NT Foundation - TRẦM NHƯỢC Ở TRẺ EM
 
 
Lượt truy cập: 13210363
 
 
TRẦM NHƯỢC Ở TRẺ EM
 

Trước đây người ta không nhìn nhận trạng thái trầm nhược ở trẻ em. Người ta cho đấy là một giai đoạn thành thục cơ bản của sự phát triển. Hiện nay trầm nhược ở trẻ em đã được thừa nhận nhưng cách hiểu và triệu chứng lâm sàng rất thay đổi tùy theo từng tác giả.

 

Dựa vào những lý thuyết được xây dựng trên những nhận xét lâm sàng, Spitz và Bowlby đã mô tả một phản ứng đặc biệt của trẻ em đi theo ngay một sự kiện bên ngoài và không phải là do sự phát triển về thành thục.

Spitz đã nêu lên hành vi của đứa trẻ 6 đến 18 tháng được đặt trong một môi trường bất lợi sau một chia ly đột ngột với mẹ: trẻ khóc nhè rồi co mình lại, thờ ơ với chung quanh, xuất hiện sự thoát lui về phát triển và, hoặc nhiều triệu chứng thực thể. Trẻ sẽ đi đến một tình trạng khốn đốn. Spitz gọi sự phản ứng này là trầm nhược thiếu chỗ dựa (tình cảm) vì đứa trẻ bình thường dựa vào mẹ để phát triển, nay chỗ dựa đột nhiên bị thiếu hụt. Về sau này người ta dùng thuật ngữ "hội chứng nằm viện" (hospitalisme), rồi sau đó "hội chứng nằm viện trong gia đình" để chỉ những phản ứng như vậy. (hiện nay ta gọi là hội chứng vắng mẹ).

Bowlby cũng thiên về những phản ứng của trẻ em lúc chia lý với mẹ. Theo ông, lứa tuổi nhạy cảm nhất vào khoảng 5 tháng đến 36 tháng, ông nhận thấy:

1. Một giai đoạn phản kháng lúc xảy ra sự chia ly! Trẻ khóc tìm cách theo bố mẹ, bồn chồn, gọi bố mẹ (nhất là khi ngủ). Không làm sao dỗ được chúng. Sau 2-3 ngày các biểu hiện ồn ào trên giảm dần.

2. Sau đó là giai đoạn thất vọng: Trẻ không chịu ăn, không chịu thay quần áo, không cởi mở, thụ động, không đòi hỏi gì người chung quanh.

3. Giai đoạn cởi mở cuối cùng: trẻ không từ chối sự có mặt của y tá, nhận sự săn sóc thức ăn, đồ chơi. Nếu lúc này trẻ lại trông thấy mẹ, nó không nhận lại được mẹ ngay hoặc không quay lại phía mẹ. Nhiều khi kêu khóc.

Về mặt tập tính học:

Bowlby so sánh phản ứng này với cái mà người ta quan sát được lúc làm thí nghiệm về sự chia ly của loài linh trưởng. Điều này tạo nên điểm xuất phát của lý thuyết về sự gắn bó mẹ - con.

I. TRIỆU CHỨNG LÂM SÀNG CHUNG

Triệu chứng học trầm nhược ở trẻ em đặc biệt thay đổi. Weinbery và cộng sự nêu lên 10 hành vi sau đây xem như là những triệu chứng quan trọng nhất trầm nhược trẻ em:

1. Khí sắc thất thường (loạn khí sắc);

2. Tự đánh giá thấp;

3. Ứng xử hung tính (bồn chồn, dễ kích động);

4. Rối loạn giấc;

5. Kết quả học tập kém;

6. Giảm dần sự thích nghi xã hội, ít chơi đùa;

7. Thay đổi thái độ học hành;

8. Các than phiền về thực thể;

9. Mất sinh khí trong cuộc sống hàng ngày;

10. Thất thường về ăn uống và mất trọng lượng;

Như vậy, các triệu chứng thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau và cực kỳ dễ thay đổi, đi từ khí sắc (thất thường), đạo đức, (tự đánh giá thấp), ứng xử dễ bị kích động, đến thực thể (rối loạn giấc ngủ kém, kém ăn), xã hội (học kém, ít chơi). Tính chất dễ thay đổi này tùy thuộc vào bản thân từng đứa trẻ và tùy từng lứa tuổi.

