình vẽ khó hơn là dùng những trắc nghiệm lời nói hoặc chữ viết. Đừng vội vàng kết luận về trí lực nếu chưa hiểu rõ tình cảm, tâm tư và hoàn cảnh của trẻ.

Trước kh suy đoán về tình cảm, tâm tư, cần tìm hiểu xem đã có một sự việc nào tác động đến cách vẽ, ví dụ như trẻ vừa được xem một cuốn phim hoặc được được người lớn trực tiếp chỉ bảo.

Ngôn ngữ của màu sắc

Mỗi một khía cạnh trong hình vẽ đều có một ý nghĩa tượng trưng nhất định: có thể tượng trưng cho một tình cảm chung cho mọi người, cho một dân tộc hoặc một nền văn hóa. Như màu đỏ thường đi đôi với tính hung bạo, màu vàng tính rộng lượng, màu xanh lá cây biểu hiện hoài vọng, xanh da trời biểu hiện tính trung thực. Sử dụng màu này hay màu khác cùng với độ đậm nhạt thế nào cũng đều bộc lộ những nỗi tâm tư nhất định.

Trước 6 tuổi, trẻ nào cũng thích dùng màu đỏ. Sau 6 tuổi, nếu dùng màu đỏ tập trung là tỏ ra tính hung bạo, khả năng tự kiềm chế kém. Dùng màu xanh biếc hoặc xanh lá cây chứng tỏ đã thích nghi tốt và đã biết tự kiềm chế. Nặng về màu vàng là lệ thuộc nhiều về người lớn. Màu nâu, màu xám nói chung thể hiện những mâu thuẫn trong quan hệ xã hội, các em bướng bĩnh thường dùng. Màu đen nói lên sự lo âu và ở tuổi dậy thì thì biểu hiện tính rụt rè.

Nói chung, những trẻ em cởi mở, năng động, có tính hướng ngoại thường dùng những màu sáng và ấm như đỏ, vàng, da cam, trắng... Những em hướng nội, khó tiếp xúc hoặc bị ức chế thì dùng ít màu hơn, thiên về màu xám hoặc đen. Với những trẻ bị ức chế nặng nề, Shaw cho dùng ngón tay nhúng thẳng vào màu rồi vẽ. Cách này giúp trẻ biểu lộ và phần nào giải tỏa tâm tư.

Vẽ nhà

Cần chú ý đến những chi tiết như cửa chính, cửa sổ, trang trí, vườn tược, hàng rào, đường đi vào. Một cái nhà nhiều cửa, cửa sổ mở ra cân đối với những chi tiết xung quanh hài hòa nói lên tính tình cởi mở. Nhà bé tí, cửa sổ cũng bé hoặc có khi không có cửa, xung quanh nhà cảnh vật rời rạc... biểu lộ sự rối nhiễu về mặt tình cảm: trước 7-8 tuổi là còn bám lấy mẹ, sau 8 tuổi là mặc cảm tự ti, cô đơn, ở tuổi dậy thì là tính rụt rè. Nhà không có cửa, không có đường vào, hàng rào quá cao... đều cho thấy sự vấp váp, thất bại.

Nhà vẽ xấu xí biểu lộ đứa trẻ không vui trong cuộc sống gia đình. Theo bà Ribault, những trẻ được nuôi trong các viện mồ côi khi được yêu cầu vẽ nhà thường sẽ vẽ thêm nhiều thứ như cây cối, xe cộ, máy bay... chứng tỏ hình ảnh cái nhà tượng trưng cho tổ ấm đã không rõ nét. Nếu chung quanh nhà lại vẽ nhiều đường ra đường vào là có ý mong được thoát khỏi chỗ đó; cửa ngõ rất ít hoặc rất bé thường nói lên sự khó khăn trong giao tiếp.

Hình vẽ cây

Theo Anzieu, cây là tượng trưng con người đứng thẳng, cũng tượng trưng cho sự lớn lên và sinh sôi nẩy nở, cũng tượng trưng cho sức mạnh và bí ẩn của sức sống. Tùy theo tuổi trẻ vẽ những hình cây khác nhau.

