Một nữ sinh cấp 3 đến khám một bác sĩ chuyên khoa vì một vết rám đen ở mặt. Bác sĩ vừa trông thấy nói ngay: "Bệnh chẳng nguy hiểm gì nhưng không chữa được đâu!". Cô gái về nhà khóc mấy ngày liền. Rồi một cán bộ bảo "tôi có thuốc gia truyền cứ bôi vào là nhất định khỏi". Thử bôi mấy tuần liền vô hiệu. Cô gái lại khóc luôn mấy ngày nữa. Bà mẹ cho biết là từ khi lớn lên 12, 13 tuổi trở đi, đứa con gái thông minh học giỏi nhưng không chịu đi đâu nữa, ít chơi với bè bạn, khách đến nhà thì lánh mặt. Học hết cấp ba, mặc dù đủ sức thi vào đại học và bố mẹ tạo đầy đủ điều kiện song vẫn khăng khăng bỏ học, nằm nhà chẳng chịu đi chơi với ai cả. Và có khi tâm sự với mẹ: "Nếu không thương bố mẹ thì con thà chết đi còn hơn".
Rõ ràng vị bác sĩ chuyên khoa kia đứng về mặt sinh học mà nhận xét thì không có gì sai cả, nhưng về mặt tâm lý mà nói đã phạm một sai lầm nghiêm trọng: Giá thử cô gái này đã tự sát thì ông bác sĩ ấy cũng như người bán thuốc gia truyền kia hẳn có phần trách nhiệm.
Nhưng phân tích đến cùng là do người bác sĩ đó chưa bao giờ được học tập về tâm lý bệnh nhân, về những mối quan hệ tâm lý giữa thầy thuốc và người bệnh. Nếu đã học về tâm lý, ông ta sẽ biết được là hễ đụng đến bộ mặt thì mỗi vết bệnh dù không đau nhức, không có nguy cơ gì cả song về mặt tâm lý, nhất là đối với phụ nữ đó là một chấn thương quan trọng. Ở đây cái ĐAU không đáng kể, nhưng cái KHỔ của người bệnh rất lớn.
Trong nhiều trường hợp chữa trị cái đau hoặc có hiệu quả hoặc tự nó lành, nhưng người bệnh lại trải qua những nỗi khổ tâm nhiều khi nghiêm trọng. Thêm vào, trong nhiều trường hợp, yếu tố tâm lý xã hội lại có một tác động sâu tắc đến sức khoẻ và nhiều khi trực tiếp gây bệnh hay có một tác động tích cực hay tiêu cực trong quá trình lành bệnh, phục hồi sức khoẻ. Người thầy thuốc hay nói đúng hơn tập thể những người chăm lo sức khoẻ cho người khác nếu có một số kiến thức cơ bản về xã hội về tâm lý liên quan đến sức khoẻ để không chỉ có dùng thuốc men, phẫu thuật, vật lý trị liệu chữa trị ca bệnh mà còn phải biết vận dụng nhiều biện pháp tâm lý xã hội trong việc chẩn đoán và giúp đỡ người bệnh. Đứng trước một người bệnh vừa phải chữa vừa phải chăm. Chăm là chăm sóc con người, nhiều khi cùng chữa bệnh như nhau nhưng chăm sóc thì lại khác nhau vì đây là chăm sóc những con người cụ thể. Mỗi người có một cuộc sống riêng, những mối tâm tư riêng ở đây không còn chỉ mối quan hệ tay đôi giữa người thầy thuốc và bệnh nhân mà là quan hệ với tất cả các cán bộ nhân viên y tế, trước hết là y tá, sau là cán bộ quản lý bệnh viện.
Những vấn đề tâm lý xã hội đều được đặt ra trong suốt cuộc đời của một con người từ lúc còn nằm trong bụng mẹ đến lúc tuổi già, nghĩa là y học nhân văn không khoanh lại trong một chuyên khoa nào mà phải là một bộ phận hữu cơ của tất cả các chuyên khoa từ sản khoa đến lão khoa. Tâm lý học không chỉ đóng khung trong khoa tâm thần mà là hệ thống kiến thức và nghiệp vụ và bất kỳ chuyên khoa nào cũng cần biết vận dụng với sự tiến triển của xã hội, với những tiến bộ của khoa học kỹ thuật. Nhiều vấn đề tâm lý liên quan tới sức khoẻ được đặt ra, đòi hỏi các cách giải quyết thích đáng. Nếu cán bộ y tế không được trang bị kiến thức nghiệp vụ về mặt này thì sẽ bị động trước những sự cố không hiểu được.
Chú giải: Về ca bệnh trên, cô nữ sinh sau một năm bỏ học nằm nhà, được gia đình nhất là mẹ kết hợp với bác sĩ và cán bộ tâm lý giúp đỡ, đã chịu thi vào đại học, nay là một sinh viên giỏi và vui vẻ chịu tiếp xúc chịu chơi với bè bạn và mọi người.
Trong bài này, chúng tôi chỉ nêu lên vấn đề, sau này sẽ có dịp đi sâu hơn. Chúng tôi nghĩ rằng mới khuấy lên vấn đề thì những ai có kinh nghiệm nhiều năm trong ngành y, tất sẽ nhận ra chính bản thân cũng có một số vốn kinh nghiệm về mặt này và nếu được học tập, nghiên cứu tài liệu, trao đổi với các đồng nghiệp thì cũng không đến nỗi khó khăn quá để nắm bắt được những kiến thức cơ bản và những phương pháp ứng xử theo định hướng y học nhân văn.
Y khoa sinh học và y học nhân văn không đối lập mà bổ sung cho nhau tạo ra một nền y học toàn diện (Médecine holistique).
Hà Nội tháng 11 - 1995