Về triệu chứng, nhiều tác giả chia làm 4 nhóm triệu chứng:

A. Các triệu chứng liên quan trực tiếp đến trầm nhược.

- Một số trẻ có trạng thái suy nhược, co mình lại ngồi vào 1 xó;

- Ức chế vận động: khó khăn chơi đùa, khó khăn sai bảo làm một việc gì.

- Hiếm khi than phiền trực tiếp về một đau khổ tâm lý, tuy nhiên nét mặt buồn bã, khóc lóc chứng tỏ điều này.

- Bàng quang, mệt mỏi

- Đánh giá thấp bản thân ("em không biết", "em không thể").

- Khó khăn tập trung chú ý, ghi nhớ.

- Các triệu chứng thể chất: biếng ăn, rối loạn giấc ngủ (mất ngủ, ác mộng...) đau đầu hoặc nửa đầu.

B.Các triệu chứng gắn với sự đau khổ.

Rất hay gặp, có khác ít với người lớn.

- Thờ ơ, thụ động hoặc hành vi phục tùng quá mức.

- Lỡ học, những thất bại học tập trái ngược với chỉ số khôn. Có thể có hành vi ám sợ trường học, sợ xa nhà...

- Về thân thể: ăn mặc lôi thôi, cẩu thả dáng vẻ lang thang.

- Ở mức độ cao nhất: mặc cảm tội lỗi hoặc yêu cầu bị trừng phạt.

- Có thể dẫn đến mưu toan tự sát.

C. Những triệu chứng được xem như là những phản ứng tự vệ chống lại "trầm nhược".

- Sự hiếu động có thể trở thành sự mất ổn định thật sự về vận động hoặc tâm trí (hoặc trạng thái thao cuồng tư duy).

- Những hành vi khác được xem là những hành vi phản kháng hoặc yêu sách trước tâm trạng đau khổ như hành vi chống đối, hờn dỗi, giận dữ, hung ác...; những hành động gây hấn (như đập phá, bạo lực với trẻ khác) hoặc tự gây hấn; những rối loạn ứng xử (ăn cắp, bỏ nhà, hành vi phạm pháp, nghiện hút...).

D. Các triệu chứng được xem như tương đương trầm nhược.

- Chứng đái dầm

- Chậm, suyễn;

- Béo bệu, biếng ăn, đơn độc.

II. CÁC BIỂU HIỆN LÂM SÀNG TRẦM NHƯỢC THEO LỨA TUỔI.

A. Trầm nhược của trẻ bé (cho đến 24 - 30 tháng tuổi).

- Các biểu hiện lâm sàng đã được Spitz và Bowlby mô tả đã nêu ở phần trên, trong các trường hợp chia ly. Người ta còn gặp "hội chứng vắng mẹ" ngay cả trong gia đình có sự hụt hẫng tình cảm nặng hoặc sự hỗn loạn về dạy dỗ (thay đổi hình ảnh mẹ, điều kiện sống). Trong những trường hợp này còn nhận thấy những biểu hiện trầm nhược thiếu chỗ dựa (tình cảm) thực sự:

- Đứa trẻ nhỏ phản kháng, ủ rũ, cái nhìn lờ đờ, đơn độc, bề ngoài thờ ơ với người chung quanh, thiếu linh lợi trong các trò chơi thích hợp cho từng lứa tuổi, không có hiện tượng líu lo, bi bô, không chơi với bàn tay, cùi tay các trò chơi tò mò, khám phá.

Ngược lại, có thể có những động tác lắc lư theo tư thế gối - ngực, các động tác nhịp điệu đơn độc ban đêm hoặc lúc thiu thiu ngủ, rên rỉ.

Các thành tự tâm vận động chậm lại: chậm ngồi, đi, thói quen sạch sẽ chậm. Ngôn ngữ thường bị rối loạn sâu sắc, chậm ngôn ngữ.

Thường hay gặp những phản ứng trầm nhược tương tự trong những trường hợp thiếu thốn tình cảm từng phần (vắng mặt mẹ ngắn nhưng lặp đi lặp lại nhiều lần, bản thân mẹ trầm nhược...) hoặc do thiếu môi trường tương tác mẹ - con bị rối loạn, không thích hợp.

Trẻ càng bé, triệu chứng học càng mang tính chất tâm thể: biếng ăn, rối loạn giấc ngủ, ỉa chảy, chàm, chứng rụng tóc, suyễn,...

B. Trầm nhược của trẻ nhỏ (3 đến 5 - 6 tuổi).

Các biểu hiện trầm nhược đặc biệt thay đổi.