Cũng như hình người, lúc đầu hình vẽ cây cũng nguệc ngoạc, kế là thân cây với một chùm là không cắm vào đất, sau mới có một đường ngang là đất và cây có rễ. Đến 8-9 tuổi, tất cả lá cành đều vẽ gộp lại trong một hình tròn. Khi lớn hơn trẻ mới vẽ các loại cây với đặc điểm khác nhau. Trên 10 tuổi mà vẫn vẽ hình cây với một hình tròn không rõ cây gì thì có thể là triệu chứng của kém trí lực hoặc rối nhiễu tình cảm.

Vị trí của hình cây trên giấy cũng có ý nghĩa. Phía trên trang giấy là nơi biểu hiện sự tiếp xúc với thế giới bên ngoài, sự phát triển của trí khôn; phần dưới trang giấy thể hiện bản năng và tình cảm; phía trái biểu hiện tính hướng nội, vị kỷ, bám lấy mẹ; phía phải biểu hiện tính hướng hướng ngoại, năng động, quan tâm người khác, gắn bó với bố.

Trong hình vẽ có phần chính gồm thân, cành và phần trang trí gồm lá, hoa và những món khác. Thân cây tượng trưng cho bản ngã vững vàng hay không; các cành cây nói lên sự phát triển nhân cách. Mỗi một vết "chấn thương" trên thân hoặc cành lớn nói lên một sự vấp váp; vẽ càng về phía trên cao thì sự cố xảy ra càng mới, không lâu. Gốc cây lớn, rộng nói lên sự thích nghi với thế giới vật chất, còn nếu cây phát triển lên phía trên thì biểu hiện xu hướng thiên về trí tuệ.

Test về cây do Koch đề xuất, bà Stora đã cụ thể hóa cách tiến hành như sau:

-         Lần đầu: bảo trẻ vẽ một cây tùy thích, loại cây nào cũng được, trừ cây thông (ở Châu Âu cây thông quá quen thuộc).

-         Lần thứ hai: cũng làm tương tự

-         Lần thứ ba: bảo trẻ vẽ một cây tưởng tượng hoặc trong giấc mơ, vẽ thế nào cũng được

-         Lần thứ tư: nhắm mắt lại tưởng tượng ra một cây rồi vẽ ra

Lần đầu, trẻ đứng trước một tình huống mới lạ, còn tự kềm chế. Sang lần hai trẻ bớt kềm chế hơn, bộc lộ tâm tư rõ hơn. Lần thứ ba càng biểu lộ những xu hướng không được thỏa mãn. Hỏi thêm: cây trong giấc mơ khác với cây bình thường như thế nào và xem những chi tiết nào bị bỏ sót. Bức vẽ thứ tư nói lên những tình huống bị vấp váp.

Test này chưa được vận dụng nhiều lắm.

Hình vẽ cây cũng có thể giúp phát hiện tình trạng nhiễu tâm: những trẻ này thường vẽ những cành cây chằng chịt, trẻ vướng mặc cảm hay vẽ những cành cây trụi lá, trẻ hung hăng vẽ những cây không đối xứng và có nhiều cành nhọn...

Vẽ thú vật

Trẻ em thích vẽ những thú vật quen thuộc hoặc đã được thấy trong sách vở, phim ảnh. Thế giới thú vật phản ánh thế giới con người. Mối quan hệ đầu tiên được nêu ra là con thú đó dễ thương hay dễ sợ, rồi các em tự đồng nhất với những con vật ấy. Thông qua hình tượng những con thú, trẻ dễ biểu hiện những tâm tư sâu sắc của mình.

Vẽ những thú vật nuôi trong nhà như chó, mèo thường nói lên sự thích nghi vói môi trường gia đình; hình vẽ có những chi tiết như chó nhe răng đòi cắn, mèo muốn cào xé... thể hiện hung tính.