Những rối loạn ứng xử hay gặp nhất:

- Sự cách ly co mình lại, đôi khi im lặng thái quá nhưng thường gặp trạng thái bồn chồn.

Hành vi gây hấn nhất là với người khác, tự gây hấn, những kích thích kéo dài nhất là hành vi thủ dâm mãn tính, mang tính chất xung động.

- Trạng thái tình cảm không ổn định: lúc thì tìm kiếm tình cảm, lúc thì giận dữ, hờn dỗi, bạo lực.

- Đôi lúc có dao động khí sắc (kích động, khoái cảm, rồi lặng lẽ khóc lóc).

- Rối loạn các thành tựu xã hội đã đạt được: không chơi với trẻ khác, không chủ động trong đời sống hàng ngày (tắm rửa, ăn mặc...).

- Các rối loạn cơ thể, khó ngủ, ác mộng, ngái ngủ ban ngày rối loạn ăn uống (biếng ăn, háu ăn), đái dầm, đôi khi ỉa đùn.

- Khó thâm nhập vào thế giới trẻ em, khó đi mẫu giáo.

Trong trương hợp không được điều trị, hoặc sữa chữa các yếu tố làm khỏi bệnh, sự tiến triển có nguy cơ làm nặng thêm các rối loạn ứng xử và thất bại trong lĩnh vực xã hội hóa.

C. Trầm nhược của trẻ lớn (từ 5 - 6 tuổi, đến 12 - 13 tuổi).

Các triệu chứng tập hợp chung quanh 2 cực:

1. Một mặt những biểu hiện trực tiếp quan hệ với những đau khổ trầm nhược (những hành vi tự đánh giá thấp, tự làm mất giá trị, một sự đau khổ về tinh thần: "em không thể", "em không biết", "em bị mệt").

2. Mặt khác có những hành vi liên quan đến sự chống đối và đấu tranh chống lại những xúc cảm trầm nhược: giận dữ, xung động và hung tính, ăn cắp tái đi tái lại, nói dối, bịa chuyện, bỏ nhà đi.

- Trong mọi trường hợp hay gặp những thất bại trong học tập, khiến cho việc thích nghi với môi trường những trẻ cùng lứa tuổi thêm khó khăn, càng khẳng định sự hèn kém của mình, tăng cường cảm giác tội lỗi.

- Các rối loạn công cụ trước đây (chậm ngôn ngữ, vụng làm) dai dẳng và nặng thêm.

- Sự chú ý khó khăn, dễ mệt mỏi.

D. Trầm nhược của thanh thiếu niên.

Rất hay gặp và có liên quan mật thiết với những điều chỉnh lại tâm lý - cảm xúc riêng cho lứa tuổi này. Các biểu hiện trầm nhược ở đây tương tự với trầm nhược người lớn.

III. CĂN NGUYÊN

Những yếu tố tác động.

A. Sự mất mát tình cảm. Sự chia ly.

Rất hay gặp. Sự mất mát có thể là thực sự kéo dài: một hoặc cả hai bố mẹ chết hoặc mất một anh chị em, một người lớn thân thiết (ông nội, bà nội, người vú nuôi...), sự chia ly đột ngột và hoàn toàn hoặc do sự biến mất của một người thân (bố mẹ chia ly...) hoặc do đứa bé bị cách ly (nằm viện hoặc đưa đến nơi nuôi dưỡng không được chuẩn bị trước...).

Sự cố càng mang tính chất sang chấn nhiều hơn khi trẻ ở lứa tuổi khủng hoảng (6 tháng đến 4 - 5 tuổi).

Sự chia ly có thể tạm thời (bệnh tật, nằm viện thời gian ngắn, vắng mặt nhất thời một trong hai bố mẹ) nhưng gợi lên sự lo hãi bị từ bỏ dai dẳng mai sau khi tình huống đã bình thường trở lại.

Đôi khi nó thuần túy huyễn tưởng: cảm giác không còn được yêu, đã bị mất khả năng tiếp xúc với người thân.

B. Môi trường gia đình.

- Điều đáng lưu ý khi nghiên cứu môi trường gia đình là tần số tiền sự trầm nhược hay gặp ở bố mẹ nhất là mẹ. Hai cơ chế được nêu lên để giải thích tần số này:

1. Cơ chế tự đồng nhất với mẹ bị trầm uất.

2. Cảm giác khó tiếp xúc với mẹ, không có khả năng an ủi mẹ để làm cho mẹ vui lòng hoặc làm cho mẹ thỏa mãn. Đứa bé đồng thời bị hụt hẫng và mang mặc cảm tội lỗi.