Một em bé vẽ một con gà mẹ ấp ủ bầy con bên cạnh một con gà trống có thể nói lên mơ ước về một gia đình em ấm. Hình vẽ một con chó có thể biểu hiện tình trạng đứa con được mẹ vuốt ve hoặc một tình trạng bị trói buộc. Sau 10 tuổi, vẽ chó mèo được vuốt ve có thể phần nào thể hiện tính cách vẫn còn "trẻ con".

Hình vẽ những con thú dữ như chó sói, cọp, cá sấu... thường là tượng trưng cho ông bố đáng sợ, hoặc vẽ một ông bố đứng trước một con thú dữ nói lên sự kính phục sức mạnh của bố. Vẽ thứ dữ cũng thường là biểu hiện của sự lo âu.

Vẽ đàn chim bay, đàn cá lội tung tăng là mơ ước về những cảnh sống vui tươi; vẽ một tổ chim là mơ ước về gia đình; sau 10 tuổi vẽ chim cũng biểu hiện tính trẻ con

Trẻ em hay vẽ thú vật thường có những vấp váp nào đó trong mối quan hệ với người lớn. Những trẻ nhiễu tâm nặng hay vẽ những con vật quái dị.

Mặt trời, mặt trăng - Trời và Đất

Mặt trời thường tượng trưng cho uy quyền của bố. Hình ảnh mặt trời sáng đẹp với những tia nắng nói lên sự kính phục đối với bố, ngược lại mặt trời ảm đạm bị mây che khuất biểu hiện tình cảm tiêu cực với bố. Mặt trời cũng có thể là hình ảnh tượng trưng cho những anh hùng.

Mặt trăng và ban đêm gợi lên những bí ẩn, lo âu, có khi nhắc đến cái chết. Mặt trăng khêu gợi trí tưởng tượng (về Chị Hằng, Chú Cuội). Trẻ muốn che giấu nỗi lo âu hay vẽ cảnh về ban đêm.

Hình vẽ bầu trời quang đãng với sao, máy bay, tên lửa... nói lên ước mơ, hoài vọng. Có khi trẻ muốn nhắc đến cha mẹ đã mất.

Đất tượng trưng cho óc thực tế, sự sinh sôi nẩy nở của cây cỏ, hoặc có thể nói lên tinh vững chãi khi trẻ vẽ núi và những tảng đá.

Lửa cũng có nghĩa như mặt trời, nói lên sức mạnh, vinh quang, quyền uy.

Ngọn đuốc có thể tượng trưng cho dương vật.

Nước tượng trưng cho phái nữ, cho bà mẹ, có thể nhắc đến vấn đề liên quan đến sự sinh sản.

Mưa nói lên những nỗi lo âu.

Thuyền và tàu thủy nói lên ý nguyện đi xa. Nếu hỏi trẻ trong thuyền có những ai, câu trả lời có thể có nhiều ý nghĩa.

Ống khói tàu thủy có thể tượng trưng cho dương vật.

Một tiết mục đáng chú ý: vẽ những dấu hiệu về luật giao thông, như những bảng cấm xe cộ... có thể nói lên mối quan tâm về những cấm đoán của ngưòi lớn.

Tính ổn định và những điều bỏ quên

Một trẻ có thể do ngẫu nhiên (như sau khi xem một cuốn phim) mà vẽ về một chủ đề nào đó. Nhưng nếu chủ đề ấy được lập đi lập lại thì đó có thể là biểu hiện của một đặc điểm về tính nết, hoặc thể hiện những mối bận tâm sâu sắc.

Bỏ quên một vài chi tiết trong hình vẽ cũng có ý nghĩa: chẳng hạn trẻ vẽ người mà quên vẽ miệng hoặc tay chân. Trong khi vẽ nếu trẻ chần chừ vẽ về một chủ đề nào đó (ví dụ vẽ người khác giới) thì cũng biểu lộ những mối ưu tư nhất định. Chẳng hạn trường hợp một trẻ không chịu vẽ hình ảnh phụ nữ vì mẹ của em hành nghề mại dâm.

Vẽ hình người

Mỗi một chi tiết trên hình vẽ người đều có ý nghĩa.

Những bệnh nhân paranoid hay vẽ đầu người thật lớn, trong khi đó người trầm cảm và tự ti thì vẽ đầu bé lại.

Mũi tượng trưng cho dương vật. Mũi dài nói lên nỗi lo sợ bị thiến (castration anxiety), hình mũi cong queo có thể biểu hiện những lệch lạc về tính dục.

Con mắt vẽ to lên với lông mày kẽ rõ nét nói lên ý muốn làm duyên dáng, có khi cho thấy xu hướng đồng tính luyến ái. Lông mày rối biểu hiện cho hung tính hoặc tình trạng chậm khôn.

Trẻ em điếc hoặc nặng tai có thể quên vẽ tai hoặc vẽ tai thật lớn. Tai lớn cũng nói lên tính ham học.

Miệng gợi đến chuyện bú sữa, ăn uống tức là mối quan hệ với mẹ. Quên vẽ miệng là trẻ có thể có vấn đề với mẹ. Vẽ nổi bật môi miệng và thức ăn có thể cho thấy xu hướng thoái lùi về giai đoạn môi miệng (oral stage theo phân tâm học). Răng biểu thị cho hung tính.

Trẻ lớn vẽ miệng hình tròn là nói lên tính khờ dại.

Cằm chỉ xuất hiện rõ nét trên hình vẽ của trẻ lớn. Vẽ cằm rõ nét có thể nói lên tính hung hăng.

Phần cổ bắt đầu xuất hiện trên hình vẽ trẻ em sau 8-9 tuổi (hình vẽ tự phát không ai chỉ dẫn).

Vẽ bàn tay rõ ràng nói lên tính cởi mở. Bỏ sót hoặc không vẽ bàn tay biểu hiện một mặc cảm, hoặc che giấu những hành vi không hay như thủ dâm, trộm cắp. Cánh tay vẽ sát vào người nói lên sự kém thích nghi, cánh tay dang rộng vừa tầm nói lên khả năng thích nghi tốt. Bỏ quên cánh tay cũng có ý nghĩa như quên bàn tay.

Chân vẽ gập lại là triệu chứng của trầm cảm hoặc một tình trạng thiểu năng nào đó.

Vẽ rõ vú và phần mông nổi lên biểu hiện nhiều mặc cảm liên quan đến tính dục.

Trẻ em dưới 7 tuổi vẽ hình người trần truồng là bình thường. Khi lớn hơn, trẻ sẽ để ý đến áo quần của các nhân vật. Trẻ lớn vẽ ngưòi  không mặc quần áo là có ý chống đối hoặc bêu xấu một người nào đó. Trẻ tự vẽ mình trần trụi là biểu hiện mặc cảm tự ti, cũng tương tự như vẽ quần áo rách rưới. Tự vẽ mình mặc quần áo ấm áp là tỏ ý mong được âu yếm nhiều hơn.

Những chi tiết như điếu thuốc lá, chiếc ô, cây gậy... có thể là biểu trưng cho dương vật.

Túi áo và khuyu áo càng nhiều thì càng chứng tỏ uy thế của nhân vật và ngược lại.

Thích vẽ một loại nhân vật nào đó cũng là cách thể hiện những tâm tư của trẻ.

Vẽ thủy thủ thể hiện mong ước đi xa, thoát khỏi tình trạng ràng buộc. Vẽ cảnh sát, cao bồi thể hiện sức mạnh, hung tính. Thật ra, vẽ nhân vật mang càng nhiều vũ khi thì càng thể hiện nỗi lo âu.

Nét vẽ

Nét vẽ cũng như nét bút trong khi viết có thể biểu hiện tính tình. Trẻ thích nghi tốt có nét vẽ rõ ràng, không rườm rà. Khi vẽ ấn bút mạnh rách cả giấy vẽ cho thấy tính hung hăng. Nét vẽ không rõ, vẽ đi vẽ lại hoặc tìm thước kẽ để vạch thẳng cho thấy tính rụt rè, bị ức chế. Những trẻ gặp khó khăn khi viết cũng sẽ thấy khó khăn khi vẽ, hình vẽ có thể bị rối hoặc bẩn.