+ Tần số thiếu hụt bố mẹ, nhất là mẹ! sự tiếp xúc bố mẹ - con tồi tệ, ít ỏi, thiếu sự kích thích tình cảm, lời nói hoặc dạy dỗ. Một trong hai bố mẹ công khai bị gạt: bị làm mất giá trị, hung tính, thù địch hoặc hoàn toàn thờ ơ với trẻ, có thể dẫn đến sự gạt bỏ hoàn toàn.

IV. ĐIỀU TRỊ.

A. Điều trị thuốc men.

- Các thuốc chống trầm nhược loại 3 vòng như:

+ Imipeanmine: 10mg/ngày từ 2 - 4 tuổi, 30mg/ngày 4 - 8 tuổi, 50 - 70mg/ngày từ 8- 15 tuổi (Imipro-mine).

+ C/O Imipromine 0,5 - 25mg/ngày.

Có thể tạm thời cải thiện những hành vi trầm nhược (buồn rầu, ủ rũ, suy nhược, sự chống đối). Tác dụng thường nhất, sau vài tuần là hết.

B. Các trị liệu quan hệ

Trị liệu tâm lý được tiến hành khi những người trong gia đình và bản thân đứa trẻ chấp nhận và tỏ ra có khả năng đảm bảo trị liệu cho hết liệu trình.

Tùy theo lứa tuổi của trẻ những điều kiện của thầy chữa, những điều kiện thuận lợi tại chỗ mà tiến hành các liệu pháp phân tích, tâm kích, theo hướng phân tâm và hỗ trợ.Trường hợp đứa trẻ còn bé, việc giúp đỡ bố mẹ có tầm quan trọng. Việc điều trị từng đôi mẹ - con đặc biệt năng động cho trẻ còn bé (2-6 tuổi) cũng như cho bản thân người mẹ.

C. Các can thiệp môi trường.

Mục đích là:

- Phục hồi mối quan hệ mẹ - con tốt hơn (giúp đỡ bố mẹ, cả hai mẹ con nằm viện trong một thời gian ngắn).

- Hoặc xây dựng một mối quan hệ mới thay cho mối quan hệ mẹ - con: đưa trẻ cho người khác nuôi, đưa vào các gia đình đặc biệt để nuôi các trẻ còn bé, đưa vào cơ sở nội trú những trẻ lớn hơn.

- Hoặc cho điều trị ở bệnh viện ban ngày khi có các rối loạn ứng xử nặng không cho phép để trẻ trong hệ thống giáo dục thông thường.

                  (BS. Phạm Văn Đoàn - Trung tâm NT)

 
E-mail  Gửi email cho bạn bè
In trang này In trang này
  Lên đầu trang
Các bài khác...
  • Tìm hiểu lâm sàng và các yếu tố tâm lý trong chứng máy giật cơ (Tic) ở trẻ em
  • Các biểu hiện nhiễu tâm ở trẻ em hiện nay
  • Các biểu hiện nhiễu tâm ở trẻ em hiện nay (tiếp theo)
  • Các biểu hiện nhiễu tâm ở trẻ em hiện nay (tiếp theo)
  • Các biểu hiện nhiễu tâm ở trẻ em hiện nay (tiếp theo)
  • Các biểu hiện nhiễu tâm ở trẻ em hiện nay (tiếp theo)
  • Các biểu hiện nhiễu tâm ở trẻ em hiện nay (tiếp theo và hết)
  • Trẻ em cũng bị trầm cảm
  • các rối nhiễu tâm lý
  • CÁC BIỂU HIỆN NHIỄU TÂM Ở TRẺ EM
  • RỐI NHIỄU TÂM LÝ SAU 2 NĂM VẮNG MẸ
  •  
    Giới thiệu về trung tâm
    B/S Nguyễn Khắc Viện, Nhà sáng lập Trung tâm N-T
    Bà Nguyễn Thị Nhất, Nhà đồng sáng lập Trung tâm NT
     
    Bạn đọc viết
    Trò chuyện không định h...
    em muon hoi chi tiet hon ve cach the hien cac loai cau hoi t...
    29/11/08 10:24 More...
    By duong hanh

    Des troubles psychologiques, des méthodes de consultation et de traitement ...