Những người ít khi cầm bút có thể vẽ không ra nét hoặc nét vụng về. Vì thế, đừng vội kết luận là trí lực kém. Điều này là do ảnh hưởng của môi trưòng văn hóa, xã hội.

Để ý đến lời nói và hành vi trong lúc vẽ, các em thường vừa vẽ vừa kể chuyện. Trình tự vẽ các nhân vật trước hay sau cũng có ý nghĩa, cũng tương tự nếu vẽ một nhân vật nào đó với các chi tiết ít hơn hoặc nhiều hơn.

Khi quan sát trẻ vẽ nên đứng (hoặc ngồi) ở phía sau trẻ, không ở đối diện để trẻ vẽ thoải mái hơn.

Trong lúc vẽ, trẻ có khi thay đổi ý kiến vẽ sang một chủ đề khác, hoặc có khi xóa bỏ, thêm bớt chi tiết. Chẳng hạn trường hợp một em bé lúc đầu vẽ bà mẹ lớn hơn ông bố rất nhiều, nửa chừng lại tìm cách tẩy xóa đi, nhưng không có sẵn cục tẩy nên vẽ thêm một tấm bình phông che lấp gần hết thân hình người mẹ.

Bố trí hình vẽ trên trang giấy cũng là một yếu tố đáng chú ý. Phía bên trái giấy vẽ tương trưng cho quá khứ, sự gắn bó với mẹ, tính hướng nội. Ở giữa tượng trưng cho hiện tại. Phía bên phải tượng trưng cho tương lai, sự gắn bó với bố, tính hướng ngoại.

Hướng về phía trên của giấy vẽ thường nói lên hoài vọng, hướng về phía dưới nói lên óc thực tế. Trung tâm giữa trang giấy tượng trưng cho cái tôi và nét vẽ hướng tâm hay ly tâm tượng trưng cho tính hướng nội hay hướng ngoại.

Trẻ hiền lành thường hay vẽ các nét cong, trẻ năng động thường vẽ đường thẳng và các góc cạnh. Nếu nét vẽ chi có các đường cong thì chứng tỏ trẻ phần nào bị kém phát triển. Vẽ quá nhiều nét nằm ngang biểu hiện những mối xung đột trong tâm tư. Có nhiều chấm hoặc nét nhỏ chứng tỏ tính tỉ mỉ.

Kích thước hình vẽ so với tờ giấy cũng có ý nghĩa. Vẽ choán hết trang tỏ ra còn khờ dại. Trẻ thích nghi tốt thường vẽ hình đúng giữa trang. Hình vẽ lên cao quá, thấp quá hoặc lạc chéo sang một bên thường là có vấn đề. Lên cao là nói lên lòng tự kiêu, xuống thấp là tỏ ra có tính thực tế.

Những nét bút nhẹ nhàng hoặc nhấn mạnh, cong hoặc gãy khúc... đều có thể biểu hiện những ý nghĩa khác nhau. Trong hình vẽ người, vẽ cây, xu thế của của hai cánh tay và hai chân cũng tương tự như hướng của các nhánh cây cũng nói lên tính năng động hoặc rụt rè của nhân vật. Tình cảm đối với một nhân vật nào đó, như bố hoặc mẹ chẳng hạn, cũng thể hiện qua nét vẽ mềm mại hoặc nhấn mạnh. Đừng quên là bút chì rất dễ gãy nên có thể ảnh hưởng đến nét vẽ của trẻ.

Hình vẽ và nhân cách

Tình cảm có tác động sâu sắc đến hình vẽ, cho nên không dễ để có thể dùng hình vẽ mà đánh giá trí lực.

Khi vẽ hình người, nếu các chi tiết được bố cục cân đối thì nhiều khả năng đó là một trẻ thích nghi tốt. Vẽ hình người rất lớn chứng tỏ tính tự kiêu, nhưng nhiều khi cũng là biểu hiện của tính tự ti. Những người paranoia thường vẽ một con người rất lớn. Những trẻ rụt rè, bị ức chế thường vẽ hình người bé tí và đặt ở một góc dưới của trang giấy như muốn lẩn trốn.

So sánh phong cách của hai họa sĩ nổi tiếng Van Gogh và Seurat, bà Minskowska phân biệt một bên là màu sắc phong phú, đường nét sôi động, cây cối bị vặn vẹo, đường sá ngoằn ngoèo, màu sắc tung ra dữ dội - đó là phong cách đa cảm của Van Gogh và bên kia là những hình thù rõ ràng, những nhân vật đứng yên, các chi tiết đều cân đối - đó là phong cách của Seurat, một con người duy lý. Ở trẻ em cũng có hai phong cách vẽ như vậy.

Có nhiều trẻ khi trắc nghiệm tưởng là trí lực kém, nhưng khi cho vẽ thì bộc lộ phong cách đa cảm tạo ra những bức tranh phong phú, sinh động, đầy những sự vật và nhân vật. Vì trẻ quá nhạy cảm mà trở nên khó thích nghi cho nên bị đánh giá lầm là lười hoặc khờ dại. Thông qua vẽ tranh, các trẻ ấy có thể bộc lộ tâm tư và giải tỏa các vướng mắc. Có khi vì giao tiếp khó khăn mà các trẻ ấy lại ‘‘cố ý'' làm điều gì đó cho người lớn khiển trách, và đó cũng là dịp để trẻ có thể tiếp xúc người khác.

Trẻ em ốm yếu thường dùng những màu sắc đen hay xám.

Nỗi lo sợ (nhất là nỗi lo sợ bị thiến - theo phân tâm học) được biểu hiện bằng cách quên vẽ bố hoặc mẹ, hoặc vẽ gia đình đầy đủ nhưng lại thêm vào một nhân vật hoặc một con thú hung dữ.

Khi bố mẹ quá nghiêm khắc và đòi hỏi cao, trẻ có thể vẽ thêm một nhân vật sánh đôi, nhỏ hơn bản thân và hiền lành dễ bảo - nói lên ý muốn được chiều chuộng, ve vuốt. Hình vẽ con người sánh đôi này nếu lớn hơn bản thân thì tượng trưng cho trẻ là đối thủ của bố. Trong lúc vẽ hình ảnh bản thân, có những chi tiết xuất phát từ vô thức, cũng có những chi tiết tự ý thêm vào - một bên thể hiện những đặc điểm ăn sâu, một đàng thể hiện những gì do người khác xét đoán hoặc do bản thân tự nhận ra mình. Có những trẻ không chịu vẽ hình ảnh bản thân, hoặc vẽ xong thì bôi đi hoặc phá đi như thể để che giấu bản thân, sợ người khác nhìn thấy mình. Đây là một triệu chứng thường là có tính bệnh lý và hay gặp trong paranoia.

Hình vẽ gia đình

Bảo trẻ: Em hãy vẽ một gia đình

Sau đó bảo: Hãy vẽ gia đình của em

Có khi trẻ không hiểu từ "gia đình" thì ta sẽ nói rõ đó là vẽ những người sống chung trong một nhà (chứ không liệt kê đó là bố, mẹ, anh, chị...). Có khi trẻ hỏi lại là vẽ người ở trong nhà của chú bác, ông bà? Bức ảnh đầu thường là hình ảnh gia đình em mơ ước, có khi trẻ không chịu vẽ lần thứ hai, bảo là hình vẽ đầu đã đủ rồi. Những trẻ không có vấn đề gì với gia đình thường ít khi từ chối, và có khi chỉ biết vẽ hình ảnh gia đình của mình chứ không vẽ một gia đình nào khác.

Bỏ quên một nhân vật nào đó là có ý chống đối. Đôi khi trẻ vướng mắc, hỏi nhiều trước khi đặt bút vẽ. Đừng đáp lại quá nhiều càng làm trẻ rối trí.

Vẽ xong yêu cầu trẻ mô tả các nhân vật trong hình và bình luận. Hỏi người nào em thích nhất, khó tính nhất... đây là nơi nào, ở nhà hay đang đi chơi. Nhiều trẻ bị ức chế không vẽ người mà vẽ một gia đình các con vật. Vẽ áo quần đàng hoàng, đẹp đẽ với nhiều chi tiết hoặc vẽ áo quần rách rưới cũng có thể nói lên tình cảm đối với nhân vật ấy.

Đôi khi có một nhân vật nào đó bị đẩy vào góc hoặc bị một đồ vật che lấp.

Vẽ một con vật hoặc một đồ vật ngăn giữa bố và mẹ cũng có thể nêu lên nỗi băn khoăn của trẻ về mâu thuẫn giữa bố và mẹ.

Ganh tị với anh, chị hay em thì bỏ quên người ấy, viện cớ là hết chỗ vẽ. Hoặc có thể vẽ người ấy cụt tay, hoặc cũng có khi bịa đặt ra một người anh hay chị lý tưởng.

Có khi trẻ tự vẽ mình bé bỏng, mong được ve vuốt, hoặc vẽ một con vật thay thế.

Khi vẽ bố trí dồ đạc giường tủ trong nhà, trẻ đôi khi bỏ quên vẽ giường của một ai đó hoặc của chính bản thân mình.

Khả năng vẽ và định hướng trong không gian

Trẻ 3 tuổi vẽ được vòng tròn, chữ thập; 5 tuổi hình tam giác; 7 tuổi hình thoi. Từ 6 tuổi biết bên phải, bên trái. Quan sát trẻ xem nét vẽ thiên về bên phải hay bên trái. Khi vẽ mặt người nhìn nghiêng, các trẻ thuận tay phải thuờng mặt người nhìn về bên trái, trẻ thuận tay trái vẽ hướng ngược lai. Các em thuận tay trái có khi không vẽ tay trái trong hình vẽ người, có thể vì tay này gây khó khăn, mâu thuẫn với người khác.

Trẻ vụng đọc (dyslexie) trí lực bình thường hay bị những vấp váp về sự phân hóa phải-trái có thể vẽ bố trí đồ đạc trong nhà ngược chiều. Trẻ do dự trước khi bố trí một đồ vật trên trang giấy, đôi khi bỏ luôn không vẽ vật ấy vì sợ vẽ sai vị trí.

Nghệ thuật vẽ

Tính sáng tạo trong khi vẽ xuất hiện tự phát, lớn lên đại đa số trẻ không thích vẽ và nếu vẽ thì vẽ theo quy cách bình thường, không có gì độc đáo, kể cả những trẻ thòi bé được giải thưởng vẽ quốc tế. Hình vẽ mang tinh sáng tạo được thấy ở trẻ em do trẻ có cách nhìn khác người lớn bình thường, ở những ngưòi bị tâm bệnh do thoát khỏi những quy cách thông thường và ở những họa sĩ nhạy cảm.

Kết luận

Hình vẽ cung cấp nhiều thông tin về tâm lý trẻ em nhưng rất khó biện giải. Nhất thiết ta không nên máy móc lấy một chi tiết hoặc một chỉ báo nào đó rồi kết luận vội vã.

Cần phải quan sát, theo dõi nhiều khía cạnh, nhiều lần, có đối chiếu với nhiều thông tin và chỉ báo khác. Và đó cũng là nguyên tắc chung trong tâm lý học: nhất thiết không bao giờ chỉ lấy một điểm, một mặt nào đó để kết luận về một con người...

 
E-mail  Gửi email cho bạn bè
In trang này In trang này
  Lên đầu trang
Các bài khác...
  • 10 ĐIỀU NÊN NÓI VỚI CON
  • Bố mẹ hay bạn
  • Cần có chiến lược phòng ngừa rối nhiễu tâm lý trẻ em
  • Xem con như là một chủ thể
  • Xem con như là thượng khách
  • Trẻ em hư
  • Trẻ em ngày nay
  • Tính
  • Cảm thông và chia sẻ với tuổi mới lớn
  • Giải mặc cảm tội lỗi cho trẻ - một hướng phòng ngừa tự sát
  • Năm thông điệp gửi người cha trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa
  • Làm thế nào để giúp con có được hình ảnh đẹp về người cha?
  • Chăm - Chữa - Dạy tại phòng khám Tâm lý - Y học - Giáo dục trong một bệnh viện đa năng
  • Sẻ chia với trẻ tự kỷ
  • Trẻ có những dấu hiệu: Chậm nói, ngơ ngác... Đừng vội cho là trẻ tự kỷ
  • Rối nhiễu tâm lý sau hai năm vắng mẹ
  • Hội chứng tự tỏa qua 10 câu hỏi
  • Chữa máy - chữa người
  • Nỗi khổ của con em
  • Tâm lý lâm sàng trẻ em Việt Nam
  • CHỨNG ÁM ẢNH...SỢ
  • Khi nào nên lo lắng về việc trẻ chậm nói
  • 12 trò chơi rèn kỹ năng cho bé dưới 1 tuổi
  • Mạnh hơn cả lời nói
  • Đo nhu cầu thành đạt bằng phương pháp TAT
  • Test nhanh chuẩn phát triển trẻ 5 tuổi
  • RỐI LOẠN TĂNG ĐỘNG GIẢM CHÚ Ý
  • Tâm lý “con một”
  • NỖI KHỔ CỦA CON EM TRONG GIA ĐÌNH
  • NGUY HẠI HƠN VI TRÙNG
  • SỰ PHÁT TRIỂN TÂM LÝ TỪ 0 ĐẾN 3 TUỔI (kỳ 1)
  • TÂM LÝ HỌC MỘT XA XỈ PHẨM CẦN THIẾT
  • NHỮNG NHU CẦU CƠ BẢN VÀ NHU CẦU TÂM LÝ CỦA CON NGƯỜI.
  • NGHIÊN CỨU TÂM LÝ GIA ĐÌNH
  • CÁC BIỂU HIỆN NHIỄU TÂM Ở TRẺ EM
  • LOẠN TÂM Ở TRẺ EM
  • PHẢN ỨNG SINH LÝ VÀ TÂM LÝ CỦA TRẺ BẾ BỒNG
  • TÂM LÝ THANH NIÊN
  • FREUD VÀ THUYẾT PHÂN TÂM
  • TIẾP NHẬN PHÂN TÂM HỌC
  • TÌM HIỂU TRẺ EM QUA HÌNH VẼ
  • LÂM SÀNG TÂM LÝ
  • NHỮNG THỜI KÌ PHÁT TRIỂN CỦA TRÍ KHÔN
  • PHÁT TRIỂN TÂM LÝ TRONG NĂM ĐẦU
  • TIẾP NHẬN PHÂN TÂM HỌC VÀ PHÊ PHÁN
  • KHÁI NIỆM “GẮN BÓ”
  • PHÁT TRIỂN CẢM GIÁC VẬN ĐỘNG
  • CAN THIỆP SỚM - MỘT KHỞI ĐẦU SỚM CHO THÀNH CÔNG CỦA HOÀ NHẬP
  • Phân tâm học và phật giáo
  • Tiếp nhận phân tâm học và phê phán
  • Tiếp cận "Lâm sàng của chủ thể" trong trị liệu tâm lý
  •  
    Giới thiệu về trung tâm
    B/S Nguyễn Khắc Viện, Nhà sáng lập Trung tâm N-T
    Bà Nguyễn Thị Nhất, Nhà đồng sáng lập Trung tâm NT
     
    Bạn đọc viết
    Trò chuyện không định h...
    em muon hoi chi tiet hon ve cach the hien cac loai cau hoi t...
    29/11/08 10:24 More...
    By duong hanh

    Des troubles psychologiques, des méthodes de consultation et de traitement ...